26/12/2024 12:26 GMT+7

Mỹ - Trung thêm căng thẳng dưới thời ông Trump?

Ngày 24-12, nhiều quan chức Trung Quốc đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm tài khóa 2025 (NDAA 2025) chứa nhiều điều khoản vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh.

Mỹ - Trung thêm căng thẳng dưới thời ông Trump? - Ảnh 1.

Ông Trump sẽ bước vào cuộc đấu trí cân não thứ hai với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai - Ảnh: AFP

Những động thái trên báo hiệu một năm Mỹ và Trung Quốc tiếp tục đối đầu trong nhiều vấn đề an ninh - quốc phòng. Khoảng cách về nhận thức và quan điểm giữa hai nước có khả năng còn gia tăng đáng kể trong bối cảnh nhiệm kỳ mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp bắt đầu.

Ngân sách quốc phòng kỷ lục

Đạo luật NDAA được ông Biden thông qua hôm 23-12, trao cho Bộ Quốc phòng Mỹ ngân sách hoạt động ở mức cao kỷ lục lên đến 895 tỉ USD. Đạo luật có rất nhiều điều khoản liên quan đến các vấn đề an ninh - chính trị khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Nổi bật trong NDAA là khoản phân bổ 300 triệu USD để Đài Loan mua sắm khí tài phòng vệ, bao gồm tên lửa đối hạm, ra đa, hệ thống phòng thủ bờ biển và tên lửa. Đạo luật cũng đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ Mỹ - Đài Loan và hỗ trợ kinh tế cho hòn đảo này.

Trong hai ngày 24 và 25-12, người phát ngôn của một loạt cơ quan Trung Quốc, gồm bà Mao Ninh (Bộ Ngoại giao), ông Trần Bân Hoa (Văn phòng sự vụ Đài Loan) và ông Hứa Đông (Ủy ban Đối ngoại quốc hội) đã phản đối gay gắt đạo luật NDAA.

Trọng tâm được nhắc đến nhiều nhất là phản đối các điều khoản về Đài Loan, cáo buộc Washington can thiệp sâu vào chuyện nội bộ của Bắc Kinh, qua đó vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc "một Trung Quốc" và những tuyên bố chung Trung - Mỹ. 

"Mỹ quyết tâm ký ban hành Đạo luật NDAA 2025 với những nội dung tiêu cực về Trung Quốc, đẩy mạnh luận điệu "mối nguy Trung Quốc" hết năm này sang năm khác", bà Mao nói.

Các quan chức Bắc Kinh cũng kêu gọi Washington từ bỏ "tâm lý Chiến tranh lạnh" và ngừng "vũ khí hóa các vấn đề khoa học công nghệ, kinh tế và thương mại". 

Ông Hứa Đông nhấn mạnh bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc là khó tránh, nhưng các bên cần tránh làm tổn hại lợi ích cốt lõi của nhau và không để căng thẳng leo thang thành xung đột.

Toan tính cẩn thận

Là một trong những đạo luật cuối cùng được ký ban hành trong nhiệm kỳ này, NDAA 2025 như "món quà xông nhà" mà ông Biden "dành tặng" ông Trump

Với những gì ông Trump đã làm trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhiều nhà phân tích lo ngại tổng thống của Đảng Cộng hòa còn đưa tình trạng đối đầu Trung - Mỹ lên tầm cao hơn.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã khơi mào chiến tranh thương mại, công nghệ giữa hai nước và đưa ra nhiều quyết định về an ninh - chính trị bị Bắc Kinh kịch liệt phản đối và góp phần không nhỏ dẫn đến tình hình hiện tại. 

Tuy nhiên trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump chưa thể "tất tay" do bị giới hạn bởi đội ngũ cố vấn kỳ cựu, nhiều người trong số họ từng hoạt động từ cuối Chiến tranh lạnh - thời kỳ quan hệ Mỹ - Trung còn nồng ấm, nên họ thận trọng và thiện cảm với Trung Quốc hơn ông Trump.

Lần này ông Trump đã tập hợp một đội ngũ quan chức cánh hữu với lập trường bài Trung Quốc rõ rệt, nổi bật là ứng viên ngoại trưởng Marco Rubio và ứng viên bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth. 

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, họ được dự đoán sẽ thúc đẩy ông Trump đẩy mạnh các chính sách đối đầu an ninh - quân sự với Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Foreign Affairs nhận định các khủng hoảng an ninh tương tự chuyến thăm Đài Bắc năm 2022 của bà Nancy Pelosi hoàn toàn có thể tái diễn.

Nhiều nhà phân tích cho rằng dù căng thẳng Mỹ - Trung có thể gia tăng trong bốn năm tới, cả hai bên vẫn sẽ kiềm chế để tránh "giọt nước tràn ly". Ông Trump, muốn lưu danh là một trong những tổng thống vĩ đại nhất, khả năng cao sẽ tập trung vào đối nội và phát triển kinh tế. 

Tự hào là tổng thống Mỹ hiếm hoi không khơi mào chiến tranh trong nhiều thập niên, ông sẽ không muốn phá hỏng di sản của mình bằng một cuộc chiến ở Đài Loan.

Ngược lại, Trung Quốc cũng muốn có thời gian vực dậy nền kinh tế đang ảm đạm, cải thiện hình ảnh trên trường quốc tế, đối phó với những chính sách thuế quan và cấm vận công nghệ từ chính quyền ông Trump. Do đó Bắc Kinh cũng nhiều khả năng chưa có ý định "tái thống nhất" Đài Loan trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ tới.

Đạo luật quốc phòng cấm bán cả… tỏi

Bên cạnh những điều khoản Đài Loan, NDAA còn cấm buôn bán, trao đổi với Bắc Kinh trong rất nhiều lĩnh vực như công nghệ dẫn đường bằng laser, chất bán dẫn…

Lầu Năm Góc quy định hạn chế sự xuất hiện của nhân sự Trung Quốc tại các cơ sở sản xuất hiện đại và trong quân đội. Các lĩnh vực bị cấm chi tiết đến mức có điều khoản cấm tỏi Trung Quốc trong nhà ăn quân đội.

NDAA 2025 cũng gia hạn một số biện pháp trừng phạt Trung Quốc liên quan đến các vấn đề như Hong Kong, Tây Tạng và Tân Cương với lý do vi phạm quyền con người. Đạo luật còn yêu cầu điều tra Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc về cáo buộc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.

Mỹ - Trung thêm căng thẳng dưới thời ông Trump? - Ảnh 2.Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường

TTCT - Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã chính thức mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ nhậm chức vào ngày 20-1-2025. Nhưng mối quan hệ cá nhân từng thân thiết giữa họ liệu có đủ để cứu vãn quan hệ song phương đang ngày càng xấu đi?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên