Phóng to |
Theo Reuters, cuộc tập trận chống mìn quốc tế (IMCMEX) diễn ra từ ngày 16 đến 27-9 trên vịnh Ba Tư thu hút lực lượng quân sự từ hơn 20 quốc gia trên thế giới, từ Mỹ, Anh, Pháp đến Nhật, Yemen, Jordan, New Zealand và Estonia... Hạm đội 5 hải quân Mỹ cho biết hải quân các nước sẽ tập dò và gỡ mìn trên biển và cuộc tập trận “hoàn toàn mang tính chất phòng vệ”. Nhưng, theo báo New York Times, cuộc tập trận gỡ mìn này cũng là một trong số những công cụ gây áp lực buộc Iran ngồi vào bàn thương lượng.
“Cuộc tập trận sẽ tập trung vào mối đe dọa của mìn đối với các vùng biển quốc tế quan trọng ở Trung Đông - hải quân Mỹ khẳng định - Chúng tôi muốn đảm bảo tự do hàng hải và ổn định khu vực Trung Đông”. Để tránh gây căng thẳng với Iran, Mỹ và các nước sẽ không mở rộng cuộc tập trận tới eo biển Hormuz, vùng biển giữa Iran và Oman, nơi 40% lượng dầu thô thế giới được vận chuyển qua lại mỗi ngày.
Cảnh báo Iran
"Nếu tên lửa Israel bắn vào Iran, toàn bộ đất nước Israel sẽ bị xóa sổ" |
“Cuộc tập trận là lời tuyên bố của Mỹ rằng chúng tôi không đơn độc. Không chỉ có Mỹ đề phòng Iran - Hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia Michael Eisenstadt thuộc Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ) - Các nước muốn nói với Iran rằng nếu Tehran đe dọa tự do hàng hải ở eo biển Hormuz, cộng đồng quốc tế đủ sức xử lý vấn đề chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần. Và khi đó Iran sẽ phải trả giá đắt”.
Theo sử gia quân sự David Crist, kho mìn của Iran rất lớn. “Với mối đe dọa từ Iran, các cuộc tập trận như IMCMEX là cực kỳ cần thiết nhằm tăng cường khả năng hợp tác với các nước đồng minh để đảm bảo tự do hàng hải ở vùng Vịnh” - nhà phân tích Mark Gunzinger thuộc Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách (Mỹ) cho biết. Ông cho rằng Mỹ muốn nhắc nhở Iran là đóng cửa eo biển Hormuz sẽ chỉ gây thiệt hại cho tất cả các bên, mà thiệt hại nặng nề nhất lại chính là Tehran.
Ngoài cuộc tập trận, hải quân Mỹ còn đang triển khai hai tàu sân bay là USS Enterprise và USS Dwight D. Eisenhower tại vùng Vịnh. Chuyên gia Trung Đông Kenneth Katzman thuộc Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) nhấn mạnh sự hiện diện của các tàu sân bay Mỹ mang thông điệp: “Mỹ có thể dễ dàng triển khai sức mạnh tàn phá trên lãnh thổ Iran ngay lập tức”.
Ngoài ra, hải quân Mỹ còn triển khai hàng loạt tàu phá mìn, trực thăng chiến đấu MH-53, tàu dò mìn không người lái... ở vùng Vịnh. Bloomberg cho biết hồi tháng 7, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề nghị Quốc hội thông qua việc mua thêm 40 tên lửa Griffin để trang bị cho các tàu tuần tra Mỹ ở vùng Vịnh nhằm phản ứng nhanh với mối đe dọa từ Iran.
Lằn ranh đỏ
Cuộc tập trận diễn ra trong thời điểm căng thẳng Iran - Israel đang leo thang nghiêm trọng. Theo AFP, ngoài việc đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, tướng Mohammad Ali Jafari còn tuyên bố Tehran sẽ tấn công các mục tiêu của Mỹ và Israel tại vùng Vịnh. Các căn cứ quân sự của Mỹ ở Bahrain, Kuwait, UAE và Saudi Arabia sẽ nằm trong tầm ngắm của tên lửa Iran.
Báo Telegraph cho biết vào tháng 10, quân đội Iran cũng sẽ tập trận quy mô lớn. Với tên lửa đất đối không, máy bay không người lái, hệ thống rađa hiện đại, Tehran sẽ đánh giá khả năng phòng ngự của 3.600 địa điểm nhạy cảm trên toàn quốc, bao gồm các cơ sở hạt nhân. Giới chuyên gia quân sự nhận định dù năng lực có hạn, nhưng với tên lửa chống tàu, tàu ngầm, mìn..., quân đội Iran vẫn có thể giáng trả những đòn nặng nề vào lực lượng Mỹ và Israel.
Trả lời phỏng vấn CNN, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định Tehran đã hoàn thành 90% công đoạn để hướng tới sản xuất bom hạt nhân. Ông Netanyahu hối thúc Washington phải đề ra một “lằn ranh đỏ”, nghĩa là xác định mức cuối cùng không thể cho phép Tehran vượt qua liên quan đến năng lực sản xuất bom hạt nhân. Nếu Iran vượt qua lằn ranh này, Mỹ và Israel phải tấn công phủ đầu.
Cho đến nay Mỹ vẫn phản đối việc đưa ra “lằn ranh đỏ”. Chính quyền Obama luôn khẳng định để ngỏ mọi khả năng trong việc đối phó với Iran, kể cả phương án tấn công quân sự. Tuy nhiên, Nhà Trắng nhấn mạnh Israel cần kiềm chế để các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran phát huy hiệu quả, buộc Tehran ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Dù vậy, theo AFP, mới đây cựu đại sứ Mỹ tại Israel Martin Indyk lại nhận định nguy cơ chiến tranh vẫn là rất lớn và xung đột có thể nổ ra vào năm 2013.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận