01/11/2021 00:08 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp kiều bào ở Anh: 'Quê hương chỉ có một'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Trong hơn 40 phút lắng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi, những tràng vỗ tay đồng tình của kiều bào đã vang lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp kiều bào ở Anh: Quê hương chỉ có một - Ảnh 1.

Thủ tướng đã có cuộc nói chuyện giàu cảm xúc trước đông đảo người Việt Nam sinh sống, học tập tại Anh - Ảnh: LÊ KIÊN

Chiều 31-10 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ thân mật với hàng trăm người Việt Nam đại diện cho khoảng 100.000 người đang sinh sống, lao động, học tập tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland.

"Đề nghị nối lại chuyến bay thương mại để đồng bào về thăm quê"

Chia sẻ cảm xúc với Thủ tướng, tổng thư ký người Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Thị Anh Đào khẳng định cộng đồng người Việt Nam luôn đoàn kết, phát triển và giữ gìn bản sắc dân tộc, góp phần nâng cao hơn nữa mối quan hệ, đoàn kết giữa hai dân tộc.

"Sau 2 năm đất nước phải đóng cửa để chống dịch, đến nay đồng bào Việt Nam rất mong được về thăm quê hương. Đề nghị Chính phủ ưu tiên cho phép nối lại các chuyến bay giữa Việt Nam và Vương quốc Anh để bà con có cơ hội thực hiện nguyện vọng của mình" - chị Đào bày tỏ.

GS Nguyễn Xuân Huấn, chuyên gia về công nghệ chuyển đổi số, đại diện cho Hội trí thức Việt Nam tại Anh gồm 50 thành viên là các GS, PGS, TS là những người rất có tâm huyết đối với đất nước, nói: "Đề nghị Thủ tướng có cơ chế hoặc tạo ra những kênh thông tin hữu ích để kết nối giữa giới khoa học trong nước và nước ngoài hướng tới phối hợp hiệu quả để thực hiện những dự án lớn như xây dựng thành phố thông minh, chứ không chỉ dừng lại một số dự án nhỏ vừa qua".

"Chúng tôi luôn dõi theo đất nước và mong muốn mang được những gì đã học hỏi ở nước Anh về đóng góp cho đất nước mình" - GS Huấn cho biết.

Trong khi chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Anh Hoàng Việt Phương cho biết: "Các nhà đầu tư Anh đang mong muốn trực tiếp sang Việt Nam để tìm hiểu đầu tư các dự án. Đề nghị Chính phủ có giải pháp nới lỏng đi lại, đặc biệt là nới lỏng quy định về cách ly đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin".

Nhân dịp này, Thủ tướng quyết định tặng bằng khen cho Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Anh vì đã có thành tích xuất sắc trong phòng chống COVID-19.

"Quê hương thì chỉ có một" - Thủ tướng nói

Nỗ lực cho khát vọng Việt Nam hùng cường

Trước đông đảo kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động, cảm ơn sự nhiệt tình đón tiếp của cộng đồng, mặc dù vào hôm nay thời tiết không thuận lợi, đường sá xa xôi và hoàn cảnh khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

"Ở đâu chúng ta cũng là con Hồng cháu Lạc, quê hương thì chỉ có một mà thôi. Chúng ta tự hào về quê hương mình, có niềm tin để sống, cống hiến, giúp đỡ lẫn nhau. Những gì chúng ta có được là sự phấn đấu liên tục của dân tộc ta, trong đó có sự nỗ lực cao, quyết tâm lớn, cố gắng của mỗi người" - Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ kể về cuộc đón tiếp tại nhà riêng của bà thủ hiến Scotland, mặc dù ngày chủ nhật nhưng sự tiếp đón thân tình đã cho thấy tình cảm trọng thị của chủ nhà. Trước khi lên đường tham dự COP26, hai Thủ tướng Phạm Minh Chính - Boris Johnson đã có điện đàm trao đổi. Trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có cuộc gặp với thái tử Charles. Điều này cho thấy tình cảm của nước Anh dành cho đất nước Việt Nam chúng ta.

Nhắc lại những năm tháng đất nước còn gian khó, suốt thế kỷ 19 và thế kỷ 20 phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc, rồi sau chiến tranh đất nước đã bị tàn phá nặng nề lại thêm bị cấm vận nên rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn.

"Các cháu nhỏ ngày nay thì khó cảm nhận được, nhưng ở đây có nhiều anh, chị lớn tuổi đã trải qua cuộc sống khó khăn của những năm tháng ấy" - Thủ tướng nói.

Trước thời điểm đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chưa đến 100 USD. Đến nay bình quân thu nhập đầu người là hơn 3.000 USD. Kết quả ấy cho thấy sự nghiệp đổi mới, vượt khó đã giúp đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay.

Người đứng đầu Chính phủ tái khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là đối tác tốt, bạn bè tin cậy, thành viên có trách nhiệm của bạn bè quốc tế.

Đề cập đến vấn đề nhân quyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định ông "sẵn sàng đối thoại với bất cứ người nào trên thế giới về vấn đề này". Bởi với Việt Nam, nhân quyền lớn nhất của chúng ta là không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; khi khó khăn chúng ta không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhân quyền lớn nhất là chúng ta ổn định chính trị. Để bảo vệ nhân quyền thì phải có pháp quyền, và chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Về quan hệ kinh tế đối ngoại, Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta ký 17 hiệp định thương mại tự do với gần như tất cả các đối tác thương mại lớn nhất thế giới, từ tất cả các khu vực khác nhau".

Việt Nam có khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phấn đấu đến năm 2030 trở thành đất nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành đất nước có nền công nghiệp phát triển, thu nhập cao.

Chia sẻ việc tham dự COP26, Thủ tướng nhấn mạnh là mặc dù nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng ta thiếu quyết tâm thực hiện cam kết quốc tế để đến năm 2050 đưa lượng xả thải khí carbon về 0, bởi Việt Nam là một đất nước có trách nhiệm và chủ động tham gia các cam kết tiến bộ cùng cộng đồng quốc tế.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên