23/07/2024 10:18 GMT+7

Mỹ phát hiện Nga mở lại nhiều cơ sở quân sự thời Liên Xô ở Bắc Cực

Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá Nga và Trung Quốc đang tăng cường hợp tác ở Bắc Cực, và điều này có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.

Một con gấu Bắc Cực đang đứng trên băng biển Bắc Cực tan chảy ở Svalbard, Na Uy - Ảnh: AFP

Một con gấu Bắc Cực đang đứng trên băng biển Bắc Cực tan chảy ở Svalbard, Na Uy - Ảnh: AFP

Đó là một phần nội dung trong "Chiến lược Bắc Cực 2024", được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 22-7 và được nhiều báo đài dẫn lại.

Theo Hãng tin Reuters, báo cáo mới của Lầu Năm Góc nói rằng Nga đã mở lại hàng trăm địa điểm quân sự thời Liên Xô ở Bắc Cực.

"Nga tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng quân sự mới và tân trang các cơ sở từ thời Liên Xô ở Bắc Cực" - báo cáo nêu.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có tham vọng tại khu vực này. Bắc Kinh nói rằng họ có ý định xây dựng một "Con đường tơ lụa Bắc Cực". 

Trung Quốc đang để mắt đến các nguồn tài nguyên khoáng sản và các tuyến đường vận chuyển mới, trong bối cảnh các tảng băng tan dần do nhiệt độ tăng cao.

"Trung Quốc và Nga đang tăng cường hợp tác ở Bắc Cực thông qua nhiều công cụ quyền lực quốc gia" - Lầu Năm Góc nhận định.

Họ nói thêm: "Mặc dù vẫn còn nhiều bất đồng đáng kể giữa Trung Quốc và Nga, nhưng sự liên kết ngày càng tăng của họ trong khu vực này là điều đáng lo ngại. Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn tiếp tục theo dõi sự hợp tác này".

Các tuyến đường biển ở Bắc Cực ngày càng được sử dụng nhiều hơn để kết nối các nền kinh tế lớn trên khắp Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, trong lúc hiện tượng nóng lên toàn cầu ảnh hưởng tới các khối băng và kéo dài khoảng thời gian không có băng trên biển trong năm.

Hiện nay Trung Quốc và Nga đang hợp tác phát triển các tuyến vận tải qua Bắc Cực, khi Nga tìm cách cung cấp nhiều dầu mỏ và khí đốt hơn cho Trung Quốc trong bối cảnh phương Tây áp các lệnh trừng phạt lên Matxcơva.

Trong khi đó, Trung Quốc tìm kiếm một tuyến vận tải thay thế để giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca (eo biển nằm giữa bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra).

Cũng theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc đang tìm cách tận dụng "tình hình thay đổi ở Bắc Cực để theo đuổi ảnh hưởng và quyền tiếp cận lớn hơn, tận dụng các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực và đóng vai trò lớn hơn trong việc quản lý khu vực".

Hiện Nga và Trung Quốc chưa phản ứng với báo cáo trên. Hồi tháng 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tương lai của nước Nga nằm ở vùng Viễn Đông và Bắc Cực, ngay sau chuyến thăm vùng Chukotka, giáp bán đảo Alaska (Mỹ).

Chiến lược "giám sát và ứng phó"

Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ đã có chiến lược "giám sát và ứng phó" ở Bắc Cực. Chiến lược được xây dựng dựa trên hoạt động thu thập thông tin tình báo, hợp tác với các đồng minh và khả năng triển khai các khí tài quân sự.

Dự kiến Mỹ, Canada và Phần Lan sẽ lập một liên doanh để đóng tàu phá băng, nhằm tăng cường hoạt động đóng tàu của các nước đồng minh và đối phó Nga, Trung Quốc ở các vùng cực ngày càng mang tính chiến lược.

Bắc Cực không băng sắp trở thành sự thật?Bắc Cực không băng sắp trở thành sự thật?

Bắc Cực đứng trước nguy cơ chỉ còn nước trong những tháng hè kể từ năm 2035 do khí thải từ nhiên liệu hóa thạch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên