Nhật Bản và Ấn Độ chịu nhiều sức ép trước cuộc đua vào không gian của các siêu cường khác - Ảnh: NIKKEI
Ngay đầu năm mới 2019, Trung Quốc khiến thế giới bất ngờ khi trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu thăm dò lên khám phá mặt khuất của Mặt trăng. Tạp chí The Week (Anh) bình luận cuộc đổ bộ của tàu Hằng Nga 4 đã khiến Mỹ và Nga bối rối.
Sự bối rối ở đây không dừng lại ở bước đi quá bất ngờ của Trung Quốc - một quốc gia vốn đi sau, mà còn ở những tham vọng quân sự sắp tới của Bắc Kinh.
Nếu Mỹ và Nga phải bối rối như vậy thì những quốc gia nằm sát sườn Trung Quốc như Nhật Bản và Ấn Độ sẽ lo ngại đến mức nào?
Nhật, Ấn cùng "thức giấc"
Thật vậy, Nhật Bản, Ấn Độ cùng các quốc gia ấp ủ đam mê chinh phục vũ trụ đang "thức giấc" trước một thực tế nghiệt ngã: quỹ đạo Trái đất ngày càng trở thành nơi nguy hiểm khi Mỹ, Trung Quốc và Nga tích cực cạnh tranh để giành quyền kiểm soát "giới hạn cuối cùng".
Báo Nikkei (Nhật) nhận định mối lo về viễn cảnh các vệ tinh có thể trở thành con mồi của các vũ khí mới trong vũ trụ đang buộc chính phủ Nhật Bản và Ấn Độ phải cân nhắc một chương trình không gian không chỉ dành cho mục đích khoa học mà còn để bảo vệ an ninh quốc gia.
Như bà Rajeswari Pillai Rajagopalan - người đứng đầu Sáng kiến chính sách hạt nhân và vũ trụ của Quỹ nghiên cứu giới quan sát (ORF) ở Ấn Độ - đánh giá Trung Quốc hiện có sẵn một chương trình vũ trụ quân sự tinh vi.
Trước hết, với Ấn Độ, nỗi lo của quốc gia Nam Á đang tăng lên từng ngày vì Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng gây dựng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương, với các bước đi mạnh mẽ ở Djibouti, Sri Lanka hay Maldives.
Bà Rajagopalan nhận định với các bước đi nhằm thiết lập năng lực có thể được sử dụng trong tương lai của Bắc Kinh, New Delhi buộc phải tham gia cuộc đua phòng thủ trong không gian. Nếu Ấn Độ không nhanh chân, theo bà Rajagopalan, nước này chắc chắn sẽ đối mặt với các bất lợi khi xảy ra xung đột.
Còn Nhật, trong đường lối chỉ đạo chương trình quốc phòng mới công bố tháng 12-2018, Tokyo đã nhấn mạnh môi trường an ninh ngày càng phức tạp xung quanh nước này, gồm các động thái quân sự trên biển, trên không và tham vọng thống trị không gian của Trung Quốc, theo Đài NHK.
Trước các bước đi khó đoán định của đối thủ, Nhật Bản và Ấn Độ, vốn đã đẩy mạnh phát triển không gian từ cách nhìn dân sự và hòa bình, giờ đây ngày càng bị thôi thúc phải phát triển các đặc tính quân sự, theo bà Rajagopalan.
Điều này giải thích cho quyết định của chính phủ Ấn Độ và Nhật Bản về việc tổ chức Đối thoại không gian Nhật - Ấn vào tháng 3 tới. Tokyo và New Delhi có ý định hợp tác không chỉ trong khám phá Mặt trăng mà còn ở lĩnh vực an ninh, bao gồm chia sẻ dữ liệu vệ tinh.
Chơi nhóm hay đánh lẻ?
Việc tìm ra cách thức để bảo vệ vệ tinh cùng các tài sản không gian khác có thể là thách thức lớn nhất của các nước hiện nay. Chuyên gia Yasuhito Fukushima đến từ Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản (NIDSJ) nhận định: "Điều nan giải là trong không gian, tấn công vốn áp đảo phòng thủ".
Năm 2007, Trung Quốc từng sử dụng tên lửa SC-19 để phá hủy một vệ tinh thời tiết cũ. Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 3 làm được điều đó sau Liên Xô và Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã hứng vô số chỉ trích từ cộng đồng quốc tế sau khi công bố thông tin này.
Kể từ đó, Bắc Kinh liên tiếp che giấu các vụ thử nghiệm chống vệ tinh, gồm các vụ vào năm 2010 và 2013, theo báo National Interest.
"Các vũ khí chống vệ tinh (ASAT) mang tính hủy diệt của Nga và Trung Quốc có lẽ sẽ đạt được năng lực vận hành bước đầu trong vài năm tới" - Cộng đồng tình báo Mỹ (IC) dự đoán.
Trong khi đó, tháng 12-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị Lầu Năm Góc thành lập Bộ chỉ huy không gian nhằm tăng cường hoạt động của quân đội Mỹ trong không gian.
Trước nguy cơ quân sự hóa không gian, Liên minh châu Âu (EU) từng nỗ lực thúc đẩy một "luật mềm" về hoạt động không gian quốc tế. Luật này nhận được sự ủng hộ của Mỹ, Nhật, Úc và các nước khác trong khi không được Trung Quốc và Nga ủng hộ.
Còn Nga và Trung Quốc từng đề xuất một hiệp ước mới tại Hội nghị giải trừ quân bị Geneva, theo đó cấm sản xuất vũ khí vũ trụ để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian. Tuy nhiên, Mỹ phản đối vì cho rằng đề xuất này không thể xử lý các vũ khí phóng từ mặt đất, khiến việc bảo vệ tài sản không gian trở nên bất khả dĩ.
Những bất đồng giữa các siêu cường về việc bảo vệ tài sản không gian khiến Nhật Bản và Ấn Độ phải tìm ra chiến lược của riêng họ. Đối thoại không gian vào tháng 3 tới được kỳ vọng sẽ giúp hai nước có những bước tiến mới.
1.957 Theo Liên minh các nhà khoa học liên quan (Union of Concerned Scientists), một nhóm vận động thay đổi chính sách ở Massachusetts (Mỹ), tính đến ngày 30-11-2018, có tổng cộng 1.957 vệ tinh còn hoạt động quay quanh quỹ đạo Trái đất.
Trong đó, Mỹ sở hữu nhiều nhất, với 849 vệ tinh, tức chiếm 43% trong tổng số vệ tinh này. Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 2 với 284 vệ tinh, trong khi xếp thứ ba là Nga, với 152 vệ tinh. Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 4 (75 vệ tinh), kế đó là Ấn Độ (57 vệ tinh).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận