04/01/2020 10:35 GMT+7

Miền Tây đối diện đợt hạn, mặn khốc liệt

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Mùa khô năm 2015-2016 được xem là đợt hạn, mặn lịch sử trong vòng 100 năm qua. Tuy nhiên, đợt hạn mặn mùa khô 2019-2020 được các chuyên gia nhận định sẽ khốc liệt, phức tạp hơn.

Miền Tây đối diện đợt hạn, mặn khốc liệt - Ảnh 1.

Từ giữa tháng 12-2019, nhiều nhà vườn ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã phải mua nước ngọt để về tưới cho hoa, cây cảnh - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Tại Hội nghị phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô 2019-2020 diễn ra sáng 3-1 ở Bến Tre do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, các ban ngành, địa phương đã tỏ ra lo lắng với diễn biến hạn, mặn, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp đối phó.

Đợt hạn mặn 2015-2016 vẫn còn ám ảnh

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, những năm gần đây tốc độ của xâm nhập mặn biểu hiện rất nhanh. Cụ thể vào mùa khô năm 2015-2016, lịch sử 100 năm vùng ĐBSCL đã phải đối mặt với đợt hạn hán và xâm nhập mặn khắc nghiệt, để lại hậu quả hết sức nặng nề.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhớ lại: "Năm đó có 450.000ha lúa bị ảnh hưởng, gây thiệt hại 1 triệu tấn lúa cùng với 136ha cây ăn quả bị tổn thương do hạn, mặn ở các cấp độ khác nhau. Ngoài ra, nửa triệu dân trong vùng bị thiếu nước ngọt".

Theo ông Cường, mùa khô năm nay mức độ biểu hiện hạn, mặn dự báo sẽ khắc nghiệt hơn năm 2015-2016, bởi ngay từ tháng 9 vừa qua, quan trắc cho thấy nước thượng nguồn đưa về hạ du ĐBSCL giảm từ 35-50% tổng lượng nước ở lưu vực. Đây là một trong những dự báo gây ra ảnh hưởng rất lớn đến mùa khô năm nay, tập trung cao điểm từ tháng 1 đến tháng 3.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) - cho biết mực nước bình quân tại trạm Kratie từ đầu tháng 1 đến nay thấp hơn gần 2,33m so với trung bình nhiều năm, thấp hơn 0,77m so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Dung tích trữ nước trong Biển Hồ (Campuchia) đến nay ước tính khoảng 5,1 tỉ m3, giảm khoảng 33 tỉ m3 so với thời điểm cao nhất ngày 1-10-2019, thấp hơn so với trung bình nhiều năm (giai đoạn 2010-2018) khoảng 15,7 tỉ m3 và thấp hơn gần 340 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2015.

Nằm ở hạ nguồn sông Mekong, Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng tình trạng xâm nhập mặn sớm nhất. Chỉ mới giữa tháng

12-2019, Bến Tre là tỉnh đầu tiên bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, gây ảnh hưởng đến làng hoa kiểng Cái Mơn (huyện Chợ Lách). Đây là huyện nằm sâu phía trong đất liền nhưng đợt nước mặn xâm nhập lần này bất thường, chưa từng có khiến bà con không kịp trở tay.

Một số địa phương nằm sâu phía trong đất liền như Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang cũng lo lắng trước diễn biến bất thường của đợt hạn, mặn 2019-2020 này.

Không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt

Ông Nguyễn Hữu Lập - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết các ngành chức năng tỉnh Bến Tre nhận định mùa khô năm 2019-2020 diễn biến phức tạp, nên từ giữa năm 2019, tỉnh đã triển khai các giải pháp ứng phó. 

Đến nay, tỉnh đã bố trí 46 điểm đo mặn nhằm tăng cường đo kiểm tra trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý. Ngoài ra, tỉnh còn thi công nạo vét kênh mương với tổng khối lượng khoảng 557.000m3...

Cũng nằm ở hạ nguồn sông Mekong, tỉnh Tiền Giang được đánh giá là địa phương có những giải pháp phòng chống hạn, mặn khá hiệu quả.

Chia sẻ về kinh nghiệm ứng phó với hạn, mặn, đồng thời đưa ra giải pháp trong mùa khô 2019-2020, ông Phạm Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết tỉnh đã nạo vét các tuyến kênh cấp 2, cấp 3, đắp đập tạm, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm trữ nước vào hệ thống kênh, rạch nội đồng. Tranh thủ vận hành lấy nước qua cống, trạm bơm Xuân Hòa, cống Rạch Chợ khi độ mặn cho phép; đồng thời đảm bảo cho người dân không thiếu nước sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm nay.

Tại hội nghị, vấn đề thiếu nguồn nước sinh hoạt cũng được các địa phương rất quan tâm và đề ra các giải pháp. Theo báo cáo của các địa phương, hiện tại có khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó tập trung nhiều tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang.

Nguyên nhân do nguồn nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, các hộ dân thiếu dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng. Theo dự báo, trong thời gian tiếp theo của mùa khô, có khoảng 158.000 hộ thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 24.000 hộ ở vùng của công trình cấp nước tập trung, 134.000 hộ ở vùng cấp nước nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình.

Trước thực trạng trên, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương tập trung các biện pháp ứng phó hiệu quả. Trước hết, đảm bảo cuộc sống cho người dân, không được để bất kỳ hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt và đảm bảo nước cho sản xuất; bảo vệ mùa màng và không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các nước thượng nguồn sông Mekong để thu thập thông tin về nguồn nước và điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam nhằm phục vụ dự báo xâm nhập mặn; đề xuất tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho ĐBSCL trong trường hợp cần thiết.

Vận hành công trình điều tiết mặn - ngọt vùng Bạc Liêu, Sóc Trăng

Ngày 3-1, lãnh đạo Ban quản lý dự án thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) cho biết đơn vị vừa đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu giao Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh này tạm thời tiếp nhận quản lý, vận hành ngay trong tháng 1-2020 đối với công trình âu thuyền Ninh Quới (tại huyện Hồng Dân, Bạc Liêu). Đây là công trình giúp chủ động trong điều tiết mặn - ngọt của vùng "tranh chấp mặn - ngọt" của hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng.

Theo Ban quản lý dự án thủy lợi 10, theo kế hoạch ban đầu, công trình này phải tới tháng 4-2021 mới hoàn thành nhưng tiến độ thi công đã được rút ngắn 13 - 14 tháng và việc đưa công trình vào quản lý, vận hành ngay thời điểm xâm nhập mặn này là rất có ý nghĩa. Hiện đơn vị thi công chỉ còn hoàn thành một số hạng mục phụ là sẽ bàn giao cho cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu quản lý, vận hành chính thức.

CHÍ QUỐC

Làm gì để giúp ĐBSCL chung sống với hạn, mặn? Làm gì để giúp ĐBSCL chung sống với hạn, mặn?

TTO - Biến đổi khí hậu và những đập thủy điện thượng nguồn Mekong khiến ĐBSCL phải thay đổi để thích nghi với điều kiện "mất lũ".

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên