Theo Hãng tin Reuters, tên lửa Soyuz 2.1v mang theo tàu thám hiểm Mặt trăng Luna-25 đã được phóng đi từ sân bay vũ trụ Vostochny, cách Matxcơva 5.550km về phía đông.
Soyuz 2.1v được phóng lúc 2h11 ngày 11-8 theo giờ địa phương, tức 6h11 cùng ngày theo giờ Việt Nam. Cơ quan vũ trụ Nga cho biết tàu đổ bộ sẽ hạ cánh xuống Mặt trăng vào ngày 23-8.
Tàu thám hiểm Luna-25 của Nga mang sứ mệnh tìm dấu hiệu của nước trên Mặt trăng. Đây cũng là cuộc đua thú vị với tàu đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan-3 của Ấn Độ.
Hôm 10-8, Nga hoàn tất khâu chuẩn bị cuối cùng cho việc phóng tàu thám hiểm Luna-25 lên Mặt trăng.
Theo kế hoạch, tên lửa đẩy Soyuz 2.1v mang theo Luna-25 được phóng từ sân bay vũ trụ Vostochny ở khu vực nằm cách thủ đô Matxcơva 5.550km về phía đông.
Đây là lần đưa tàu đổ bộ lên Mặt trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm, kể từ khi tàu Luna-24 của Liên Xô lên Mặt trăng năm 1976.
Nga hy vọng trở thành cường quốc đầu tiên đáp lên khu vực cực nam của Mặt trăng, nơi có khả năng tìm thấy băng nước.
Suốt nhiều thế kỷ qua, các nhà thiên văn học đã thắc mắc về khả năng có nước trên Mặt trăng, vốn khô hơn sa mạc Sahara tới 100 lần. Năm 2018, bản đồ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy có băng nước trong các vùng bị che lấp ở Mặt trăng. Năm 2020, NASA xác nhận có nước tồn tại ở các khu vực gặp ánh sáng mặt trời.
Ấn Độ đặc biệt quan tâm tới Luna-25 vì nước này cũng đang chạy đua với Nga để trở thành quốc gia có tàu tới cực nam đầu tiên trên Mặt trăng. Cách đây một tháng, Ấn Độ đã phóng tàu đổ bộ Mặt trăng Chandrayaan-3, và cũng lên kế hoạch đáp ở Mặt trăng đúng ngày 23-8.
Người Ấn đang xem đây là cuộc đua thú vị khi biết Nga thậm chí có khả năng đáp trước thời điểm ấy.
Theo Space, tàu Chandrayaan-3 được phóng ngày 14-7 và đã vào quỹ đạo Mặt trăng hôm 6-8. Chandrayaan-3 sẽ đưa tàu đổ bộ và xe tự hành xuống khu vực cực nam Mặt trăng ngày 23-8.
Đến nay, chỉ có ba nước từng đưa tàu thành công lên Mặt trăng gồm Mỹ, Liên Xô, và Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận