02/06/2018 13:19 GMT+7

Mỹ đổi giọng nhanh chóng với Triều Tiên

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Có vẻ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12-6 tới là chuyện "không còn thể đảo ngược" khi hai bên đã có những nhượng bộ và chấp nhận đó là một tiến trình dài.

Mỹ đổi giọng nhanh chóng với Triều Tiên - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump đón tiếp ông Kim Yong Chol tại Nhà Trắng ngày 1-6 dù ông Kim vẫn còn nằm trong danh sách bị trừng phạt của Mỹ - Ảnh: REUTERS

Là một doanh nhân lão luyện, Tổng thống Donald Trump đang áp dụng cung cách đàm phán của dân kinh doanh vào chuyện chính trị.

Mọi thương lượng, thảo luận của ông và đội ngũ của ông đều như những cuộc ngã giá nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho nước Mỹ, nếu không là những lợi ích kinh tế cụ thể thì cũng là những lợi thế quan hệ.

Theo lối tư duy đó, mục đích biện minh cho hành động.

Nếu nhìn theo góc độ đó người ta sẽ dần không còn bị thất vọng hay chưng hửng với kiểu như "hủy họp" bất ngờ vốn là cách quyết định thường thấy của phía Triều Tiên.

Ông Trump vẫn thích ra đòn trước, chơi cao cơ hơn đối thủ/đối tác như xuyên suốt quá trình làm giàu của ông trước đây.

Cứ xem lại toàn bộ quá trình chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Tám ngày sau khi thông báo hủy cuộc gặp, Tổng thống Trump đã lại bỏ qua mọi quy định và trải thảm đỏ đón ông Kim Yong Chol - người hiện đang nằm trong danh sách bị Mỹ trừng phạt.

Ông Kim Yong Chol - phó chủ tịch ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên chuyên trách vấn đề liên Triều - là quan chức cấp cao nhất của Triều Tiên đặt chân đến Mỹ, cũng là quan chức đầu tiên chính thức thăm Mỹ trong 18 năm qua.

Mỹ đổi giọng nhanh chóng với Triều Tiên - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) cùng ông Kim Yong Chol (bìa trái) - phó chủ tịch ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - người đã góp phần tích cực cho cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều đang được chuẩn bị tích cực - Ảnh: REUTERS

Sau cuộc trao đổi khoảng 80 phút với quan chức Triều Tiên trong ngày 1-6 (giờ địa phương), Tổng thống Trump khẳng định Mỹ và Triều Tiên sẽ "bắt đầu một mối quan hệ" vào ngày 12-6 và bày tỏ hi vọng đạt "kết quả rất tích cực" với Triều Tiên dù không mong đạt đột phá tại Singapore.

"Tôi nghĩ rằng đây sẽ là một tiến trình. Tôi chưa bao giờ nói rằng mọi chuyện sẽ có thể giải quyết trong một cuộc họp. Nhưng các mối quan hệ đang được xây dựng và đó là một điểm lớn tích cực" - Tổng thống Donald Trump phát biểu với giới truyền thông ngày 1-6 sau cuộc gặp lãnh đạo cao cấp của Triêu Tiên

Có thông tin cho rằng sau cuộc gặp với "cánh tay mặt" của ông Kim Jong Un, hai bên vẫn còn khoảng cách về chuyện phi hạt nhân hóa hoàn toàn đổi lấy đảm bảo về an ninh.

Khi được hỏi về độ thành thật của Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa, ông Trump dầu vậy lại tỏ ra tự tin: "Tôi nghĩ họ muốn làm điều đó. Tôi biết họ muốn làm điều đó. Họ muốn những chuyện khác vào một thời điểm thích hợp. Họ muốn đất nước phát triển như mọi quốc gia khác. Chuyện đó sẽ làm được. Tôi không mảy may nghi ngờ".

Đây là sự thay đổi tông giọng một cách ngoạn mục của một vị tổng thống mới năm ngoái còn đe dọa giội "hỏa lực và thịnh nộ chưa từng thấy" xuống Triều Tiên.

Và dường như không có gì lạ với kiểu cách nói lấp lửng của ông Trump để suy diễn sao thì ông cũng còn đường lùi.

Có thể thấy cách đàm phán của ông là đặt ra mục đích mong muốn nhưng trước đàm phán thì đưa ra yêu cầu cực cao để cuối cùng vẫn đạt được mục đích đặt ra.

Trước đây, ông từng nói rằng sẽ không đến gặp ông Kim nếu "ra về tay không". Giờ đây, sau khi gặp ông Kim Yong Chol, ông Trump tuyên bố thẳng tưng: "Chúng tôi đã bàn về nhiều chuyện. Sẽ có thỏa thuận lớn vào ngày 12-6. Nhưng xin nhắc lại đó là một tiến trình. Chúng tôi không phải đến đó để ký kết điều gì đó vào ngày 12-6 mà là chúng tôi bước vào một tiến trình".

Ông còn nhấn mạnh, cũng vẫn kiểu lấp lửng: "Chúng ta có thể tiến nhanh. Chúng ta có thể tiến chậm. Nhưng tôi nghĩ họ (phía Triều Tiên) muốn được nhìn thấy chuyện gì đó xảy ra cụ thể và nếu chúng tôi có thể làm cho chuyện đó xảy ra thì sẽ rất tuyệt".

Mỹ đổi giọng nhanh chóng với Triều Tiên - Ảnh 3.

Mong muốn đánh đổi từ bỏ hạt nhân của Triều Tiên là được đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế - Ảnh: REUTERS

Nhưng bấy nhiêu cũng đã làm cho "trung gian" Hàn Quốc sướng vui nghĩ về một tương lai tốt đẹp.

Người phát ngôn Phủ tổng thống Hàn Quốc Kim Eui phát biểu sau thông báo từ ông Trump: "Dường như con đường tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được mở rộng. Chúng tôi hào hứng, song bình tĩnh chờ đợi cuộc gặp lịch sử sẽ được tổ chức ở Singapore này".

Tuyên bố trên được đưa ra sáng nay 2-6, ít giờ sau khi Tổng thống Mỹ thông báo ông và nhà lãnh đạo Kim Jong Un "sẽ gặp nhau" và thậm chí cho biết không muốn sử dụng cụm từ "sức ép tối đa" thêm nữa, bởi mối quan hệ Mỹ - Triều đang được cải thiện rõ rệt.

Nhà lãnh đạo Mỹ lưu ý rằng ông có "hàng trăm biện pháp trừng phạt mới" sẵn sàng áp đặt nhằm vào Triều Tiên nhưng sẽ tạm hoãn việc này.

Mỹ trì hoãn trừng phạt Triều Tiên trước hội đàm thượng đỉnh Mỹ trì hoãn trừng phạt Triều Tiên trước hội đàm thượng đỉnh Giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên có thể mất tới 15 năm Giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên có thể mất tới 15 năm Vì sao lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhanh chóng gặp lại nhau? Vì sao lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhanh chóng gặp lại nhau?
HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên