Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với đại biểu TẠ VĂN HẠ - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - xung quanh nội dung đề xuất cấm thuốc lá điện tử.
Đại biểu Tạ Văn Hạ nêu rõ thực tế qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại địa phương, báo cáo của các bộ ngành liên quan cho thấy dù chưa có quy định cho phép nhập khẩu nhưng thuốc lá điện tử đang xâm nhập, được sử dụng ngày càng nhiều, gia tăng.
Nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh sử dụng ngày càng nhiều. Không quá khó để bắt gặp cảnh học sinh bậc THPT hay sinh viên hút thuốc lá điện tử ngoài cổng trường, thậm chí khi dừng chờ đèn đỏ, ở các hàng quán...
Tình trạng buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, các nhà sản xuất đã, đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút giới trẻ, nhất là trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang...
Căn cứ cấm thuốc lá điện tử thuyết phục
* Với những tác hại đã được chỉ ra, nhất là với giới trẻ, theo ông, việc cấm thuốc lá điện tử có cần sớm thực hiện?
- Dưới góc độ của người làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cá nhân tôi ủng hộ việc nên nghiên cứu cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử.
Nhưng việc cấm ở đây còn liên quan đến vấn đề quyền con người, kinh doanh nên phải dùng luật và rất thận trọng. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống tác hại của thuốc lá cần có nghiên cứu, đánh giá tác động rất kỹ càng, thực sự thuyết phục.
Trong đó, hiện nay có cơ quan cho rằng thuốc lá điện tử, nung nóng hay một số loại khác là thuốc lá nhưng có cơ quan lại nói không phải. Vì vậy, đầu tiên, căn cứ quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, cơ quan quản lý phải định nghĩa, khẳng định rõ đây là thuốc lá chứ không phải loại khác.
Cùng với đó, rõ ràng thuốc lá điện tử có độc hại, nguy hiểm nhưng độc hại cụ thể thế nào và nhất là so với thuốc lá truyền thống ra sao. Đưa ra nghiên cứu, đánh giá cụ thể xem từ khi xuất hiện thuốc lá điện tử này có tác động tăng hay giảm với người sử dụng thuốc lá nói chung.
Hơn thế, trong báo cáo đánh giá tác động phải làm rõ đối tượng sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên, học sinh đang ngày càng gia tăng.
Đặc biệt, việc biến tướng của thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy, không kiểm soát được...
* Như ông nói, việc cấm cần có luật nhưng để sửa luật sẽ cần thời gian khá dài, trong khi đây là vấn đề nóng, cấp bách. Vậy Quốc hội có nên xem xét ban hành một nghị quyết chuyên đề trước khi có luật để cấm việc sử dụng, mua bán thuốc lá điện tử hay không?
- Tại phiên giải trình đã có đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về vấn đề này. Bộ trưởng cho hay đây là phương án đã được tính đến. Thực tế, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá rất cần thiết để khắc phục hạn chế, bất cập, đưa ra quy định cấm.
Tuy nhiên, theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nhiều thời gian, dự kiến tối thiểu 3-5 năm mới có thể thực hiện việc sửa.
Việc Bộ Y tế sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm được nhiều đại biểu trong phiên giải trình đồng tình. Nhưng phải nhắc lại, quy trình đề xuất, ban hành nghị quyết cũng không kém gì sửa luật. Do vậy, vẫn phải có những nghiên cứu, đánh giá tác động vững chắc, chặt chẽ, thuyết phục.
Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm vi phạm
* Như thông tin ở phiên giải trình vừa qua, hiện nay Bộ Y tế muốn cấm thuốc lá điện tử nhưng Bộ Công Thương lại muốn thí điểm quản lý. Theo ông, nên xử lý việc này thế nào?
- Cả Bộ Y tế, Bộ Công Thương đều đã đưa ra các lý lẽ của mình trong việc muốn cấm và thí điểm quản lý. Theo tôi, ở đây, quan trọng nhất là mọi quy định cần dựa trên việc phải đảm bảo sức khỏe, an toàn, quyền lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là với thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.
Trong việc này, khi các bộ có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất được thì dựa trên báo cáo của các cơ quan, Chính phủ cần xem xét, thống nhất quyết định, đưa ra đề xuất trình Quốc hội. Cụ thể, Chính phủ đồng ý đề xuất cấm hay đồng ý đề xuất xây dựng quy định thí điểm quản lý thuốc lá điện tử... Việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ và khi Chính phủ trình Quốc hội sẽ xem xét cụ thể.
* Trong khi chờ các quy định của pháp luật, theo ông, thời gian tới cần làm gì để quản lý tốt hơn với thuốc lá điện tử?
- Hiện nay, dù không được cấp phép nhập khẩu nhưng thực tế việc mua bán các loại thuốc lá điện tử vẫn tràn lan, có thể dễ dàng mua ở bất cứ đâu. Do đó, phải xác định thuốc lá điện tử không được cấp phép, vậy rõ ràng là hàng lậu, hàng chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trong lúc chờ các quy định cụ thể về cấm hay quản lý, các cơ quan chức năng có liên quan cần thực hiện nghiêm việc phòng chống buôn lậu, chống hàng giả, không rõ nguồn gốc... Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu hoặc hàng hóa chưa rõ nguồn gốc xuất xứ.
Với những trường hợp buôn lậu, bán với số lượng lớn, ngoài xem xét xử lý hành chính, có thể đề nghị các biện pháp xử lý khác mạnh hơn để tạo sự răn đe. Đồng thời, các cơ quan quản lý thị trường, công an cũng cần nâng cao trách nhiệm của mình, vào cuộc xử lý nghiêm minh các trường hợp buôn bán, vận chuyển hàng lậu này.
Học sinh dễ dàng mua thuốc lá điện tử
Mới đây, một học sinh lớp 7 tại Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 (TP.HCM) bị một học sinh lớp 9 cùng trường dụ dỗ dùng thuốc lá điện tử. Chẳng may, chỉ sau hai cái hít hơi, học sinh đó đã "lăn quay" ra đất và bị ngất xỉu phải nhập viện cấp cứu.
Chia sẻ với thầy cô giáo và bè bạn, học sinh này cho biết đã được một bạn cùng trường đưa cho thuốc lá điện tử để hút và cứ tưởng thử cho biết, không ngờ cơ thể em không chịu được.
Sau sự việc này, nhiều học sinh tại TP.HCM nói rằng việc các em học sinh mua thuốc lá điện tử trên mạng và rồi mời bạn bè cùng hút vô cùng dễ dàng.
Theo các em học sinh, chỉ cần một cuộc gọi là thuốc lá điện tử được ship đến tận nơi, muốn mùi vị nào cũng có, loại tinh dầu nào cũng có. Thậm chí, có khi thuốc lá điện tử còn được pha trộn với những chất gây nghiện như cần sa, ma túy để bán cho học sinh và dễ dàng qua mặt người lớn hoặc cơ quan chức năng.
Thuốc lá điện tử len vào trường học bằng nhiều cách, phần lớn học sinh vì tò mò, vì thấy dùng rất "ngầu" và thơm, tưởng rằng vô hại mà các em hút, sau đó thì không thể dứt ra được.
Những đứa trẻ hút thuốc này một thời gian các em sẽ làm mọi cách để có thể đưa tẩu hút đến lớp và sẽ lén hút trong các nhà vệ sinh vào giờ ra chơi, giờ nghỉ hoặc ra các quán xá gần trường để có thể thoải mái hút vào giờ tan học hoặc trước giờ vào lớp.
Nhiều ca nhập viện vì thuốc lá điện tử
Bộ Y tế cho biết kết quả tổng hợp từ các cuộc điều tra của WHO (GSHS 2019), Bộ Y tế (GYTS 2022) và kết quả sơ bộ nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023 cho thấy tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13 - 17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.
Ở nhóm 13 - 15 tuổi, tỉ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11 - 18, cũng theo kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh năm 2023, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3%.
Tại Việt Nam, mỗi năm ít nhất 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan thuốc lá. Trong đó đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân chính.
Cũng theo báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc sở y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận