13/01/2018 11:25 GMT+7

Mỹ tự tin đang gây sức ép hiệu quả lên Triều Tiên

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Ngay sau khi Bắc Kinh công bố thông tin về việc giảm làm ăn với Bình Nhưỡng, Washington đã lên tiếng cho rằng chiến dịch cấm vận đang hiệu quả.

Mỹ tự tin đang gây sức ép hiệu quả lên Triều Tiên  - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thăm Trung tâm khoa học quốc gia. Ảnh do Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố ngày 12-1 - Ảnh: REUTERS

Mỹ hoan nghênh việc Trung Quốc đã giảm mạnh các hoạt động thương mại với Triều Tiên, cho rằng điều này hỗ trợ chiến dịch do Mỹ đứng đầu nhằm "gây áp lực tối đa" để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.

Theo thông báo ngày 12-1 của Nhà Trắng, chính quyền Donald Trump hài lòng với việc Trung Quốc giảm mạnh hoạt động thương mại với Triều Tiên. Washinton cho rằng hành động này góp phần vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế để chính quyền Triều Tiên chấm dứt các chương trình phát triển vũ khí, thay đổi hành vi và hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Giao thương Trung-Triều giảm 1/3

Trước đó trong ngày, Trung Quốc đã công bố các dữ liệu cho thấy nhập khẩu từ Triều Tiên trong tháng 12-2017 đã giảm đến 81,6% xuống còn 54,34 triệu USD. Như vậy, con số này trong cả năm 2017 giảm 33% so với năm 2016, xuống còn 1,72 tỉ USD.

Cũng trong tháng 12-2017, lượng hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên giảm 23,4% xuống còn 260 triệu USD. Với những số liệu trên, tổng kim ngạch thương mại song phương Trung-Triều tiếp tục đà giảm năm thứ 4 liên tiếp.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, chiếm khoảng 90% hoạt động thương mại  và là nhà cung cấp dầu mỏ chính cho Bình Nhưỡng.

Theo trang mạng americanprogress.org, thực ra từ tháng 9-2017, Bắc Kinh ít nhất đang nghiêng về phía đặt an ninh khu vực lên trên lợi ích kinh tế. Bắc Kinh đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt của HĐBA vào tháng 8-2017 và dường như đang đặt nhiều nỗ lực vào việc thực thi hơn trước.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy rằng hoạt động thương mại với Triều Tiên đang giảm. Cảnh sát Trung Quốc dường như đang trấn áp hoạt động chuyển lậu hải sản từ Triều Tiên qua biên giới, và các doanh nghiệp Trung Quốc ở thành phố Đan Đông đang ca cẩm rằng hoạt động thương mại "đều bị chậm lại khá nhiều".

Trong năm 2017, Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA) đã thông qua 4 nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Gần nhất, vào tháng 12-2017, cơ quan này thông qua nghị quyết mới mang tính nghiêm khắc cao nhất sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 của Triều Tiên hồi tháng 11 mà Bình Nhưỡng tuyên bố là "có tầm bắn bao phủ toàn bộ lãnh thổ Mỹ".

Nghị quyết đó cấm gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế xuất khẩu sang Triều Tiên, đồng thời yêu cầu cho hồi hương các lao động Triều Tiên ở nước ngoài trong vòng 12 tháng.

Theo trang mạng americanprogress.org, các nhà ngoại giao Trung Quốc thường tuyên bố rằng việc Trung Quốc cắt đứt quan hệ kinh tế với Triều Tiên là điều vô nghĩa vì lãnh đạo Kim Jong Un sẽ để dân mình chết đói thay vì từ bỏ chương trình hạt nhân. Theo một cách nào đó, Bắc Kinh luôn muốn nhắn nhủ một thực tế không hề phi lý: Nếu Trung Quốc thúc ép tích cực đối với Triều Tiên về mặt kinh tế, không loại trừ việc Bình Nhưỡng sẽ kháng cự cho đến khi hết khả năng, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng an ninh quy mô lớn trên bán đảo Triều Tiên.

Thực tế là Triều Tiên dễ bị tổn thương nhiều hơn hẳn so với mức độ các nhà quan sát nhận thấy, và Mỹ chỉ mới bắt đầu nhắm mục tiêu vào những điểm yếu lớn nhất của Bình Nhưỡng. Theo nhận định từ trang mạng americanprogress.org, thay vì có thái độ "lúc nóng lúc lạnh" với Trung Quốc và "lời qua tiếng lại" gay gắt với Triều Tiên - 2 cách tiếp cận mang lại cho Trung Quốc khoảng trống hoạt động để tránh phải hành động - Mỹ cần đánh cược gấp đôi vào một chiến lược giáng một đòn kinh tế vào Triều Tiên tương tự như đòn giáng đưa Iran đến bàn đàm phán vào năm 2013.

Mỹ tự tin đang gây sức ép hiệu quả lên Triều Tiên  - Ảnh 2.

Binh sĩ Trung Quốc canh gác ở cây cầu biên giới với Triều Tiên - Ảnh: AFP

Canada cậy nhờ Nga và Trung Quốc

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên tiếng kêu gọi Nga và Trung Quốc giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các bên để thúc đẩy hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Thủ tướng Trudeau nêu rõ dù Nga và Trung Quốc không được mời tham dự hội nghị về Triều Tiên sắp tới nhưng cần giúp xoa dịu căng thẳng hiện nay. Ông cam kết sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các bên, bao gồm cả Nga và Trung Quốc là những nước chắc chắn giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên. Canada hiểu rõ cộng đồng quốc tế giữ vai trò quan trọng trong việc hạ nhiệt và làm dịu căng thẳng trong vấn đề Triều Tiên.

Thủ tướng Trudeau đưa ra tuyên bố trên vào ngày 12-1, trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng về Triều Tiên do Canada và Mỹ đồng chủ trì tại thành phố Vancouver, tỉnh British Columbia từ ngày 15 đến 17-1 tới.

Dự kiến sẽ có hơn 10 nước tham dự, nhưng không có Nga, Trung Quốc và Triều Tiên. Mục đích hội nghị nhằm tăng cường các nỗ lực ngoại giao hướng tới việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.

Triệt để săn tàu bán dầu cho Triều Tiên

Cùng ngày, giới chức Đài Loan (Trung Quốc) đã liệt một người Đài Loan và 4 công ty liên quan vào danh sách đen của vùng lãnh thổ này do bán dầu trái phép cho Triều Tiên, vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ nhằm vào Bình Nhưỡng.

Đối tượng có tên là Chen Shih-hsien (Trần Thế Hiến) bị tình nghi thuê một tàu chở dầu được đăng ký ở Hong Kong để chuyển dầu trái phép cho một tàu Triều Tiên vào giữa tháng 10-2017, vi phạm lệnh cấm của HĐBA. Nhà chức trách Hàn Quốc sau đó đã bắt giữ tàu này, dẫn tới một cuộc điều tra tại Đài Loan.

Theo các biện pháp trừng phạt nói trên, Đài Loan đã phong tỏa ông Trần Thế Hiến cùng tài sản của 4 công ty tài chính nói trên, theo đó cấm họ giao dịch với các ngân hàng hoặc công ty bảo hiểm.

Mỹ tự tin đang gây sức ép hiệu quả lên Triều Tiên  - Ảnh 4.

Hình ảnh đoàn xe tải băng qua cầu Hữu Nghị trên sông Yalu từ TP Sinuiju của Triều Tiên hướng sang TP Đan Đông, thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) vào ngày 8-1 - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 12-1 cho biết, theo đề nghị hồi tháng 12-2017 của quân đội Mỹ, các tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản đã được triển khai tới nhiều khu vực, trong đó có Hoàng Hải, để theo dõi xem liệu có diễn ra hoạt động chuyển dầu tinh chế từ các tàu nước ngoài sang tàu Triều Tiên hay không. 

Hành động chuyển dầu như vậy bị coi là vi phạm các biện pháp trừng phạt mà LHQ áp đặt đối với Triều Tiên do các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Theo các nguồn tin trên, khi tham gia sứ mệnh này, MSDF tuân theo các nguyên tắc tiêu chuẩn về cảnh báo và giám sát. Mục đích chính là giám sát sự di chuyển của các tàu nước ngoài và thu thập thông tin để chia sẻ với Mỹ. 

MSDF không được phép dùng vũ lực để kiểm tra các tàu trừ phi có những điều kiện nhất định phù hợp với đạo luật của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. MSDF đã chụp ảnh những tàu tình nghi và cung cấp thông tin cho Mỹ - đồng minh chủ chốt của Nhật Bản đồng thời đang đi đầu trong nỗ lực toàn cầu nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn nhằm vào Triều Tiên.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên