13/09/2016 09:06 GMT+7

Nga - Mỹ ngồi giải toán “ai là khủng bố”

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Từ hôm qua (12-9), thỏa thuận ngừng bắn tại Syria do Nga và Mỹ hậu thuẫn đã chính thức có hiệu lực. 

Bảy ngày bình yên không tiếng súng (về mặt lý thuyết) nghe có vẻ ngắn ngủi nhưng với một dân tộc đã trải qua 5 năm sống trong sợ hãi mỗi khi nghe tiếng máy bay gầm rú thì khoảng thời gian này còn hơn một kỳ nghỉ xa xỉ... Và trong lúc này, tại một trung tâm điều hành đặc biệt vừa được thành lập, các đại diện quân sự Nga - Mỹ đang vắt óc tìm lời giải cho bài toán: “Ai là khủng bố và ai là đối lập ôn hòa ở Syria?”.

Câu hỏi trên là một trong những nút thắt lớn của cuộc xung đột quy mô nhất Trung Đông hiện nay, cụ thể hơn là va chạm lợi ích giữa Nga và Mỹ - hai cường quốc đứng sau các bên tham chiến. Kể từ sau lần can thiệp quân sự chớp nhoáng vào Syria, Matxcơva nhiều lần mời gọi Washington hợp tác không kích các nhóm phiến quân cực đoan, nhưng Washington từ chối vì cho rằng Nga chỉ muốn làm suy yếu các nhóm đối lập để củng cố quyền lực của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

“Cách đây một năm, đề nghị của chúng tôi phối hợp hành động ở Syria vấp phải phản ứng khá lạnh lẽo từ các đồng nghiệp Mỹ, lúc đó họ chỉ muốn tránh các vụ đụng độ ngoài ý muốn... Tháng 2-2016, tổng thống hai nước quyết định thúc đẩy thêm các nỗ lực, trước hết là để tiến tới một lệnh ngừng bắn lâu dài” - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tường thuật trong sự kiện họp báo cách đây vài ngày. Và kết quả của nửa năm chuẩn bị và 14 giờ hội đàm marathon giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và ông Lavrov tại Geneva ngày 9-9 là 5 văn kiện quan trọng dự báo một thay đổi bước ngoặt trên chiến trường Syria.

Một số nhà phân tích cho rằng không nói quá nếu nhìn nhận thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được là một thắng lợi ngoại giao cho Matxcơva, nó cho thấy Washington cuối cùng đã chịu xuống nước. Việc Nga - Mỹ phối hợp quân sự chỉ khả thi nếu lực lượng Nga và chính quyền Tổng thống Assad tuân thủ đúng các điều khoản ngừng bắn trong những ngày tới, tuy nhiên chốt được giao kèo này cũng đã là một thành công lớn. “Đây là thắng lợi đối với Nga vì họ đã bảo vệ và thúc đẩy lập trường này trong một thời gian dài” - Hãng tin AFP dẫn lời nhà phân tích chính trị Fyodor Lukyanov.

Thỏa thuận Geneva ngày 9-9 không đề cập đến số phận của Tổng thống Syria al-Assad (một nhượng bộ không hề nhỏ từ phía Mỹ), nhưng kêu gọi Matxcơva dùng ảnh hưởng đối với chính quyền ông này để đảm bảo sự chuyển giao quyền lực sau chiến tranh - chìa khóa quan trọng giải quyết cuộc nội chiến Syria. “Sự can dự gián tiếp của chính quyền Syria trong thỏa thuận này cũng đồng nghĩa Mỹ thừa nhận họ không thể phớt lờ hoặc gạt bỏ sự tồn tại của Assad” - ông Lukyanov nhận xét.

Ngoại trưởng Nga Lavrov tỏ ra thận trọng khi nói ông không dám “chắc chắn 100%” rằng các bên sẽ nghiêm túc tuân thủ lệnh ngừng bắn mới - có lẽ là kinh nghiệm từ vụ phá sản của lệnh ngừng bắn hồi tháng 2-2016 do Liên Hiệp Quốc làm trung gian. Theo trang phân tích Expert.ru của Nga, nếu tình hình diễn tiến thuận lợi, Nga và Mỹ kịp thời tìm ra tiếng nói chung trong vấn đề “ai là khủng bố”, thì có thể trông đợi viễn cảnh các nhóm bị đóng dấu “khủng bố”, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sẽ hứng cùng lúc bom đạn của Nga, Mỹ và cả quân đội Syria.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mỹ Nga khủng bố Syria