Tại cuộc họp báo hôm 21-5, người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder cáo buộc: "Vào ngày 16-5, Nga đã phóng một vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Chúng tôi đánh giá đây có thể là vũ khí chống không gian, có khả năng tấn công các vệ tinh khác ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp",
Theo ông Ryder, vũ khí mới của Nga dường như đã được triển khai vào "cùng quỹ đạo với vệ tinh của Chính phủ Mỹ".
Tuy nhiên, ngày 22-5, nhà ngoại giao phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí hàng đầu của Nga gọi thông tin Nga phóng vũ khí diệt vệ tinh vào không gian là "tin giả".
Cụ thể, Hãng tin Interfax dẫn lời ông Sergei Ryabkov - thứ trưởng ngoại giao Nga phụ trách quan hệ với Mỹ và kiểm soát vũ khí - nói: "Tôi không nghĩ chúng tôi nên phản ứng trước bất kỳ tin giả nào từ Washington. Mỹ có thể nói bất cứ điều gì họ muốn, nhưng chính sách của chúng tôi không thay đổi".
Ông Ryabkov khẳng định Nga "luôn phản đối việc triển khai vũ khí tấn công ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp" .
Bộ Quốc phòng Nga nói vụ phóng trên có mang theo tàu vũ trụ, nhưng không nêu chi tiết mục đích của vụ phóng.
Hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Sergei Shoigu (lúc đó còn làm bộ trưởng quốc phòng Nga) đã bác bỏ cáo buộc từ Mỹ cho rằng Nga đang phát triển vũ khí hạt nhân diệt vệ tinh trong không gian.
Hôm 16-5, tên lửa Soyuz của Nga được phóng tại bãi phóng Plesetsk, cách Matxcơva khoảng 805km, đưa lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất ít nhất 9 vệ tinh, trong đó có Cosmos 2576 - một loại vệ tinh quan sát quân sự của Nga mà giới chức Mỹ từ lâu cáo buộc có "hành vi liều lĩnh" trong không gian, theo Hãng tin Reuters.
Tính đến ngày 21-5, Cosmos 2576 vẫn chưa đến gần vệ tinh nào của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phân tích không gian quan sát thấy vệ tinh này đi vào cùng quỹ đạo với vệ tinh USA 314 của Mỹ phóng lên hồi tháng 4-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận