Nhiều người dân cho rằng mức giảm trừ gia cảnh do Bộ Tài chính đề xuất đã lạc hậu, dù chưa áp dụng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo dự thảo, người lao động thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng sẽ đóng thuế (hiện nay là 9 triệu đồng), mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng tăng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh chia sẻ với người nộp thuế, như một an ủi với chúng tôi. Nhưng thực tế mức mới này chưa điều chỉnh đã lạc hậu, khó áp dụng trong thời gian dài.
Hiện tại các khoản chi phí cho một học sinh tiểu học ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đã hơn 4,5 triệu. Đối với học sinh lớn hơn còn cao hơn nữa.
Mức giảm trừ 11 triệu cho mỗi cá nhân cũng chỉ vừa đủ cho những nhu cầu cơ bản nhất so với giá cả đắt đỏ ở đô thị.
Chỉ riêng tiền mua thực phẩm, nửa năm qua tiền chợ từng nhà tăng 30-50% (nếu không cắt giảm khẩu phần), nếu so với những năm trước mức chênh lệch còn cao hơn nữa.
Bộ Tài chính đã tính chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 23% từ năm 2013 đến nay, nhưng thực tế đời sống đô thị lại khác.
Áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cố định và cào bằng như hiện nay không phù hợp với thực tế chênh lệch mức sống và giá cả giữa các khu vực nông thôn, miền núi với các khu vực đô thị. Ai từng đi ở quê sẽ thấy rau trái ở nông thôn có giá bằng phân nửa ở thành phố.
Lương tối thiểu theo 4 vùng hiện chênh nhau gấp 1,5 lần, nhưng thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau.
Mức giảm trừ mới có thể là cao nếu áp dụng với người sống ở nông thôn, nhưng theo tôi hiểu phần đông những người đang đóng thuế thu nhập đang sống ở thành thị.
Phần lớn thu nhập của người lao động phải chi cho lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục là những "mặt hàng" có tốc độ tăng giá nhanh hơn nhiều so với chỉ số CPI chung. Dù chỉ số CPI tăng hơn 23% nhưng vẫn chưa thống kê đầy đủ các mặt hàng, các dịch vụ.
Vì vậy, sử dụng tỉ lệ lạm phát tính theo chỉ số CPI chung để điều chỉnh cho mức chịu thuế thu nhập cá nhân là cách tính không có lợi cho người nộp thuế.
Kể ra chi tiết hoàn cảnh mỗi người, mỗi nhà cũng không thể thay đổi cách tính tổng thể của Bộ Tài chính.
Vẫn còn rất đông người lao động nước ta chưa bao giờ được đóng thuế thu nhập. Cuộc sống họ đang còn chật vật, khó khăn hơn nhiều nếu họ đang nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ già và sống ở thị thành. Nhưng còn không ít các kiểu thu nhập cao hơn chưa thể thu thuế hoặc chưa thể thu đủ. Những người đang đóng thuế, họ là ai?
Là những người đi làm, cơ quan họ thực hiện nghiêm túc mọi quy định về thuế. Thuế tính theo nguồn thu (qua lương, thưởng) của người lao động nhưng chưa bao giờ sát với mức chi tăng vùn vụt của họ và gia đình họ. Vậy nên được nộp thuế nhưng chẳng thể vui.
Hơn 10 năm áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân, 5-7 năm mới có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và chỉ tăng thêm khoảng 20%, không theo kịp với mức tăng giá cả hàng hóa cũng như chi tiêu thực tế của người nộp thuế. So với mức tăng vật giá, theo tôi, mức giảm trừ gia cảnh cần phải tăng ít nhất
30-35% so với mức cũ để người nộp thuế nghiêm túc có cảm giác được chia sẻ trong những năm đầu của kỳ điều chỉnh, nhất là trong năm 2020, dự báo kinh tế và đời sống sẽ khó khăn mọi mặt vì corona.
Nếu căn cứ vào mức sống hay lương tối thiểu, mức giảm trừ gia cảnh dự kiến lại quá cao. Vì vậy, nếu tính hợp lý, phải tính mức giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu, có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý.
Cách tính theo dự thảo lần này vẫn chưa có tiến bộ so với trước. Ai nộp thuế? Mức nộp bao nhiêu? Làm sao để không bỏ sót các kiểu người thu nhập cao né thuế còn đầy ở mọi lĩnh vực (nhà đất là một ví dụ). Thuế thu nhập cá nhân, thu đúng thu đủ vẫn là chuyện tương lai xa vời.
Giảm trừ gia cảnh: Chưa áp dụng đã lỗi thời TTO - Bộ Tài chính vừa đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh cho thu nhập cá nhân lên 11 triệu đồng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng cho người phụ thuộc để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận