Một hành khách trên chuyến bay số 101 của American Airlines từ London đến New York tại sân bay quốc tế Heathrow ở Anh ngày 8-11 - Ảnh: REUTERS
Trong 20 tháng qua, lệnh cấm nhập cảnh ban hành dưới chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump do đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều gia đình bị chia cách, nhiều người bỏ lỡ sinh nhật và ngày kỷ niệm quan trọng của người thân yêu.
Chờ đợi mỏi mòn
Bà Alison Henry, công dân Anh (63 tuổi), cho biết thời gian qua việc không thể đi thăm con trai khiến cuộc sống của bà gặp không ít khó khăn.
Chia sẻ với Hãng tin AFP, bà Henry, người Cheshire (một hạt ở Anh), tiết lộ sẽ bay đến New York ngay trong ngày 8-11 để gặp con trai vì không muốn chờ thêm một ngày nào.
Bà Henry không phải là trường hợp ngoại lệ. Có rất nhiều gia đình đã bị chia cắt trong 20 tháng qua mong mỏi ngày đoàn tụ.
Chị Devon Weber, công dân Mỹ sống cùng chồng người Canada ở Montreal, cho biết lệnh cấm đi lại đã khiến bố mẹ chị không thể đi thăm chăm cháu ngoại duy nhất của mình trong gần 1 năm qua.
Mặc dù chị Weber có thể lái xe qua biên giới với hộ chiếu Mỹ của mình, chuyến đi dài gần 10 tiếng cùng trẻ nhỏ trong bối cảnh dịch bệnh là điều chị không nghĩ đến. Họ cũng có thể bay, nhưng lý do tài chính khiến họ chỉ dám bay duy nhất một lần vào năm ngoái. Tiền vé và tiền xét nghiệm cho một người là 1.000 USD, trong khi nếu lái xe, tiền xăng xe cho cả chuyến thấp hơn rất nhiều.
Giờ đây, khi biên giới Mỹ - Canada mở toang, theo Đài BBC, gia đình 3 người của họ đang chuẩn bị lái xe về New York thăm nhà ngoại lần đầu tiên sau gần 2 năm.
"Tôi đã quá kiệt sức vì tất cả mọi thứ nên giờ đây, khi có thể lái xe về thăm nhà, tôi không thấy hào hứng nữa. Mất những 19 tháng để Mỹ làm điều gì đó với những gia đình như chúng tôi thực sự là đáng thất vọng", chị Weber tâm sự.
Theo Đài CNBC, các hãng hàng không dự báo số khách hàng sử dụng dịch vụ sẽ tăng ngay lập tức mà không cần chờ đến thời điểm cao điểm đi lại vào cuối năm. Giám đốc điều hành các hãng hàng không dự kiến sẽ có mặt để chào đón những hành khách trên các chuyến bay đầu tiên đến Mỹ.
Hãng hàng không United Airlines dự kiến sẽ có thêm khoảng 50% hành khách quốc tế đến Mỹ vào ngày 8-11, so với khoảng 20.000 khách được vận chuyển 1 tuần trước đó.
Ed Bastian - giám đốc điều hành của Hãng Delta Air Lines - cho biết hành khách nên chuẩn bị tinh thần là sẽ phải xếp hàng lâu.
Hãng Delta cho biết trong vòng 6 tuần kể từ khi Mỹ công bố mở cửa trở lại, số khách quốc tế đặt vé với công ty tăng 450% so với sáu tuần trước đó. Hãng hàng không Virgin Atlantic còn ghi nhận con số ấn tượng hơn. Lượng khách đăng ký vé đến Mỹ, chủ yếu là New York, tăng 600% từ khi Mỹ thông báo mở cửa. Giá khách sạn ở New York cũng đang trở lại mức bình thường, sau một mùa hè phải giảm giá sâu.
Các chuyên gia trong ngành du lịch dự đoán lượng du khách đến Mỹ cao sẽ duy trì trong một thời gian.
Tim Hentschel, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của HotelPlanner, nhận định: "Nhu cầu đến Mỹ bị dồn nén thời gian qua sẽ duy trì mạnh mẽ trong ít nhất vài năm tới".
Điều kiện để vào Mỹ
Thay cho lệnh cấm đi lại, người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Mỹ chỉ cần tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 được
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hoặc cơ quan chức năng ở Mỹ chấp nhận. Ngoài ra, họ cần có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng ba ngày trước khi đến Mỹ.
Hiện có 8 loại vắc xin COVID-19 được WHO chấp nhận, gồm các vắc xin do các công ty Pfizer-BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, Sinovac Biotech và Sinopharm - Trung Quốc, Bharat Biotech - Ấn Độ, AstraZeneca sản xuất, và vắc xin của AstraZeneca tên Covishield do Ấn Độ sản xuất.
Theo Đài CNBC, một số trường hợp ngoại lệ được chấp nhận. Cụ thể, người dưới 18 tuổi được miễn yêu cầu về tiêm vắc xin do một số quốc gia chưa cho phép tiêm cho trẻ em. Người đến từ 50 quốc gia có tỉ lệ tiếp cận và tiêm vắc xin thấp, dưới 10%, không cần phải tiêm đủ vắc xin nhưng phải đồng ý sẽ tiêm trong vòng 60 ngày sau khi nhập cảnh.
Trẻ em từ trên 2 tuổi nếu không có người lớn đi cùng hoặc đi cùng người lớn chưa được tiêm, phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 1 ngày. Các công dân nước ngoài chưa tiêm dưới 18 tuổi sẽ không phải tự cách ly khi đến nơi.
Những người không thể tiêm vắc xin vì lý do y tế cần cung cấp giấy xác nhận của cơ quan y tế. Nhưng sẽ không có ngoại lệ với người không tiêm vắc xin "vì lý do tôn giáo hoặc niềm tin đạo đức khác".
Mỹ công nhận "hộ chiếu vắc xin" của Việt Nam
Hôm 4-11, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, cho biết Mỹ cùng với Anh, Nhật Bản và Belarus là các quốc gia đã chính thức công nhận "hộ chiếu vắc xin" của Việt Nam vào đầu tháng 11-2021.
Theo quy định của Mỹ với người nước ngoài nhập cảnh, các hãng hàng không có trách nhiệm kiểm soát thông tin của khách hàng và các giấy tờ liên quan để đảm bảo không có sự giả mạo về bằng chứng đã tiêm vắc xin.
Ngoài ra, các hãng hàng không phải thu thập và lưu thông tin khách hàng trong 30 ngày. Thông tin này gồm số điện thoại, email và địa chỉ phải được cung cấp cho Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khi cần để truy vết khi có ca nhiễm. Du khách sẽ phải ký giấy xác nhận đã được tiêm ngừa và chịu tội hình sự nếu "cố tình cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận