15/12/2015 09:05 GMT+7

​Mỹ tăng cường tên lửa chống Trung Quốc trên biển Đông

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Hiện hải quân Mỹ đang tính toán lại chiến lược chiến tranh ở Thái Bình Dương và mua sắm các loại tên lửa chống tàu mới để đối phó với Trung Quốc, đặc biệt trên biển Đông.

Để đối phó với chính sách gây hấn của Trung Quốc trên Thái Bình Dương, đặc biệt là biển Đông, các chỉ huy hải quân Mỹ đang quyết liệt mua sắm nhiều loại tên lửa mới và tính toán chiến lược chiến tranh mới ở Thái Bình Dương.

Kể từ sau Chiến tranh lạnh, quân đội Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối trên các vùng đại dương. Nhưng trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư hàng chục tỷ USD để phát triển lực lượng hải quân với hàng chục tàu chiến đủ loại và một kho tên lửa. Hiện tại, Mỹ vẫn đang sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, có công nghệ hiện đại nhất thế giới.

Hải quân Mỹ có 272 tàu chiến và tàu ngầm, cộng thêm hơn 150 tàu trong hạm đội dự bị. Hải quân Trung Quốc vẫn kém xa, nhưng hiện cũng đã có hơn 300 tàu. Các chuyên gia ước tính đến năm 2020 Trung Quốc có thể sở hữu lực lượng hải quân mạnh thứ hai thế giới.

Theo tạp chí Foreign Policy, hiện hải quân Mỹ đang tính toán lại chiến lược chiến tranh ở Thái Bình Dương và mua sắm các loại tên lửa chống tàu mới để đối phó với Trung Quốc, đặc biệt trên biển Đông.

Học thuyết chiến tranh trên biển mới

Lãnh đạo hải quân Mỹ hiểu rằng nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc, lực lượng Mỹ dù hùng mạnh hơn nhưng cũng sẽ thiệt hại đáng kể.

Do đó, các chỉ huy hải quân đã từ bỏ chiến lược tấn công quy mô lớn để triệt phá hệ thống phòng không của kẻ thù trên Thái Bình Dương. Thay vào đó, lực lượng Mỹ áp dụng chiến thuật mới, di chuyển linh hoạt hơn, âm thầm hơn.

Một trong những bước đi đầu tiên là các quan chức Lầu Năm Góc đang tập trung phát triển những căn cứ hải quân ở các đảo xa tại Thái Bình Dương, nhằm hạn chế nguy cơ tên lửa Trung Quốc bắn phá.

Tên lửa của Trung Quốc có tầm bắn dao động từ 100 đến 900 hải lý, có thể chặn lực lượng Mỹ đi vào nhiều vùng biển ở Thái Bình Dương, đặc biệt là biển Đông.

Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại với tên lửa đạn đạo Đông Phong DF-21D của Trung Quốc, có khả năng bắn phá tàu sân bay. Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa hành trình siêu thanh YJ-18 triển khai trên tàu ngầm.

Cựu quan chức Lầu Năm Góc David Ochmanek cho biết trong các cuộc tập trận với tình huống giả định là Trung Quốc tấn công Đài Loan hoặc các đảo trên biển Đông, hải quân nước này có thể bắn tên lửa tấn công các tàu sân bay và căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật và đảo Guam.

Trong tình thế đó, hải quân Mỹ dù chắc chắn sẽ chiến thắng, nhưng cũng sẽ thiệt hại tàu chiến và binh sĩ.

Do đó, các chiến lược gia quân sự Mỹ quyết định triển khai trên quy mô rộng các loại vũ khí ở nhiều căn cứ khắp Thái Bình Dương, bao gồm nhiều đường băng quy mô nhỏ. Dự kiến quân đội Mỹ sẽ có quyền sử dụng một số căn cứ của Philippines.

Mỹ cũng đang cân nhắc xây căn cứ ỏ các đảo nhỏ tại Thái Bình Dương. Với việc triển khai máy bay và tàu chiến ở nhiều căn cứ xa, hải quân Mỹ có thể triển khai vũ khí và lực lượng một cách âm thầm, khó dự đoán hơn, do đó lực lượng Trung Quốc sẽ khó có thể đối phó và ngăn chặn.

Nâng cấp tên lửa chống tàu

Trong những năm qua, hải quân Mỹ được trang bị nhiều vũ khí hiện đại như lá chắn tên lửa, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu mới… Nhưng hải quân Mỹ vẫn sử dụng tên lửa chống tàu Harpoon. Các chiến lược gia quân sự Mỹ lo ngại tàu chiến Trung Quốc có thể bắn chặn hoặc né tên lửa Harpoon cũ kỹ nếu xung đột xảy ra.

Do đó hải quân Mỹ đang nỗ lực trang bị cho các tàu chiến và tàu ngầm những loại tên lửa chống tàu hiện đại hơn, có khả năng xâm nhập các hàng phòng thủ công nghệ cao. Đầu tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch nâng cấp các quả tên lửa sẵn có, ban đầu được thiết kế cho những mục tiêu khác.

Hải quân đã nâng cấp tên lửa Tomahawk thường được sử dụng để bắn phá các mục tiêu cố định trên bộ. Cuộc thử nghiệm tên lửa Tomahawk bắn vào một mục tiêu di động trên biển gần đây đã thành công.

Người phát ngôn hải quân Mỹ Robert Myers cho biết hải quân sẽ triển khai tên lửa Tomahawk mới tới các hạm đội ở Thái Bình Dương trong vài năm tới.

Hải quân Mỹ cũng đang xem xét nâng cấp tên lửa chống tàu tầm xa, vốn được thiết kế để bắn từ máy bay. Những sự lựa chọn khác là một loại tên lửa do Na Uy sản xuất, hoặc nâng cấp tên lửa đánh chặn SM-6. Các chỉ huy hải quân Mỹ nhiều lần khẳng định quyết tâm tăng cường sức mạnh vũ trang cho các tàu chiến của Mỹ ở Thái Bình Dương.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên