09/02/2020 09:13 GMT+7

Nam Trung Bộ - Tây Nguyên: Hạn đến sớm, sương muối 'phá' cây trồng

M.TRÂN - T.THỊNH - T.TÂN
M.TRÂN - T.THỊNH - T.TÂN

TTO - Tại khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, lượng mưa cuối năm 2019 không đủ cho các hồ chứa tích nước nên mới đầu năm 2020, nhiều hồ xuống mực nước chết, nhiều nơi thiếu nước sản xuất ngay đầu mùa khô.

Nam Trung Bộ - Tây Nguyên: Hạn đến sớm, sương muối phá cây trồng - Ảnh 1.

Hệ thống kênh tưới không còn nước để tưới đất sản xuất ở thôn Nhị Hà 3, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận vì hồ chứa nước Sông Biêu cạn nước - Ảnh: MINH TRÂN

Trong khi đó, sương muối cũng tàn phá hàng ngàn hecta cây trồng tại Lâm Đồng.

Hồ tiếp tục cạn

Ngày 8-2, ông Đặng Kim Cương, phó giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết tổng dung tích 21 hồ chứa nước trong tỉnh đến nay chỉ chiếm 33,8%. Hiện có 8 hồ cạn kiệt nguồn nước là Sông Biêu, Tân Giang, Phước Trung, Phước Nhơn, Thành Sơn, Suối Lớn, Tà Ranh và Ông Kinh. Tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo ngưng sản xuất hơn 100ha lúa và hoa màu tại các khu vực hồ Sông Biêu.

Dự báo trong tháng tới, một số hồ chứa nước trong tỉnh tiếp tục cạn nước sẽ thêm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất cây trồng, chăn nuôi, nước uống cho đàn gia súc. UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch giảm diện tích trồng lúa và chuyển đổi sản xuất cây trồng để tiết kiệm nước, không để người dân thiếu nước sinh hoạt, đàn gia súc thiếu nước uống.

Tại Bình Định, ông Đào Văn Hùng, phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết đối với vụ hè thu sẽ có khoảng 2.000ha lúa thiếu nước ở các huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Phù Mỹ, Hoài Nhơn... Nếu trời không có mưa sẽ bị hạn thêm khoảng 2.000ha hoa màu ở hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát.

Ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo ngành chức năng tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công nâng cấp, mở rộng hệ thống đường ống các công trình cấp nước tập trung, để cung cấp cho người dân, nhất là tại các vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, phải điều động lực lượng công an vận chuyển nước cấp cho dân như năm trước.

Lập nhiều trạm bơm dã chiến

Mới đây đoàn công tác của UBND tỉnh Đắk Nông do ông Trương Thanh Tùng - phó chủ tịch UBND tỉnh - đi kiểm tra một số địa phương và ghi nhận nhiều hồ chứa đã kiệt nước. Các trạm bơm dọc sông Krông Nô (thuộc hệ thống sông Sêrêpốk) ở các xã Quảng Phú, Nâm N’Đir (huyện Krông Nô) không hoạt động được do mực nước sông xuống thấp, phải nối dài ống hút và lập nhiều trạm bơm dã chiến. Trong khi đó, tại huyện Cư Jut, nhiều hồ đập cũng đang ở mực nước chết ngay đầu mùa khô như hồ Đắk D’rông, hồ Ea Diêr, khiến địa phương này phải khuyến cáo người dân chuyển đổi các loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông, thời kỳ cạn kiệt nhất trong các tháng mùa khô trên các sông suối có khả năng xảy ra từ tháng 3 đến tháng 4-2020, với lượng dòng chảy thấp hơn trung bình nhiều năm ở cùng thời kỳ 20-40%. Riêng các sông Krông Nô, Ea Krông... lưu lượng còn thấp hơn và bị dao động theo điều tiết của các hồ chứa thủy điện.

Tại Đắk Lắk, ông Mai Trọng Dũng - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - cho biết năm nay sẽ là năm khó khăn của ngành nông nghiệp địa phương vì dự báo mùa mưa sẽ đến trễ, trong khi nhiều hồ đập không tích đủ nước vào cuối mùa mưa 2019. "Điều đáng ngại mùa tưới cà phê vào cuối tháng 2 và tháng 3-2020 sẽ thiếu nước tưới, ảnh hưởng năng suất mùa vụ. Chúng tôi đang xây dựng giải pháp ứng phó cụ thể cho từng vùng trong tỉnh", ông Dũng nói.

Sương muối phá cả nghìn hecta cây trồng

Ngày 8-2, UBND huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) ghi nhận có hơn 1.000ha cây hoa màu đã bị cháy lá, hư hại không thể phục hồi do tác động của sương muối trong hơn một tuần qua.

Lạc Dương là vùng nông nghiệp có diện tích cà phê lớn của tỉnh Lâm Đồng và là vùng nông sản quan trọng, thuộc vùng nông sản Đà Lạt. Vào sáng sớm, sương muối xuất hiện phủ lên cây cối một lớp dày. Khi sương muối chưa kịp tan thì nhiệt độ tăng nhanh sau đó, đến giữa trưa đạt khoảng 30oC. Sương muối xuất hiện nhiều nhất ở các xã Đạ Nhim, Đạ Chais và Đạ Sar.

9220mv_suong muoi_1 2(read-only)

Sương muối làm cà phê và cây hoa màu “cháy” lá và chết sau đó - Ảnh: M.VINH

UBND huyện đã ghi nhận thiệt hại để có phương án hỗ trợ nông dân. Các tổ công tác cũng được thành lập hỗ trợ nông dân ứng phó với sương muối, đồng thời cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng bị hư hại nhẹ nhằm duy trì sản lượng cho những vụ sau.

Đến thời điểm này, thời tiết khu vực Đà Lạt và huyện Lạc Dương khắc nghiệt. Nhiệt độ xuống dưới 10oC, độ ẩm đạt khoảng 80% vào ban đêm đến gần sáng trong khi ban ngày độ ẩm chỉ đạt khoảng 20%. UBND huyện Lạc Dương cho biết với diễn tiến thời tiết như hiện nay, sương muối sẽ còn xuất hiện với phạm vi rộng hơn.

Sương muối hiếm khi xuất hiện ở Lâm Đồng. Lần gần nhất xảy ra vào đầu năm 2015 gây ảnh hưởng đến hơn 1.000ha cà phê.

MAI VINH

Sương muối tàn phá nông sản Lâm Đồng Sương muối tàn phá nông sản Lâm Đồng

TTO - Hơn một tuần qua, sương muối đã tàn phá nông sản ở tỉnh Lâm Đồng. Ghi nhận sương muối, giá tuyết liên tục xuất hiện ở huyện Lạc Dương làm hư hại cả nghìn hecta cà phê và cây hoa màu.

M.TRÂN - T.THỊNH - T.TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên