30/05/2013 08:00 GMT+7

Nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 20%

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 29-5, tại phiên họp toàn thể Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị nên mạnh dạn giảm ngay thuế xuống 20% để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh.

wr5Kx99T.jpgPhóng to
Đại biểu Vũ Tiến Lộc: Việc giảm thuế mở ra cơ hội cho nền kinh tế tăng thu liên tục - Ảnh: Việt Dũng

Đồng tình với lộ trình giảm mức thuế suất xuống 22% từ đầu năm 2014 và 20% vào năm 2016 như đề xuất của Chính phủ, tuy nhiên không ít đại biểu cho rằng cần giảm ngay 20% từ bây giờ.

Chỉ có tăng thu cho ngân sách chứ không giảm

“Tôi đề nghị chúng ta mạnh dạn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% cho cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ” - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc (đại biểu Thái Bình) đề nghị. Ông Lộc phân tích: Cũng có lập luận rằng việc giảm thuế như vậy sẽ làm giảm thu cho ngân sách nhà nước. Nhưng lấy kinh nghiệm từ lần giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 28 xuống 25%, chúng ta thấy nó mở ra cơ hội cho nền kinh tế tăng thu liên tục, tăng thu với tốc độ cao trong những năm qua mặc dù kinh tế có khó khăn.

Ông Lộc nói: Chúng tôi nghĩ rằng việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, do vậy sẽ tạo ra nguồn thu mới và không phải chỉ có các doanh nghiệp được hưởng lợi mà các doanh nghiệp khác cũng có tác động lan tỏa. Không phải chỉ có các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi rất lớn trong quá trình này vì các doanh nghiệp lớn được hưởng giảm thuế họ có thể đầu tư vào sản xuất kinh doanh, kéo theo các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm vệ tinh của họ sẽ tiếp tục phát triển.

Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Than và khoáng sản VN Trần Xuân Hòa (đại biểu Quảng Ninh) cũng đề nghị: “Thống nhất giảm thuế suất xuống cùng một mức là 20%. Vấn đề chính là tìm cách thu cho đủ, cho hết. Tránh thất thu lớn như hiện nay để tăng thu cho ngân sách nhà nước. Bù lại với mức thuế thu nhập thấp hơn, doanh nghiệp sẽ chấp hành nộp thuế tốt hơn và có điều kiện tích lũy đầu tư phát triển cao hơn, nhờ đó nộp thuế nhiều hơn do quy mô lợi nhuận tăng”. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng nên giảm ngay mức thuế suất xuống 20% và 18% vào các năm sau đó với tất cả doanh nghiệp.

Bỏ mức trần chi phí quảng cáo, tiếp thị?

“Về các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, với tỉ lệ khống chế cho chi phí quảng cáo và khuyến mãi, việc tăng mức khống chế từ 10 lên 15% theo dự thảo là một bước tiến sau rất nhiều than phiền của doanh nghiệp” - đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) đánh giá. Tuy nhiên, ông Tín cho rằng có thể làm tốt hơn. “Đặt ra giới hạn tỉ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng theo tôi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh thay vì hỗ trợ cho họ. Tôi đề nghị bỏ tỉ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mãi ngay trong lần sửa đổi này” - ông Tín đề nghị.

Ông Đỗ Văn Vẻ cho biết hiện nay trên thế giới chỉ còn hai nước áp dụng khống chế tỉ lệ phần trăm giới hạn chi phí quảng cáo, tiếp thị. “Nếu khống chế tỉ lệ phần trăm như dự thảo thì vừa phức tạp vừa khó khăn cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình. Trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hãng nước ngoài bán hàng vào thị trường của ta có tiềm lực mạnh, thương hiệu lớn và có nguồn lực tài trợ từ công ty mẹ nước ngoài tài trợ cho họ để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nước ta. Vô hình trung doanh nghiệp VN có thể bị thua ngay trên sân nhà bởi chính những quy định của chúng ta” - ông Vẻ nói.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu quan điểm: “Tôi đồng ý mức trần nâng lên 15% nhưng trần đối với doanh số chứ không phải trần đối với chi phí để doanh nghiệp lập kế hoạch doanh số hằng năm, tính toán được kế hoạch về chi phí quảng cáo tiếp thị”.

Được bù trừ lỗ bất động sản

Ông Mai Hữu Tín hoan nghênh quy định thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư có số lỗ phát sinh thì được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế. Tuy nhiên, ông đề nghị coi các khoản trên là thu nhập thông thường của doanh nghiệp và lãi hay lỗ đều được bù trừ với lãi hay lỗ của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế của doanh nghiệp. “Thực tế hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang lỗ, việc chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án hay quyền tham gia dự án là một giải pháp để họ giữ doanh nghiệp tồn tại, giữ việc làm cho người lao động. Thế nhưng nếu chuyển nhượng có lãi phải nộp ngay 25% thuế thu nhập doanh nghiệp thì chẳng còn bao nhiêu để bổ sung vào vốn của mình. Mặt khác, theo thông lệ quốc tế, thu nhập từ các hoạt động này được coi là thu nhập thông thường” - ông Tín phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nói thêm: “Thời gian qua, việc tách bất động sản để kê khai nộp thuế riêng khi thị trường bất động sản đang rất sôi động cũng góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước qua việc điều tiết kịp thời lợi nhuận thu được từ lĩnh vực kinh doanh này. Tuy nhiên, đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật hiện hành quy định người nộp thuế là tổ chức sản xuất kinh doanh hàng hóa có thu nhập chịu thuế chứ không phải thuế đánh vào từng hành vi kinh doanh hay từng lĩnh vực kinh doanh riêng biệt”. Vì vậy, trong trường hợp sản xuất kinh doanh bị thua lỗ mà không được bù trừ với lãi do kinh doanh bất động sản hay các lĩnh vực khác mang lại thì điều này là bất hợp lý. “Tôi đề nghị để phục vụ cho công tác quản trị, doanh nghiệp vẫn có thể hạch toán riêng từng lĩnh vực nhưng lãi, lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh cần được hạch toán chung để giúp doanh nghiệp có thể san sẻ rủi ro trong quá trình hoạt động của mình” - bà Hường nói.

Giảm thuế cho báo chí

Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ (đại biểu Bình Thuận) hoan nghênh ban soạn thảo đã đưa báo chí vào diện ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, thu nhập từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo báo in, được bổ sung vào diện áp thuế suất 10% trong thời hạn 15 năm. Tuy nhiên, ông Huệ đề nghị áp dụng chính sách thuế ưu đãi cả với các loại hình báo nói, báo điện tử, báo hình.

“Năm 2012, quảng cáo của báo in giảm 8% so với năm 2011. Tình hình thu nhập quảng cáo trong lĩnh vực truyền hình tuy khá hơn nhưng trong số 67 đài phát thanh, truyền hình, chỉ có bốn trung tâm lớn như truyền hình VN, truyền hình TP.HCM, truyền hình Hà Nội và truyền hình Vĩnh Long có doanh thu quảng cáo tốt, có tiền nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn trên 60 đài phát thanh, truyền hình địa phương khác trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Quảng cáo trên báo điện tử và các đài phát thanh vẫn chưa có chuyển biến đáng kể, đây là điểm yếu của khối báo, đài của ta so với thế giới” - ông Huệ cho biết.

Theo ông Huệ, thực tế thời gian qua hoạt động phát hành của hầu hết cơ quan báo in bị lỗ phải lấy nguồn thu từ quảng cáo để bù đắp. Hoạt động quảng cáo trên báo khác với hoạt động quảng cáo khác, bởi vì hoạt động quảng cáo trên báo chí chỉ là một phần của hoạt động quảng cáo chung.

“Ưu đãi cho báo in là một bước tiến thừa nhận báo chí là lĩnh vực hoạt động văn hóa như Luật thuế thu nhập doanh nghiệp trước kia đã nói nhưng không áp dụng với báo chí. Hiện nay lãnh đạo các cơ quan báo chí như phát thanh, truyền hình, báo điện tử cũng mong muốn và đề nghị được ưu đãi thuế trong việc sửa đổi bổ sung luật lần này, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, khắc phục khó khăn” - ông Huệ kiến nghị.

____________________

Quan sát nghị trường

08r5zO3g.jpgPhóng toBà NGUYỄN THỊ HOÀI THU (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)

Doanh nhân họp cả tháng, ai lo làm kinh tế?

Gần 10% đại biểu Quốc hội hiện nay là doanh nhân, tôi cho rằng đây là điều đáng mừng. Đây là những người đã và đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Tiếng nói của họ ngày càng có trọng lượng và có uy tín với cử tri. Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn việc họ phải ngồi suốt 30 ngày, thậm chí nhiều hơn, ở nghị trường mỗi lần họp Quốc hội để làm luật, làm chính sách. Họ là chủ doanh nghiệp, phải ăn với doanh nghiệp, ngủ với doanh nghiệp 24/24 giờ mà nay phải dành tới hai tháng để họp Quốc hội mỗi năm thì chắc chắn công việc làm ăn của họ bị ảnh hưởng.

Đại biểu Quốc hội là người phải có nhiều thời gian để nghiên cứu, vắt óc làm luật, làm chính sách, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Doanh nhân thường không có thời gian rảnh rỗi, họ cũng phải vắt óc để lo làm sao kinh doanh có lãi, công nhân có thu nhập cao, nộp ngân sách nhà nước (thuế) nhiều hơn. Những người tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội số ít là họ thấy có thể sắp xếp được công việc nên tự ứng cử; số khác vì nể nang lãnh đạo giới thiệu mà đồng ý ra ứng cử. Sự hiện diện của họ ở nghị trường là sự cố gắng lớn, đáng ghi nhận.

Là cử tri, tôi mong chờ đại biểu Quốc hội doanh nhân đề xuất những chính sách giúp người tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian qua tôi thấy đa số đại biểu Quốc hội doanh nhân khi phát biểu thì chỉ tập trung “kêu” cho mình là chính. Nào là miễn giảm thuế, nào là đề nghị sửa đổi cơ chế chính sách sao cho có lợi cho doanh nghiệp, nào là xin đầu tư cơ sở hạ tầng... Rất ít người phát biểu những lĩnh vực khác mà cử tri nơi mình ứng cử hoặc cử tri cả nước đang bức xúc. Vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội doanh nhân đối với cử tri như vậy chưa được thể hiện đầy đủ.

Tôi không có ý trách các đại biểu Quốc hội doanh nhân, cũng không đặt vấn đề với tất cả các đại biểu Quốc hội doanh nhân, nhưng nói điều này với mong muốn các khóa sau Quốc hội nên cơ cấu số lượng đại biểu doanh nhân hợp lý hơn. Một đại biểu có thời gian, có khả năng vẫn tốt hơn 100 đại biểu ngồi nghị trường mà không phát biểu gì, không đóng góp được gì. Không nên “bắt” doanh nhân làm quá nhiều việc. Hãy để họ dành thời gian suy nghĩ làm sao sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhất, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Tôi biết có một số doanh nhân ngồi họp Quốc hội nhưng tâm trí để ở công ty mình, thậm chí vừa họp vừa giải quyết công việc ở công ty. Như vậy thì họp không hiệu quả.

Tôi cho rằng tỉ lệ đại biểu chuyên trách nên chiếm 2/3 số lượng đại biểu Quốc hội mới hợp lý. Tỉ lệ đại biểu kiêm nhiệm hiện nay khá lớn nên không thể tránh khỏi có tình trạng ngồi cho có.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên