Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 9-1 - Ảnh: REUTERS
Theo Đài CBS News, nghị quyết trên - dựa theo bản gốc là nghị quyết quyền lực chiến tranh năm 1973 - đã được thông qua tại Hạ viện Mỹ ngày 9-1 với 224 phiếu thuận và 194 phiếu chống. Nghị quyết sẽ chuyển tới Thượng viện Mỹ.
Nghị quyết này được đưa ra nhằm cản trở khả năng ông Trump sử dụng hành động quân sự chống lại Iran trong tương lai mà không có sự tán thành của Quốc hội Mỹ.
Nghị quyết được các thành viên Đảng Dân chủ công bố sau khi Tổng thống Trump ra lệnh tiến hành vụ không kích nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq hôm 3-1, giết chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, thiếu tướng Qasem Soleimani.
Vụ việc đã khiến căng thẳng Mỹ - Iran dâng cao. Giới quan sát lúc bấy giờ đánh giá cuộc không kích đã đẩy Mỹ và Iran tới miệng hố chiến tranh. Hôm 8-1, Iran đã trả đũa bằng cách nã hơn chục tên lửa vào các căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq, nhưng không khiến người Mỹ nào thiệt mạng.
Các thành viên Đảng Dân chủ đã kịch liệt chỉ trích chính quyền ông Trump vì không hỏi ý kiến Quốc hội về vụ không kích giết tướng Soleimani, đồng thời cáo buộc ông Trump thiếu thận trọng khi đưa ra quyết định như vậy.
"Người Mỹ không muốn chiến tranh với Iran. Với nghị quyết này, chúng ta bác bỏ quyền lực của tổng thống trong việc phát động một cuộc chiến như vậy" - chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel nói.
Nếu được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua, nghị quyết trên sẽ không cần ông Trump ký để có hiệu lực. Nghị quyết này được biết tới là "nghị quyết đồng lòng". Tuy nhiên, nghị quyết này sẽ gây ra nhiều tranh cãi vì không ràng buộc và phần lớn là mang tính biểu tượng.
Trong cuộc bỏ phiếu trên, đã có một số bất đồng bên trong nội bộ hai đảng. Có 3 thành viên thuộc Đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump đứng về phía Đảng Dân chủ tán thành nghị quyết, trong khi 8 thành viên Đảng Dân chủ đứng về phe Đảng Cộng hòa phản đối nghị quyết.
Về phía Tổng thống Trump, đầu ngày 9-1, ông thúc giục các thành viên Đảng Cộng hòa bỏ phiếu phản đối nghị quyết trên. Ông còn viết trên Twitter tuyên bố đồng ý với cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton rằng nghị quyết quyền lực chiến tranh năm 1973 "nên bị hủy bỏ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận