01/08/2023 09:19 GMT+7

Nga dọa hạt nhân và mở cửa đàm phán

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định không từ chối đàm phán hòa bình với Ukraine. Nhưng đồng thời, Matxcơva đặt ra lằn ranh đỏ về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Lính cứu hỏa làm việc sau một vụ không kích gần đây ở Odessa, Ukraine - Ảnh: REUTERS

Lính cứu hỏa làm việc sau một vụ không kích gần đây ở Odessa, Ukraine - Ảnh: REUTERS

Tối 30-7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã bắn hạ ba chiếc máy bay không người lái (drone) của Ukraine, trong vụ tấn công thứ hai của Kiev nhắm vào thủ đô Matxcơva chỉ trong một tuần. 

Phía Ukraine không nhận trách nhiệm vụ tấn công cụ thể nào vào lãnh thổ Nga, nhưng Tổng thống Volodymyr Zelensky nói: "Cuộc chiến đang dần quay về lãnh thổ Nga, ở những trung tâm mang tính biểu tượng của họ".

Không nên xem nhẹ

Phương Tây luôn lo ngại về kịch bản Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, vì điều này có thể khiến xung đột mất kiểm soát cũng như khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nguy cơ hạt nhân lại được Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev lặp lại trong một phát biểu mới đây. Ông khẳng định nếu cuộc phản công hiện tại của Ukraine "thành công" và Kiev lấy lại những phần lãnh thổ Nga kiểm soát, đó là lúc Nga buộc phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngoài bán đảo Crimea "nhập vào Nga" vào năm 2014, Matxcơva đã tuyên bố sáp nhập thêm bốn vùng tại Ukraine hồi tháng 10-2022 trong "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Phương Tây đến nay không thống nhất trong nhận định về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân.

Đến nay, đa số ý kiến từ giới phân tích cũng như chính trị gia phương Tây đánh giá thấp kịch bản Nga dùng vũ khí hạt nhân, thậm chí còn nghi ngờ thông tin Nga chuyển vũ khí hạt nhân tới Belarus. Đơn cử, trong phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng 5, Giám đốc tình báo quốc gia Avril Haines khẳng định các đánh giá tới thời điểm ấy cho thấy "rất ít khả năng" Nga dùng vũ khí hạt nhân.

Mặc dù vậy, một luồng ý kiến khác cho rằng phương Tây quá chủ quan trong nhận định trên. Ngày 20-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo mối lo Tổng thống Nga Putin dùng hạt nhân là "có thật". Trong khi đó, các nhà phân tích có cách tiếp cận thận trọng về vấn đề này cũng lưu ý có những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các nước đưa ra lời đe dọa hạt nhân khi họ thực sự cảm thấy bị đối phương đe dọa. 

"... và họ càng thấy bị đe dọa bấy nhiêu, khả năng họ sẽ hành động thực tế càng cao" - TS Lauren Sukin viết trên Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế.

Theo ông Dmitry Trenin - cựu giám đốc Trung tâm Carnegie Matxcơva, nay là thành viên Viện Nghiên cứu kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế, phương Tây đang có "ảo tưởng cực kỳ nguy hiểm" khi cho rằng ông Putin đang lừa bịp về vũ khí hạt nhân.

"Dọn đường" cho đàm phán hòa bình?

Với những người không tin Nga dám dùng vũ khí hạt nhân, đa số dựa trên quan sát tương tự đối với Triều Tiên. Các bản tin về việc Triều Tiên đe dọa hạt nhân trở nên dày đặc, và điều này góp phần khiến những cảnh báo ấy trở nên quen thuộc và ít trọng lượng.

Tuy vậy, nghiên cứu của TS Sukin cho thấy các lần tuyên bố đe dọa hạt nhân của Triều Tiên thường đến trước một hành động "khiêu khích" thực tế, và thậm chí một bản tin có nội dung cảnh báo như thế còn đóng vai trò tiên đoán hành động thực tế. Đặt vào trường hợp của Nga, dù lời đe dọa không nhất thiết đồng nghĩa Matxcơva chuẩn bị sử dụng hạt nhân, nguy cơ trong ngắn hạn vẫn cao. 

"Điều đó có thể xảy ra dưới hình thức các chính sách hạt nhân rủi ro hơn, chẳng hạn đẩy nhanh quá trình triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus...", bà Sukin viết.

Về khía cạnh thông điệp, những lời đe dọa này cũng là một cách để các nước như Triều Tiên hay Nga đặt "lằn ranh đỏ" cho đối phương. Theo đó, lời đe dọa hạt nhân thường đi kèm một tín hiệu về mong muốn của Triều Tiên hoặc Nga. 

Và mặc dù không thực sự ngăn cản được chính sách hiện hành của Mỹ và phương Tây, những lời đe dọa ấy ít nhất cũng khiến các nước phải điều chỉnh hành vi và ngăn những hành động mới có thể bị xem như "không thể chấp nhận" đối với Triều Tiên hay Nga.

Trong tình huống của Nga, lời ông Medvedev nói đã tương đối rõ ràng: Ukraine thắng và tái chiếm lãnh thổ trong cuộc phản công này chính là diễn biến "không thể chấp nhận".

Một điểm đáng chú ý là hai chữ "hạt nhân" lần này được Nga nhắc tới song song với vài tín hiệu tích cực cho thấy Matxcơva sẵn lòng đàm phán hòa bình. Lời đe dọa của Nga cũng trùng thời điểm tờ Wall Street Journal tiết lộ thông tin một hội nghị thượng đỉnh về đàm phán hòa bình do Ukraine tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 5 và 6-8 ở Jeddah (Saudi Arabia).

Hồi đầu tháng 7, NBC News cho biết một nhóm cựu quan chức an ninh cấp cao của Mỹ đã có cuộc đàm phán bí mật với các nhân vật nổi bật ở Nga về kết thúc xung đột Ukraine. Một trong những vấn đề trọng tâm là giải quyết khác biệt về số phận các khu vực do Nga sáp nhập. Ukraine không chấp nhận mất đất và muốn toàn bộ lính Nga phải rút, trong khi Nga tuyên bố không bao giờ rời bỏ các phần lãnh thổ này. Các tuyên bố về hạt nhân mới đây có vẻ cũng chính là thông điệp của Nga đối với mọi giải pháp hòa bình được đưa ra sắp tới.

3 đối tác Nga muốn đối thoại

Hôm 31-7, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Matxcơva sẽ tiếp tục đối thoại về giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine với ba đối tác Trung Quốc, Brazil và châu Phi. Tuyên bố này được đưa ra sau thượng đỉnh Nga - châu Phi tuần trước, nơi các lãnh đạo châu Phi nhấn mạnh mong muốn kết thúc cuộc xung đột này.

Trung Quốc được xem là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga hiện nay. Bắc Kinh thắt chặt quan hệ với Matxcơva nhưng từng khẳng định phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nga nói về điều kiện để không phải dùng tới vũ khí hạt nhân ở BelarusNga nói về điều kiện để không phải dùng tới vũ khí hạt nhân ở Belarus

Nhà ngoại giao Nga Aleksey Polishchuk khẳng định các vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga đã chuyển tới Belarus hồi tháng 6-2023 sẽ ở yên đó, nếu Mỹ và NATO ngừng phá hoại an ninh của Nga và Belarus.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên