Các chuyên gia cho biết có một số cách giải thích cho hiện tượng kỳ lạ và khó hiểu này, nhưng cũng có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được nguyên nhân tạo ra sóng băng.
Sóng băng trông như một ngôi sao
Bức ảnh do vệ tinh chụp lại cho thấy vòng cung bí ẩn nằm trong một vịnh hẹp kỳ ảo, phủ đầy băng trôi sâu trong Vòng Bắc Cực.
Vịnh hẹp Itilliarsuup Kangerlua là một phần của hệ thống vịnh hẹp Uummannaq ở Tây Greenland, cách thủ đô Nuuk khoảng 740km về phía bắc. Theo Đài quan sát Trái đất của NASA, tuyến đường thủy hẹp dài khoảng 2,6km được hình thành bởi hai sông băng Sisoortartukassak và Kangilleq, ngăn cách bởi một hòn đảo nhỏ ở chân vịnh hẹp.
Mùa hè, hàng ngàn mảnh băng trôi nhỏ tách ra từ sông băng, rải rác trên bề mặt của vịnh hẹp, khiến mặt nước trông như một ngôi sao từ hình ảnh kính viễn vọng trường sâu khi nhìn từ trên cao. Tuy nhiên, điểm thú vị nhất trong ảnh là một vòng cung mỏng màu trắng trải dài khắp vịnh hẹp.
Theo Đài quan sát Trái đất, vòng cung này rất có thể là một làn sóng dịch chuyển đang đi dọc lên vịnh hẹp, tránh xa các khối băng. Làn sóng này có thể bắt nguồn từ một khối băng lớn vỡ ra từ sông băng Kangilleq và rơi xuống nước - tương tự như những gợn sóng mà bạn nhìn thấy khi ném một hòn đá xuống hồ nước tĩnh lặng tuyệt đối.
Khó biết nguyên nhân thực sự tạo ra sóng băng
Josh Willis, nhà hải dương học tại Phòng thí nghiệm động cơ phản lực của NASA, nói với Đài quan sát Trái đất: "Đối với tôi, hiện tượng này trông giống như một làn sóng do vỡ tảng băng gây ra". Ông nói thêm, "hình dạng hoàn hảo" của vòng cung và hướng của con sóng tương tự như các sự kiện vỡ tảng băng được quan sát thấy ở các sông băng khác.
Dan Shugar, nhà địa mạo học tại Đại học Calgary, và Mike Wood, nhà băng hà học tại Phòng thí nghiệm biển Moss Landing ở California, cũng tin rằng vòng cung là kết quả của một sự kiện vỡ tảng băng, theo Đài quan sát Trái đất.
Tuy nhiên, Willis nói làn sóng này cũng có thể được gây ra bởi một "dòng nước dưới nước" từ sông băng Kangilleq. Những dòng nước này bắt nguồn từ nước tan chảy, đi vào vùng nước mặn của vịnh hẹp từ bên dưới sông băng và nổi lên trên bề mặt, thay thế nước xung quanh.
Nhưng thật khó để chắc chắn điều gì đã gây ra làn sóng nếu không có thêm dữ liệu. "Chỉ dựa trên hình ảnh vệ tinh, có thể không bao giờ biết chắc chắn điều gì đã gây ra hiện tượng kỳ ảo này", một đại diện của Đài quan sát Trái đất viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận