10/08/2015 09:02 GMT+7

Mỹ: vết thương sắc tộc khó lành

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Một năm kể từ khi thanh niên da màu Michael Brown bị bắn gục ở TP Ferguson thuộc bang Missouri, làn sóng biểu tình sắc tộc lan rộng khắp nước Mỹ. Nhưng máu người da đen tiếp tục đổ.

Gia đình nạn nhân Michael Brown dẫn đầu đoàn biểu tình ở Ferguson Ảnh: Reuters
Gia đình nạn nhân Michael Brown dẫn đầu đoàn biểu tình ở Ferguson - Ảnh: Reuters

Theo AFP, hôm qua hàng trăm người đã đổ ra đường biểu tình ở TP Ferguson để kỷ niệm một năm sự kiện thanh niên Michael Brown bị cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết.

Dẫn đầu đám đông là gia đình của Brown. Họ tuần hành dọc tuyến đường đã từng nổ ra những cuộc bạo loạn hồi cuối năm ngoái, sau khi một bồi thẩm đoàn địa phương quyết định không truy tố sĩ quan Wilson.

“Chúng tôi biểu tình vì Mike Brown” - đám đông hô vang. Những người biểu tình sau đó im lặng trong 4-5 phút, khoảng thời gian thi thể của Brown bị bỏ mặc trên đường phố sau khi bị bắn chết.

Cái chết của cậu thanh niên 17 tuổi ở Ferguson đã nổ ra những tranh cãi gay gắt về mâu thuẫn sắc tộc và sự bạo hành của cảnh sát tại Mỹ. Cứ sau mỗi vụ người da đen bị cảnh sát giết hại là những cuộc biểu tình nổ ra khắp nước Mỹ.

Thay đổi bề mặt

Sức ép của dư luận đã dẫn đến những thay đổi nhất định tại Mỹ. Trong vòng 12 tháng qua, chính quyền 24 bang đã áp dụng ít nhất 40 biện pháp ngăn chặn nạn cảnh sát bạo hành người da đen, như gắn máy quay lên đồng phục cảnh sát, giáo dục lại về định kiến màu da, mở các cuộc điều tra độc lập đối với các trường hợp cảnh sát sử dụng vũ lực, giới hạn các loại trang bị dành cho cảnh sát từng địa phương. Nhiều thành phố bắt đầu lắp máy quay lên đồng phục cảnh sát mà không cần đợi luật.

Một số bang như Colorado và Connecticut thậm chí cho phép người dân quay phim cảnh sát. Chính quyền TP Ferguson cũng đã thay hàng loạt quan chức cao cấp gồm thẩm phán, cảnh sát trưởng của thành phố và tuyển thêm cảnh sát da màu. Và trong một số vụ cảnh sát bắn chết người da đen, tình trạng cảnh sát nói một đằng, gia đình khẳng định một nẻo đã giảm bớt nhờ có băng ghi hình.

Khi người da đen Samuel DuBose bị bắn vào đầu hồi tháng trước, chính quyền TP Cincinnati nhanh chóng tung đoạn băng ghi hình cho thấy sĩ quan Ray Tensing khai man.

Trong bản báo cáo, Tensing khẳng định anh ta bị xe của DuBose kéo lê trên đường nhưng thực tế không phải như vậy. Sau khi buộc tội Tensing, cảnh sát trưởng Jeffrey Blackwell lên tiếng xin lỗi và trấn an người dân.

Các bang Maryland và South Carolina cũng có phản ứng tương tự ngay sau khi cảnh sát da trắng bắn chết các nạn nhân da đen Freddie Gray và Walter Scott.

Hai tháng sau khi nạn nhân Scott bị bắn chết, thống đốc Nikki Haley của bang South Carolina ký luật cho cảnh sát trang bị camera gắn trên người.

Tại Ohio, thống đốc John Kasich lập ủy ban soạn thảo các quy tắc kiểm soát việc cảnh sát nổ súng vì vụ thiếu niên 12 tuổi Tamir Rice bị bắn vì cầm súng đồ chơi.

Thống đốc Andrew Cuomo của bang New York cũng lập ủy ban đặc biệt điều tra các vụ cảnh sát bắn người không vũ trang.

Người da màu vẫn đổ máu

Trong khi đó các vụ cảnh sát bắn người da màu vẫn tiếp diễn, mới nhất là vụ nam sinh viên 19 tuổi Christian Taylor bị cảnh sát bắn chết ở Arlington, bang Texas.

Vụ nổ súng diễn ra hôm 7-8 khi cảnh sát nhận được một cuộc gọi báo trộm. Không có băng hình nào được công bố. Viên cảnh sát bắn chết Tamir Rice vẫn chưa bị buộc tội trong khi sĩ quan bắn John Crawford - một thanh niên da màu ở Beavercreek vì cầm súng đồ chơi - đã được thả.

Crawford bị bắn sau khi nhân viên siêu thị báo cảnh sát rằng anh này chĩa súng vào mọi người. Theo điều tra của báo Guardian, số người da màu bị cảnh sát Mỹ bắn chết trong năm qua cao gấp đôi so với người da trắng hay Latin.

Dù vậy, cuộc khảo sát của báo New York Times và Hãng CBS cho thấy phần lớn người da trắng tin rằng cảnh sát và hệ thống tư pháp Mỹ đối xử công bằng với người da màu. Tỉ lệ này không thay đổi nhiều so với trước khi Michael Brown bị bắn chết.

Các nỗ lực kiểm soát súng đạn mà Tổng thống Barack Obama theo đuổi tiếp tục đi vào ngõ cụt. “Cái chúng ta có là sự nhất trí ngày một cao rằng chúng ta phải hành động - ông Cornell William Brooks, chủ tịch tổ chức NAACP đấu tranh cho người da màu, nhận định về những thay đổi trong năm qua - Nhưng cái chúng ta không có là sự đồng thuận về việc phải làm gì, làm thế nào và theo thứ tự ưu tiên nào”.

Còn theo một nhà hoạt động, vấn đề cốt lõi là niềm tin của người da màu vào cảnh sát đã mất. “Họ đơn giản là không tin vào cảnh sát” - nhà hoạt động Jamal Bryant ở Baltimore nói.

“Ngay bây giờ, tất cả lực lượng hành pháp đang gặp vấn đề về hình ảnh - một thành viên Đảng Dân chủ ở Los Angeles nhận định - Họ cần phải thể hiện rằng họ có thể kiểm soát chính mình”.

Nạn nhân da đen từng bày tỏ nỗi sợ cảnh sát

Theo NBC News, nạn nhân Christian Taylor, sinh viên đại học bị cảnh sát bắn chết ở Arlington, từng gửi nhiều tin nhắn lên mạng xã hội Twitter chỉ trích sự bạo hành của cảnh sát da trắng đối với người da đen.

Ngay trước ngày bị giết, người này gửi tin nhắn: “Tôi không muốn chết khi còn quá trẻ”. Khi nghe tin cậu bé Tamir Rice bị bắn, Taylor bức xúc: “Hệ thống cảnh sát của chúng ta là một trò đùa. Đến bao giờ thì chúng ta được bảo vệ?” và: “Cảnh sát cướp đi sinh mạng của người da đen giống như tung đồng xu vậy mà không phải chịu hậu quả gì”.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên