Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang (hàng đầu, bên trái) - và ông Trương Sỹ Bá bắt tay sau khi ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ông Trần Anh Thư - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết ĐBSCL có lợi thế lớn trong việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trên lĩnh vực sản xuất lúa gạo. Trong đó, hai tỉnh An Giang và Kiên Giang luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng sản xuất lúa gạo, đóng góp quan trọng vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đảm bảo vị thế xuất khẩu gạo của nước ta trên thị trường xuất khẩu gạo của thế giới.
Riêng An Giang, tổng diện tích sản xuất lúa gạo hằng năm khoảng 640.000ha. Sản lượng lúa cả năm toàn tỉnh đạt hơn 3,8 triệu tấn, đứng thứ hai sản lượng lúa gạo cả nước (sau tỉnh Kiên Giang với sản lượng đạt gần 4,3 triệu tấn/năm).
Một góc các silo "khủng" chứa hàng chục ngàn tấn lúa sau khi sấy xong của Nhà máy gạo Hạnh Phúc thuộc Tập đoàn Tân Long vừa khánh thành vào đầu tháng 1-2022 - Ảnh: BỬU ĐẤU
An Giang thể hiện cam kết của mình trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp, cụ thể thông qua việc quy hoạch lại vùng sản xuất lúa gạo tập trung và hình thành các hợp tác xã nông nghiệp hiện đại theo nhu cầu của doanh nghiệp.
"An Giang đã xác định tầm quan trọng của công tác mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa gạo, góp phần nâng giá trị hạt gạo và tiến đến xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh trong thời gian tới. Việc khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn của Tập đoàn Tân Long có quy mô lớn nhất châu Á sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững tại An Giang và Kiên Giang, đóng góp quan trọng vào mục tiêu cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL", ông Thư nói.
Tại buổi lễ, lãnh đạo 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang lần lượt ký thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất lúa gạo với Tập đoàn Tân Long. Cụ thể, trong năm 2022, An Giang sẽ tham gia liên kết đạt 10.000ha, năm 2023 đạt 15.000ha, năm 2024 đạt 20.000ha và năm 2025 đạt 30.000ha. Còn tỉnh Kiên Giang sẽ liên kết sản xuất lúa trước mắt là 50.000ha.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam (thứ 6, từ trái sang) tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh An Giang và Tập đoàn Tân Long sau khi ký kết ghi nhớ - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngoài diện tích liên kết trực tiếp, Tập đoàn Tân Long sẽ tổ chức thu mua sản lượng lúa của nông dân An Giang khoảng 100.000 tấn/vụ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Sỹ Bá - chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long - khẳng định việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo đạt chuẩn và phát triển liên kết chuỗi giá trị theo định hướng mô hình hợp tác xã kiểu mới sẽ là cơ hội thuận lợi giúp người trồng lúa đảm bảo được đầu ra nhờ cơ chế nông dân canh tác theo đơn đặt hàng và định hướng thị trường từ doanh nghiệp; giảm chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào.
Đây là những điều kiện quan trọng giúp tạo nên những sản phẩm gạo sạch, truy xuất nguồn gốc, giá trị cao và từ đó gia tăng lợi nhuận cho nông dân.
Ông Trương Sỹ Bá (hàng đầu, bên phải) bắt tay với đại diện tỉnh Kiên Giang sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Tập đoàn Tân Long cũng ưu tiên canh tác quy mô lớn các giống lúa giá trị cao như ST21, ST24, ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua và các giống lúa khác của Viện lúa ĐBSCL theo xu hướng canh tác xanh, canh tác gạo hữu cơ và cận hữu cơ trên cánh đồng lúa - tôm, phù hợp với điều kiện của từng địa phương cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xuất khẩu và nội địa, từng bước hình thành thương hiệu gạo quốc gia", ông Bá nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận