23/09/2023 15:29 GMT+7

NASA đưa mẫu vật của 'kẻ thù số 1' về Trái đất

Tiểu hành tinh Bennu được coi là 'kẻ thù số 1' của Trái đất vì có thể gây thảm họa cho nhân loại trong tương lai. Sức công phá của nó ước tính bằng ít nhất 24 quả bom hạt nhân.

Kích thước tiểu hành tinh Bennu so với tháp Eiffel và tòa nhà Empire State cao 102 tầng - Ảnh: Trung tâm bay không gian Goddard của NASA

Kích thước tiểu hành tinh Bennu so với tháp Eiffel và tòa nhà Empire State cao 102 tầng - Ảnh: Trung tâm bay không gian Goddard của NASA

Theo CNN, tàu thăm dò OSIRIS-REx của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) sắp đưa trở về Trái đất một mẫu vật của tiểu hành tinh Bennu, sau gần 3 năm lưu trữ trong tàu.

Nếu thành công, đây là lần đầu tiên NASA thu thập và đưa một mẫu vật tiểu hành tinh từ vũ trụ về Trái đất.

Sự kiện được quan tâm đặc biệt vì đối tượng nghiên cứu là Bennu, tiểu hành tinh có đường kính 500m, có nguy cơ va trúng Trái đất vào ngày 24-9-2182.

Nếu đụng phải Trái đất, Bennu sẽ giải phóng năng lượng tương đương ít nhất 24 quả bom hạt nhân.

Cụ thể, theo tính toán của NASA, Bennu sẽ lao xuống bề mặt Trái đất với vận tốc khoảng 11km/giây. Nó lớn đến mức có thể giải phóng 1.400 megaton (tương đương 1.400 triệu tấn thuốc nổ TNT) năng lượng, mạnh gấp 24 lần so với bom hạt nhân Tsar Bomba (được gọi là "bom sa hoàng", là bom hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất thế giới từng được Nga cho nổ thử nghiệm). Tức là nó dễ dàng san phẳng một thành phố.

Vì lẽ này, nó được coi là "kẻ thù số 1" của Trái đất.

Bề mặt tiểu hành tinh Bennu do tàu thăm dò OSIRIS-REx chụp được - Ảnh: NASA

Bề mặt tiểu hành tinh Bennu do tàu thăm dò OSIRIS-REx chụp được - Ảnh: NASA

Theo một nghiên cứu năm 2021, khả năng xảy ra va chạm giữa Bennu và Trái đất chỉ khoảng 1/2.700. Dù vậy NASA vẫn rất quan tâm đến tiểu hành tinh này và đã khởi động một sứ mệnh kéo dài 7 năm nhằm nghiên cứu nó.

Năm 2016, họ phóng tàu thăm dò OSIRIS-REx lên Bennu. Tháng 10-2020, con tàu "hạ cánh" thành công xuống bề mặt tiểu hành tinh và tiến hành thu thập mẫu vật.

Hiện OSIRIS-REx đang trên đường trở về và dự kiến đáp xuống vùng sa mạc của bang Utah (miền Tây nước Mỹ) tối 24-9-2023 (giờ Việt Nam), mang theo mẫu vật từ Bennu. NASA ước tính mẫu vật chứa khoảng 250 gam vật chất, so với mục tiêu ban đầu chỉ có 60 gam.

Các nhà khoa học tin rằng bụi và đất trên bề mặt tiểu hành tinh Bennu chứa các thành phần cổ xưa và là manh mối về sự hình thành của Hệ Mặt trời cách đây hơn 4,5 tỉ năm. Vì lẽ đó, sứ mệnh của NASA không chỉ nhằm nghiên cứu phương án phòng thủ với "kẻ thù số 1", mà còn kỳ vọng mở ra khám phá về nguồn gốc sự sống.

Tiểu hành tinh Bennu không hề xa lạ với khu vực lân cận Trái đất. Nó tiếp cận Trái đất khoảng 6 năm một lần, nhưng thường giữ khoảng cách "lịch sự" với chúng ta khi không bao giờ đến gần Trái đất dưới 4,8 triệu km.

Khi di chuyển quanh Hệ Mặt trời, quỹ đạo của Bennu có thể thay đổi, lúc đó nó trở nên nguy hiểm.

Video tiểu hành tinh lao vào Trái đất, "thắp sáng" trời đêmVideo tiểu hành tinh lao vào Trái đất, 'thắp sáng' trời đêm

Đêm 13-2 (giờ địa phương), một vệt sáng lóe lên trên bầu trời Tây Âu khi một tiểu hành tinh được phát hiện chỉ vài giờ trước đó đã va chạm với bầu khí quyển của Trái đất.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên