Ảnh: UU WORLD MAGAZINE
Rạng sáng 8-1 (giờ Việt Nam), Iran đã dội tên lửa xuống các cơ sở Mỹ ở bắc Iraq, bao gồm căn cứ quân sự có quân Mỹ đồn trú Al Asad. Tên gọi của chiến dịch - "Chiến sĩ tử đạo Soleimani" - khiến mục đích của cuộc tấn công là không thể nhầm lẫn.
Trên Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javid Zarif nói các cuộc tấn công là "những biện pháp thích hợp" tuân theo điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc về phòng vệ. "Chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh - ông Zarif viết - Nhưng sẽ tự vệ trước bất kỳ động thái thù địch nào".
Những phản ứng ban đầu của Mỹ, qua Twitter của Tổng thống Donald Trump, cho tới trưa ngày 8-1 là: "Mọi chuyện vẫn ổn! Tên lửa bắn từ Iran vào hai căn cứ quân sự ở Iraq. Đang đánh giá thiệt hại và thương vong. Tới giờ không có vấn đề gì! Chúng ta có quân đội hùng mạnh và trang bị tốt nhất trên toàn thế giới, vượt xa tất cả! Tôi sẽ đưa ra tuyên bố vào sáng mai".
Những tin tức ban đầu cho biết chỉ có thương vong với người Iraq, chứ không phải người Mỹ, và Iran còn đe dọa sẽ tấn công cả Israel, Qatar, lẫn UAE nếu Mỹ trả đũa.
Các luận điệu hòn bấc ném đi hòn chì ném lại đó quen thuộc, nhưng leo thang một cách nguy hiểm trong một vòng xoáy những tính toán sai lầm có thể đẩy hai phía "mộng du" vào một cuộc chiến hậu quả khôn lường nữa ở Trung Đông.
Vòng xoáy đó bắt đầu với việc ông Trump, sau khi nhậm chức, rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà người tiền nhiệm của ông đã dày công xây dựng.
Gần 9 tháng sau khi nhậm chức, hôm 13-10-2017, ông Trump công bố sách lược của ông với Iran: "Lịch sử đã chỉ ra rằng chúng ta càng bỏ qua một mối đe dọa, mối đe dọa đó càng nguy hiểm", tiếp nối bằng cả một danh sách các "tội lỗi" cụ thể, ngoài vũ khí hạt nhân: "Chế độ này vẫn là kẻ tài trợ khủng bố hàng đầu thế giới, cung cấp hỗ trợ cho al Qaeda, Taliban, Hezbollah, Hamas và các mạng lưới khủng bố khác.
Chế độ này phát triển, triển khai và phổ biến tên lửa đe dọa quân đội Mỹ và các đồng minh của chúng ta…, quấy rối tàu Mỹ và đe dọa tự do hàng hải ở vịnh Ả Rập và biển Đỏ…, bỏ tù người Mỹ với những tội danh giả…, phát động các cuộc tấn công mạng chống lại cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính và quân sự quan trọng của chúng ta".
Thêm vào đó là những cuộc chiến ủy nhiệm ở Syria và Yemen, quan hệ Iran - Mỹ đang từ chỗ chùng xuống bỗng lại căng như dây đàn. Iran về cơ bản đã đáp trả tương xứng, cả trên diễn đàn ngoại giao lẫn các diễn tiến thực địa.
Năm 2019, sau những biến cố ở eo biển Hormuz, giới lãnh đạo Iran có lẽ tưởng ông Trump chỉ nói suông. "Chiến thắng" tháng 5-2019 phá hủy các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia (do phe Houthi ở Yemen nhận trách nhiệm) càng củng cố niềm tin này. Từ đó, Iran "nhấn ga" thêm ở Syria và Iraq qua tài thao lược của tướng Soleimani, và dòm ngó cả Israel.
Trong khi đó, ông Trump rút quân Mỹ khỏi đông bắc Syria, nhường toàn bộ "sân khấu" cho Nga và Iran, càng khiến Tehran thêm tự tin.
Xem ra, cả hai đều đã có những tính toán sai lầm về ý định của đối phương. Ông Trump thì đã thiếu nhất quán và không có một chiến lược rõ ràng, cương quyết với Iran ngay từ đầu, để rồi đột ngột tung ra một đòn choáng váng khiến không ít người trong chính giới lãnh đạo Mỹ cũng bất ngờ.
Iran, trong khi đó, tưởng tổng thống Mỹ chỉ la lối trên Twitter, để rồi mất đi viên chiến tướng, và giờ thì tình thế đang trở nên hung hiểm hơn bao giờ hết, không chỉ cho các bên liên quan trực tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận