16/01/2020 09:16 GMT+7

“Mùa khô, hạn mặn năm nay rất khốc liệt!”

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - Trả lời Tuổi Trẻ ngày 15-1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết dự báo hạn mặn năm 2019-2020 tương đương và một số thời điểm cao hơn đỉnh điểm năm 2015-2016.

“Mùa khô, hạn mặn năm nay rất khốc liệt!” - Ảnh 1.

Giữa tháng 12-2019, nước mặn xâm nhập sâu vào địa bàn tỉnh Bến Tre khiến những người trồng hoa ở làng hoa Cái Mơn (huyện Chợ Lách) lao đao. Đây là đợt xâm nhập mặn nhanh và sớm chưa từng thấy - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

"Năm nay, hạn mặn đến sớm hơn 1 tháng và có những nơi xâm nhập mặn đã vào sâu 67km. Dự báo từ tháng 1 đến giữa tháng 3-2020, xâm nhập mặn từ 55 - 110km. 

Xâm nhập mặn sẽ tác động đến 10/13 tỉnh với tổng cộng 71/137 đơn vị cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc ở khu vực ĐBSCL. Do đó, có thể nói mùa khô, hạn mặn năm nay rất khốc liệt" - ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, ngay từ tháng 9-2019, Bộ NN&PTNT đã chủ động, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có hội nghị để bàn các giải pháp ứng phó hạn mặn ở ĐBSCL. 

Tháng 10-2019, tổ chức hội nghị toàn vùng để chuyển đổi sản xuất cho mùa khô, hạn mặn 2019-2020. Các địa phương đều có kế hoạch cụ thể đến từng hộ gia đình để ứng phó.

Để ứng phó với hạn mặn, bộ đã yêu cầu các địa phương đổi cơ cấu cây trồng. Đối với sản xuất lúa, toàn vùng ĐBSCL dự kiến gieo cấy 1,6 triệu ha thì đến nay gieo cấy được 1,5 triệu ha, còn 100.000ha bộ đã chỉ đạo các địa phương không gieo cấy hoặc chuyển đổi sang trồng loại khác.

Năm nay vụ đông xuân được đẩy sớm hơn 1 tháng so với nhiều năm và đến nay trà lúa cấy sớm đã ôm đòng và sẽ không bị thiệt hại nhiều.

Đối với giải pháp công trình, ông Hiệp cho biết tất cả công trình chống hạn mặn triển khai xây dựng sau năm 2015-2016 đã đẩy nhanh tiến độ từ 4 - 14 tháng. Một số công trình đã được đưa vào sử dụng ngay trong mùa khô này như cống Ninh Quới, cống ngăn mặn Tân Dinh... 

"Các công trình kiểm soát mặn ngọt của bộ đã giải quyết trực tiếp cho gần 100.000ha bị hạn mặn, đồng thời vùng ảnh hưởng giảm hơn 200.000ha" - ông Hiệp thông tin.

Về nước sinh hoạt, ông Hiệp cho biết dự báo có 150.000 hộ dân bị ảnh hưởng, các địa phương đã có giải pháp. 

"Tôi đi trực tiếp kiểm tra ở các tỉnh ĐBSCL thì khẳng định cơ bản trong 3 tháng mùa khô các hộ dân sẽ không thiếu nước sinh hoạt. Một số nơi quá đặc biệt thì sẽ dùng xe téc cấp nước đến từng hộ" - ông Hiệp nói.

Đối với giải pháp lâu dài, ông Hiệp cho biết bộ sẽ có giải pháp công trình và phi công trình. Đối với giải pháp phi công trình thì bộ sẽ tiếp tục làm việc với các nước thượng nguồn sông Mekong để điều hành nguồn nước cho phù hợp.

Đặc biệt lưu ý cây ăn trái

Dự báo có 136.000ha cây ăn trái bị ảnh hưởng do hạn mặn. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đây là vấn đề lớn, cần phải đặc biệt quan tâm vì thiệt hại về cây ăn quả sẽ mất cả chục năm để khôi phục.

"Trước tình hình đó, bộ đã chỉ đạo phải giữ bằng được diện tích có nguy cơ bị xâm nhập mặn và các địa phương đã cam kết và có giải pháp khẳng định 100% diện tích cây ăn quả không bị hạn mặn bằng cách tích trữ nước ngọt ở kênh rạch, túi nước..." - ông Hiệp nói.

Bộ cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân tái cơ cấu nông nghiệp do bộ đang triển khai lập đề án cơ cấu từ lúa, cây ăn trái, thủy sản thành thủy sản, cây ăn trái, lúa...

Làng hoa tết lao đao vì... mặn Làng hoa tết lao đao vì... mặn

TTO - Khoảng một tuần nay, nước mặn theo các nhánh sông chính xâm nhập sâu vào đất liền khiến nhiều nhà vườn tại miền Tây bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là “vương quốc hoa kiểng” Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) bởi đang vào mùa phục vụ tết.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên