Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Mỹ Trump tại Hà Nội - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi sẵn sàng cùng Triều Tiên tham gia một cuộc đàm phán mang tính xây dựng" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino nhấn mạnh với các phóng viên ngày 8-3, rằng việc có ngồi vào bàn đàm phán lần nữa hay không bây giờ tùy thuộc vào chính quyền Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên tối 7-3 đã bất ngờ chỉ trích cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, cho rằng nó vi phạm tuyên bố chung của các bên về chấm dứt tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên.
Trước câu hỏi mới nhất về chuyện thực hư Triều Tiên đã khôi phục các cơ sở tên lửa đã từng cam kết phá hủy, ông Palladino cho biết đang xác minh và vẫn còn quá sớm để kết luận "mục đích thật sự của các động thái này là gì", theo Hãng tin Reuters.
"Những báo cáo về các hoạt động mới tại Triều Tiên không đặt Mỹ trong tình trạng báo động, song chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục theo dõi thêm tình hình" - đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.
Ngày 7-3, dựa trên các hình ảnh vệ tinh thương mại chụp ngày 2-3, các chuyên gia của chuyên trang 38 North có trụ sở tại Mỹ khẳng định bãi phóng tên lửa Sohae của Triều Tiên "đang trong tình trạng hoạt động".
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ tìm kiếm câu trả lời từ Bình Nhưỡng về "các mục đích thật sự của những hoạt động" tại Sohae. Vị này cũng nhấn mạnh Mỹ tin tưởng "mục tiêu một Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng vẫn có thể đạt được trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump".
Trước đó, theo lời của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, Mỹ "có rất nhiều cách" để xác minh các thông tin những hoạt động mới của Triều Tiên tại Sohae.
Ông Bolton cũng tuyên bố Tổng thống Trump đang để ngỏ khả năng đối thoại lần nữa với Triều Tiên, sau khi cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un kết thúc mà không ra được tuyên bố chung.
Dù trở về không có thỏa thuận và có một vài sự khác biệt về các thông tin cung cấp cho báo chí, cả Mỹ và Triều Tiên đều đang duy trì bầu không khí thân thiện, tránh chỉ trích và đổ lỗi cho nhau.
Kể từ khi về nhà đến nay, Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao gần gũi ông luôn nhấn mạnh cuộc gặp ở Hà Nội là một thành công, mang tính xây dựng và để ngỏ khả năng nối lại các cuộc đối thoại.
Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên đã dành bộ phim tài liệu dài 75 phút để nói về mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo sau cuộc gặp. Trong một đoạn video ngắn, người ta bắt gặp cảnh ông Kim Jong Un tươi cười và bắt tay ông Trump, kể cả khi nhà lãnh đạo Mỹ quyết định cắt ngắn chương trình và bước ra khỏi phòng họp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận