Nhiều người dân cho rằng mức giảm trừ gia cảnh do Bộ Tài chính đề xuất đã lạc hậu, dù chưa áp dụng - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia và người nộp thuế đều cho rằng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) do Bộ Tài chính đề xuất đã lỗi thời, xa vời với thực tế cuộc sống.
Mức giảm trừ quá thấp
Là nội trợ trong gia đình 5 người, chị Bích Ngọc (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết những năm gần đây vật giá tăng rất cao, cứ ra đến chợ là thấy "chóng mặt". Miếng thịt heo trước đây mua 40.000 đồng, nhưng nay đã lên khoảng 80.000 đồng sau cơn "bão giá" cuối năm 2019. Mớ rau, con cá cũng tăng theo.
Trước đây chỉ cần 200.000 đồng tiền chợ/ngày, nhưng nay nếu tiết kiệm phải lên hơn 300.000 đồng. Không chỉ vậy, tiền điện, nước cũng tăng theo. Ngay cả tiền đổ rác trước đây 25.000 đồng/tháng nay cũng vọt lên 50.000 đồng, tức tăng gấp đôi.
"Bộ Tài chính thống kê chỉ số CPI cuối tháng 12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 đã tăng 23,2%, nhưng mức tăng thực tế trên thị trường hơn vậy nhiều lần. Đơn cử như bánh mì ăn sáng, thời điểm 2013 chỉ có giá 7.000 - 8.000 đồng/ổ nhưng nay đã lên 15.000 đồng/ổ. Cầm 10.000 đồng bây giờ không biết chọn món gì để ăn sáng" - chị Bích Ngọc nói.
Nhiều người rất bối rối khi giá cả đã đi trước tiền lương tự bao giờ. Anh Vinh, nhân viên một công ty tư nhân tại TP.HCM, cho biết dù thâm niên tăng nhưng mức lương của anh so với năm 2013 không tăng, thậm chí còn giảm trong khi giá cả cứ tăng vù vù. Chính vì vậy, mỗi tháng nhìn bảng lương anh lại "rầu" vì lương đã ít lại hao hụt vì bị trừ thuế thu nhập cá nhân.
"Mang tiếng bị trừ thuế, mọi người nghĩ là thu nhập cao nhưng thực tế chỉ đủ sống. Virus corona đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Chính phủ cũng đang yêu cầu các bộ ngành kiến nghị các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng những người lao động như chúng tôi cũng rất cần được "giải cứu" bằng cách nâng mức GTGC lên cao hơn, khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng với người lao động và 9 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc" - anh Vinh kiến nghị.
Chị Cao Ngọc Tuyến (nhân viên ngân hàng ở Hà Nội) cho biết so với 7 năm trước, thu nhập gần như không tăng trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Ủng hộ đề xuất cần nâng mức GTGC cho người nộp thuế lên cao hơn 11 triệu đồng/tháng, chị Tuyến kiến nghị phải tăng mức GTGC cho người phụ thuộc lên 6 triệu đồng/tháng. Theo chị, mức GTGC cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như Bộ Tài chính đề xuất không đủ chi phí ăn học cho một đứa trẻ.
"Chỉ riêng tiền học tiếng Anh, học phụ đạo ở trường cho con gái 14 tuổi của tôi cũng đã tốn hơn 2 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền ăn và các chi phí khác 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Do đó, mức GTGC cho người phụ thuộc chỉ có 4,4 triệu đồng/tháng đã trở nên lỗi thời với thực tế hiện nay" - chị Tuyến nói.
Giá cả hàng hóa liên tục "leo thang" trong khi mức giảm trừ gia cảnh được đề xuất vẫn quá thấp - Ảnh: MỸ YẾN
Chưa sòng phẳng với người nộp thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia cho rằng mức GTGC mà Bộ Tài chính đề xuất là không phù hợp, chưa áp dụng đã lạc hậu. Theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, mức GTGC điều chỉnh là để áp dụng cho tương lai, tức 5 - 7 năm tới
Trong khi đó, Bộ Tài chính dựa trên chênh lệch giữa chỉ số giá từ tháng 7-2013 đến cuối năm 2019 để đề xuất mức GTGC mới nên chưa áp dụng đã lạc hậu, người nộp thuế phải chịu thiệt vì mức GTGC không theo kịp diễn biến thực tế.
Do đó, theo ông Xoa, nên giãn các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần, đồng thời áp dụng cách tính giảm trừ theo mức lương cơ sở để khi điều chỉnh lương, mức giảm trừ cũng tự động tăng theo. "Điều này sẽ thể hiện được tinh thần khoan sức dân, thay vì điều chỉnh theo kiểu đối phó hiện nay" - ông Xoa nói.
Theo các chuyên gia thuế, việc áp dụng cách tính bất hợp lý như hiện nay sẽ khó tránh khỏi chuyện chính sách không theo kịp thực tế đời sống. "Mỗi lần đề cập đến tăng lương cơ sở là giá cả mớ rau, miếng thịt, con cá đều tăng và không bao giờ giảm, trong khi muốn điều chỉnh mức GTGC lại trải qua nhiều thủ tục nhiêu khê" - một chuyên gia nói.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng theo Luật quản lý thuế mới, tất cả phải sử dụng hóa đơn điện tử. Khi đó cơ quan quản lý thuế có thể nắm được các thông tin về hóa đơn, chi tiêu của người dân. Với cách quản lý này, theo ông Sơn, nên áp dụng cách làm như các nước là cho phép trừ chi phí nếu mua hàng có hóa đơn thay vì khống chế một mức cố định như hiện nay.
"Doanh nghiệp được trừ các khoản chi phí hợp lý hợp lệ nhưng cá nhân lại không, điều này gây bất công với cá nhân làm công ăn lương" - ông Sơn nói. Thừa nhận việc quy định mức cố định sẽ thuận lợi cho công tác quản lý nhưng theo ông Sơn, nếu cho trừ chi phí sẽ khuyến khích cá nhân mua hàng lấy hóa đơn. Khi đó, các đơn vị kinh doanh không thể gian dối doanh thu như hiện nay.
Với mức trừ cố định như hiện tại rất khó khuyến khích cá nhân mua hàng đòi hóa đơn và chịu thuế GTGT, trong khi mang hóa đơn về... chẳng để làm gì. "Nếu làm được như vậy, cá nhân sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát doanh thu của doanh nghiệp, đồng thời kích thích việc chi dùng, tạo ra doanh thu, thúc đẩy kinh tế phát triển" - ông Sơn phân tích.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chủ nhiệm CLB Đại lý thuế TP.HCM, cũng cho rằng quy định CPI tăng vượt mức 20% mới kiến nghị điều chỉnh mức GTGC nhưng cách tính mức GTGC mới này chưa tiếp cận ở thì tương lai. Do đó, cần tính toán lại mức GTGC phù hợp với thực tế.
"Ngoài ra, cần tăng thêm các khoản giảm trừ cho người dân. Chẳng hạn, người nước ngoài được trừ tiền học phí cho con trong khi người VN lại không được trừ chi phí này khi tính thuế, chưa kể nhiều khoản khác như mua căn nhà đầu tiên phải vay mượn ngân hàng cũng cần phải trừ để tạo cho người dân điều kiện được an cư lạc nghiệp" - ông Nghĩa kiến nghị.
Bộ Tài chính nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Đình Thi - vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính - cho hay mức GTGC được căn cứ theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi.
Theo đó, khi CPI biến động 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc thời điểm áp dụng mức GTGC gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC phù hợp với biến động giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Việc Bộ Tài chính đề xuất nâng mức GTGC thêm 2 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và thêm 800.000 đồng/tháng cho người phụ thuộc là dựa trên mức tăng tương ứng với mức biến động của CPI.
CPI cuối tháng 12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 là 123%, tăng 23,2%. Do đó, mức GTGC cho người nộp thuế hiện là 9 triệu đồng x mức biến động giá 123% = 11,088 triệu đồng, làm tròn là 11 triệu đồng. Còn mức GTGC cho người phụ thuộc hiện 3,6 triệu đồng x biến động giá 123% = 4,4352 triệu đồng, làm tròn là 4,4 triệu đồng.
"Sau khi lấy ý kiến góp ý rộng rãi của người dân, tổ chức..., Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Nếu kiến nghị được chấp thuận sẽ áp dụng mức GTGC mới cho kỳ tính thuế của năm nay" - ông Thi cho biết.
Thăm dò ý kiến
Giảm trừ gia cảnh theo bạn nên giữ nguyên hay tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận