25/03/2014 08:04 GMT+7

Mỹ đưa phương tiện dò tìm MH370 đến Ấn Độ Dương

Đ.PHƯƠNG - HẢI MINH
Đ.PHƯƠNG - HẢI MINH

TTO - Mỹ đưa dụng cụ định vị hộp đen và phương tiện dò tìm không người lái dưới đáy biển đến nam Ấn Độ Dương để tìm kiếm hộp đen của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 sau khi nhà chức trách Malaysia tuyên bố máy bay đã “kết thúc” tại vùng biển này.

MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương, không còn ai sống sót Chi phí tìm kiếm MH370 có thể tốn kém nhất lịch sửÚc trực tiếp thấy nhiều mảnh vỡ trong khu vực tìm kiếm MH370

tBSKFcPr.jpgPhóng to
Các điều tra viên Anh đã xác định điểm cuối cùng của MH370 là dưới đáy Ấn Độ Dương - Ảnh: thestar.com.my

Malaysia Airlines cho biết không còn hi vọng có ai đó trên máy bay sống sót và nhắn tin chia buồn đến với các thân nhân của 239 nạn nhân trên chuyến bay MH370.

“Chúng ta có hơn 200 gia đình đau khổ trước tin xấu xảy đến với gia đình của họ. Họ mới nhận được tin xấu từ chính phủ Malaysia… Cả thế giới cùng chia sẻ nỗi đau với họ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói.

Theo phân tích mới của Chi nhánh Điều tra tai nạn Hàng không nước Anh và Công ty vệ tinh Inmarsat, có thể kết luận rằng MH370 đã bay dọc hành lang phía nam và vị trí cuối cùng của nó là ở giữa Ấn Độ Dương, phía tây thành phố Perth của Úc.

Lầu Năm Góc cho biết hai dụng cụ dò tìm trên sẽ đến thành phố Perth trong hôm nay (25-3). Dụng cụ dò tìm dưới đáy biển Bluefin chỉ dài 5m, nặng khoảng 800kg và có thể hoạt động hơn một ngày với tốc độ chậm. Trước kia quân đội Mỹ cho Pháp mượn dụng cụ dò tìm này để truy tìm chiếc hộp đen của máy bay Air France rơi ở Đại Tây Dương hồi tháng 6-2009.

Các nhà điều tra hi vọng có thể tìm ra hộp đen trước khi bộ ghi âm buồng lái và dữ liệu chuyến bay mờ dần. Thông thường thời gian này vào khoảng 30 ngày.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cho biết công nghệ tìm kiếm của Mỹ chỉ có thể tìm kiếm khi phạm vi tìm kiếm được thu hẹp lại. Theo ông Kirby, để sử dụng hiệu quả công nghệ này, chúng ta phải xác định được khu vực dưới đáy biển mà chúng ta muốn tìm kiếm.

Công tác tìm kiếm tạm ngưng vì thời tiết xấu

Ttrong khi đó, thời tiết mưa bão đã khiến các hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines tại Ấn Độ Dương phải tạm ngưng trong ngày 25-3, CNN dẫn lời nhà chức trách.

hzRMkzrb.jpgPhóng to
Thân nhân của hành khách Trung Quốc trên chiếc máy bay MH370 ngã vật tại khách sạn Lido (Bắc Kinh - Trung Quốc) sau khi nghe tin dữ từ chính quyền Malaysia - Ảnh: Reuters

Mưa gió dữ dội, sóng lớn và mây đen trong khu vực này “sẽ khiến các hoạt động tìm kiếm trên không và trên biển rất nguy hiểm cho các nhân viên tìm kiếm”, Cục an toàn hải dương Úc thông báo. Tàu và máy bay sẽ chỉ nối lại các hoạt động tìm kiếm trong ngày 26-3.

Với gia đình các nạn nhân, đây lại là một tin xấu nữa sau tin tức kinh hoàng mà họ nhận từ Thủ tướng Malaysia Najib Razak tối ngày 24-3, trong đó ông xác nhận chiếc máy bay đã rơi xuống Ấn Độ Dương và toàn bộ hành khách cùng phi hành đoàn đã thiệt mạng.

“Con trai, con dâu và cháu tôi đều trên máy bay. Cả ba thành viên gia đình đã mất. Tôi chẳng còn gì!” CNN dẫn lời một phụ nữ nói ở Bắc Kinh. Một phụ nữ khác gào thét trong phòng họp báo và vẫn nghi ngờ về kết luận của phía Malaysia. “Bằng chứng đâu. Các người còn chưa xác nhận các vật thể tình nghi mà đã nói với chúng tôi không ai còn sống”.

Một ủy ban đại diện cho một gia đình trong số 154 hành khách Trung Quốc trên máy bay đã chỉ trích dữ dội chính quyền Malaysia trong một tuyên bố, cáo buộc nhà chức trách trì hoãn việc tìm kiếm và che đậy thông tin.

“Nếu 154 người thân của chúng tôi trên máy bay thiệt mạng vì những lý do đó, thì chính quyền Malaysia, Malaysia Airlines và quân đội Malaysia là những kẻ sát nhân thực sự”, tuyên bố trên kênh truyền hình Trung Quốc CCTV nói.

Cảnh sát Malaysia đã thẩm vấn hơn 50 người trong cuộc điều tra chiếc máy bay mất tích, hãng tin nhà nước Malaysia Bernama dẫn lời Chánh thanh tra cảnh sát Tan Sri Khalid Abu Bakal. Ông Khalid nói cảnh sát tập trung vào bốn khả năng giải thích cho nguyên nhân vụ tai nạn: cướp máy bay, phá hoại, các vấn đề tâm lý hay cá nhân của hành khách và/hoặc phi hành đoàn.

“Những vụ việc như thế này có thể mất hàng năm trời”, ông Khalid nói. “Nên xin đừng kết luận ngay lập tức rằng cảnh sát quá chậm chạp”.

Trong bài phát biểu, ông Najib không nêu nguyên nhân vụ tai nạn cũng như không giải thích chi tiết tại sao Malaysia đã kết luận chiếc máy bay chìm dưới đáy Ấn Độ Dương, mà chỉ nói là nhờ “những dữ liệu mới nhất từ Cơ quan điều tra tai nạn hàng không Anh”.

Có thể phi công tự sát

Báo Anh Telegraph ngày 25-3 dẫn một nguồn tin mà họ nói “quen thuộc với cuộc điều tra” nói vụ tai nạn MH370 có thể do phi công tự sát.

Tổ điều tra cho rằng không có hỏa hoạn hay hư hỏng gì khiến chuyến bay thay đổi hành trình đột ngột như thế cũng như tự tắt các hệ thống liên lạc và chuyển hướng bay suốt bảy tiếng đồng hồ trong thinh lặng trên bầu trời đại dương bao la. Các phân tích với hướng bay, tín hiệu và thông tin liên lạc trên máy bay cho thấy nó đã được điều khiển “một cách có chủ ý”.

“Đây là hành động cố ý của một ai đó trên máy bay hiểu biết chi tiết về việc phải làm gì…”, Telegraph dẫn lời nguồn tin của họ.

Ngày 24-3, lần đầu tiên Malaysia Airlines tiết lộ Fariq Abdul Hamid, viên phụ lái 27 tuổi, mới lần đầu bay một chiếc Boeing 777 với đầy đủ trách nhiệm phụ lái. Fariq vào làm ở Malaysia Airlines bảy năm trước và có 2.763 giờ bay, nhưng đây mới là lần thứ sáu anh vào buồng lái một chiếc 777, và lần đầu tiên anh vào vai phụ lái mà không có một phi công kinh nghiệm nữa (trừ cơ trưởng) ở bên cạnh để kiểm tra và hướng dẫn.

Nhưng các chuyên gia cũng nói việc một phụ lái thiếu kinh nghiệm có thể không phải là rủi ro.

Cảnh sát Malaysia cũng đã điều tra kỹ nhân thân của Fariq và cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi, theo Telegraph, và kết luận họ không có liên hệ gì với khủng bố hay các vấn đề tâm lý.

Đ.PHƯƠNG - HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên