Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Manila, Philippines, vào tối 20-11 - Ảnh: AFP
Bà Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm Manila kể từ khi ông Marcos nhậm chức hồi tháng 6-2022.
Chuyến thăm cho thấy quan hệ giữa hai đồng minh đang cải thiện sau nhiều năm lạnh nhạt dưới thời cựu tổng thống Rodrigo Duterte.
Bà Harris cũng dự kiến gặp con gái của ông Duterte là bà Sara Duterte trong chuyến công du này, theo Hãng tin AFP.
Mỹ và Philippines có mối quan hệ lâu dài nhưng cũng nhiều phen trồi sụt. Năm 2014, hai bên đã ký Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) cho phép Mỹ hiện diện nhiều hơn tại các căn cứ quân sự của Philippines.
Theo đó, Washington được phép đặt trang thiết bị quốc phòng tại năm căn cứ của Philippines và luân chuyển quân sự tại những căn cứ này. Tuy nhiên việc triển khai thỏa thuận này bị đình trệ dưới thời ông Duterte, vốn được đánh giá là nghiêng về phía Trung Quốc hơn.
Washington hiện đang tìm cách củng cố liên minh an ninh với Manila dưới thời một tổng thống khác của gia tộc Marcos, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán tại khu vực.
"Chúng tôi đã xác định được các địa điểm (căn cứ) mới và đã bắt đầu cùng Philippines để hoàn thiện các địa điểm đó. Mỹ đã phân bổ hơn 82 triệu USD để triển khai (tại các căn cứ hiện có) và sẽ chi nhiều hơn nữa", Hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Mỹ tiết lộ.
Bà Harris dự kiến sẽ đến thăm tỉnh đảo Palawan của Philippines nằm dọc theo vùng biển tranh chấp ở Biển Đông vào ngày 22-11.
Ngoài ra bà cũng gặp các thành viên của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trên một trong hai tàu tuần duyên lớn nhất của nước này và có bài phát biểu. Trong khi đó giới phân tích cho rằng sự hiện diện của bà Harris tại đây có thể khiến Trung Quốc khó chịu.
Bà ấy sẽ "tái khẳng định sức mạnh của liên minh và cam kết của chúng tôi trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông và rộng hơn là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", quan chức Mỹ nói trên cho biết.
Ngoài ra phó tổng thống Mỹ cũng sẽ thảo luận về thỏa thuận hạt nhân dân sự với Philippines, mở đường cho việc bán các lò phản ứng hạt nhân cho Manila trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận