Hàng khách trên chuyến tàu đặc biệt đến Hội nghị COP26 khởi hành từ ga Amsterdam Central, qua Bỉ đến London vào ngày 30-10. Từ đây, hành khách sẽ chuyển tàu đến Glasgow dự COP26. Di chuyển bằng tàu hỏa ít gây ô nhiễm hơn di chuyển bằng máy bay - Ảnh: AFP
Giám đốc điều hành GreenID, bà Ngụy Thị Khanh đến COP26 trong vai trò của một người quan sát theo chương trình của Mạng lưới hành động vì khí hậu toàn cầu mà GreenID là một thành viên.
"Đến với COP26, các hoạt động của tôi nhằm phục vụ cam kết đóng góp cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam thành công và mang lại nhiều lợi ích nhất cho Việt Nam về không khí sạch, tài chính xanh, phát triển cho cộng đồng về an ninh năng lượng" - bà Khanh cho biết.
* Bà đánh giá như thế nào về khả năng thành công của hội nghị lần này?
- COP là nơi hội tụ của các nhà lãnh đạo toàn cầu và là diễn đàn lớn nhất được Liên Hiệp Quốc tạo ra để kết nối những cam kết và nỗ lực hành động toàn cầu, để ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong tư cách là nước chủ nhà, vương quốc Anh đã rất nỗ lực và đưa rất nhiều không gian để các quốc gia đưa ra các cam kết của mình về vấn đề không xây thêm các nhà máy nhiệt điện than mới, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than để cắt giảm phát thải, đầu tư và đẩy mạnh quy mô năng lương tái tạo, thúc đẩy điện hóa giao thông...
Tất cả những hành động cụ thể này đều hướng tới mục tiêu cắt giảm phát thải và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Các nước đang phát triển cũng thúc đẩy vấn đề đàm phán về huy động 100 tỉ USD hằng năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển. Tôi cho rằng 2 tuần ở COP có thể không thể giải quyết được vấn đề khủng hoảng khí hậu và cơ hội thành công của hội nghị là 50-50.
Đưa ra cam kết giảm phát thải carbon là tín hiệu về định hướng Việt Nam muốn hướng đến. Tất nhiên từ cam kết đến thực thi là một hành trình dài, còn nhiều việc phải làm.
Bà Ngụy Thị Khanh
* Việt Nam sẽ có lợi ích như thế nào tại hội nghị lần này nếu thu hút được đầu tư trong nguồn tài chính 100 tỉ USD/năm mà COP26 hướng đến?
- Theo tôi, nếu Việt Nam đưa ra cam kết cao hơn về giảm phát thải carbon, chúng ta sẽ bày tỏ được thiện chí, nguyện vọng và quyết tâm của mình. Khi đó, Việt Nam sẽ có cơ hội lớn hơn trong việc tiếp cận được các nguồn tài chính khí hậu công lẫn tư.
Đây là một lợi ích nhìn thấy rất rõ. Khi các quốc gia phát triển có động thái đánh thuế carbon để thực hiện cam kết của chính quốc gia của mình thì các công ty, tập đoàn sẽ có trách nhiệm tương ứng. Lúc đó, việc họ đầu tư ở đâu cũng phải tính toán.
Tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế là một cuộc đua mà Việt Nam phải đua cùng các nước khác. Nếu Việt Nam đưa ra các cam kết tham vọng sẽ có lợi hơn. Ngược lại, nếu cam kết thấp thì sẽ bất lợi.
* Chúng ta cần làm gì để thể hiện rằng Việt Nam rất cam kết đẩy lùi khủng hoảng khí hậu?
- Hội nghị này chúng ta có Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự, đây là tín hiệu về sự cam kết của chúng ta. Tôi hy vọng Thủ tướng sẽ đưa ra thông điệp mạnh mẽ để khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng hành động và bắt nhịp với thế giới. Trong nước, chúng ta đang xây dựng nhiều chính sách mới. GreenID tin rằng Việt Nam nên kiên trì năng lượng tái tạo vì đây là lợi thế đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Có các chính sách để gỡ bỏ các trở ngại về tài chính và kỹ thuật để tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, bỏ các dự án điện than mới khỏi quy hoạch, phát triển phương án thay thế cho các nguồn điện không còn khả thi. Chúng ta cần có các chính sách thúc đẩy chuyển dịch trong các lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp... sử dụng các nguồn lực trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia và hưởng lợi trong quá trình chuyển dịch của đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận