Người nông dân ở Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc hứa hẹn sẽ giúp mang lại sự thịnh vượng cho người dân Triều Tiên nếu lãnh đạo nước này chấp nhận từ bỏ hạt nhân. Ảnh: AP
Theo Quỹ nghiên cứu Heritage của Mỹ, chỉ số tự do kinh tế của Triều Tiên thấp nhất thế giới trong năm 2018 với 5,8 điểm. Thương mại của nước này bị hạn chế rất nhiều bởi các hành động của chính quyền lẫn lệnh cấm vận của cộng đồng quốc tế.
Chính quyền cho phép nước ngoài tham gia hạn chế vào nền kinh tế thông qua các đặc khu kinh tế và phê duyệt theo từng trường hợp một.
Vẫn lệ thuộc nặng vào Trung Quốc
Theo Hội đồng Quan hệ đối Ngoại (CFR), một tổ chức nghiên cứu độc lập có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ, trong những năm gần đây, bất chấp Bắc Kinh không hài lòng về việc Kim Jong Un vẫn duy trì tham vọng hạt nhân, sự kết nối giữa Trung Quốc và Triều Tiên vẫn đang gia tăng. Trung Quốc cung cấp cho Triều Tiên hầu hết thực phẩm và năng lượng, chiếm hơn 90% tổng thương mại của Triều Tiên.
Trong ba quý đầu năm 2017, nhập khẩu của Trung Quốc từ Triều Tiên giảm 16,7% trong khi xuất khẩu tăng 20,9%. Dù Trung Quốc công bố hạn chế thương mại với các mặt hàng dệt may, hải sản, các sản phẩm dầu, vẫn có nhiều thông tin tiết lộ các doanh nghiệp Triều Tiên vẫn đang hoạt động ở Trung Quốc.
Trong tháng 9-2015, hai quốc gia khai trương tuyến đường vận tải hàng hóa trên biển để thúc đẩy xuất khẩu than đá của Triều Tiên sang Trung Quốc và Bắc Kinh thành lập một tuyến tàu cao tốc ở biên giới tỉnh Đan Đông và Thẩm Dương của Trung Quốc.
Tháng 10-2015, hai bên khai trương khu thương mại Guomenwan ở biên giới hai nước, đặt ở thành phố Đan Đông với ý định tăng cường sự liên kết kinh tế song phương, giống như khu kinh tế Rason và khu hành chính đặc biệt Sinujju được thành lập ở Triều Tiên đầu những năm 1990 và năm 2002.
Đan Đông là một trung tâm thương mại, đầu tư, và du lịch giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Trao đổi thương mại của Đan Đông với Triều Tiên chiếm 40% tổng thương mại của thành phố này vào năm 2015. 70% thương mại trong và ngoài nước Triều Tiên được thực hiện qua thành phố Đan Đông của Trung Quốc và đặc khu hành chính Sinujiu của Triều Tiên trong năm 2016.
Ngoài ra, sự trao đổi buôn bán không chính thức dọc biên giới Trung - Triều các mặt hàng như dầu, hải sản, tơ tằm, và điện thoại cho thấy vấn đề buôn lậu vẫn tiếp diễn bất chấp Trung Quốc siết chặt cấm vận.
Bắc Kinh cung cấp viện trợ trực tiếp cho Bình Nhưỡng, phần lớn là viện trợ thực phẩm và năng lượng. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Mỹ cung cấp hơn 75% viện trợ thực phẩm cho Triều Tiên từ năm 1995 tuy nhiên viện trợ của những nước này (ngoại trừ Trung Quốc) đã suy giảm mạnh kể từ sự thất bại của Đối thoại 6 Bên năm 2009.
Triều Tiên, từng lâm vào nạn đói những năm 1990 khiến khoảng 800.000 - 2.400.000 người thiệt mạng. Nước này cũng liên tục đối mặt với nạn hạn hán và lụt lội nặng nề, làm hư hại nghiêm trọng mùa màng, đe dọa an ninh lương thực.
Các cơ quan Liên Hiệp Quốc ước tính có đến 70% dân số Triều TIên hoặc 8 triệu người bị suy dinh dưỡng và không được đảm bảo về lương thực.
Ngoài ra cũng có quan ngại về sự phân phối viện trợ ở Triều Tiên, nhất là kể từ khi Trung Quốc không có hệ thống giám sát các chuyến chở hàng viện trợ.
Hàn Quốc hứa xây đường bộ, đường sắt
Theo The New York Times, trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cuối tháng 4-2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã trao cho ông Kim Jong Un một thẻ nhớ USB chứa các biểu đồ và video clip về lộ trình phát triển kinh tế mới cho bán đảo Triều Tiên, bao gồm các đường ray xe lửa mới và các nhà máy năng lượng cho Triều Tiên nếu ông Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Cũng trong cuộc gặp với ông Moon, ông Kim thừa nhận về tình trạng "đáng xấu hổ" của hệ thống đường và đường sắt của nước này.
Ngoài ra, các xe lửa chạy bằng điện vẫn là phương tiện di chuyển chính ở Triều Tiên, chuyên chở 90% hàng hóa và 60% hành khách, theo ông Ahn Byung-min, chuyên gia cấp cao của Học viện Vận tải Hàn Quốc.
Tuy nhiên, hệ thống đường sắt của Triều Tiên xuống cấp và lạc hậu đến nỗi tuyến nhanh nhất chạy đến biên giới Trung Quốc từ Bình Nhưỡng chỉ có tốc độ 45km/h trong khi các tuyến đường sắt còn lại có tốc độ bằng một nửa.
Do thiếu tiền nhập khẩu dầu, Triều Tiên sản xuất điện từ các đập thủy điện và các nhà máy nhiệt điện than. Tuy nhiên, nền công nghiệp năng lượng của nước này bị mắc kẹt trong một vòng lẩn quẩn, theo các chuyên gia năng lượng. Sự thiếu hụt điện nghiêm trọng khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất than và vận chuyển nó đến các nhà máy năng lượng.
Nhiều người dân vẫn dùng củi để sưởi ấm và nấu nướng làm trọc những ngọn đồi.
Mỹ xây dựng lại kinh tế cho Triều Tiên?
"Tôi thành thật tin rằng Triều Tiên có tiềm năng xán lạn và sẽ trở thành một quốc gia hùng mạnh về kinh tế và tài chính một ngày nào đó," Trump tweet hôm 27-5. "Kim Jong Un đồng ý với tôi về quan điểm này".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đề ra một lộ trình chi tiết hơn để giúp nền kinh tế Triều Tiên.
"Chúng tôi có thể tạo ra các điều kiện để giúp tạo ra sự thịnh vượng kinh tế thật sự cho người dân Triều Tiên và cạnh tranh với Hàn Quốc," ông Pompeo khẳng định khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình đầu tháng 5.
"Đó sẽ không là những người trả thuế ở Mỹ. Đó sẽ là những kinh nghiệm, kiến thức, những doanh nhân và những người chấp nhận rủi ro cùng hợp tác với người dân Triều Tiên để tạo ra một nền kinh tế vững mạnh cho người dân Triều Tiên".
Theo đề nghị của ông Pompeo, Mỹ sẽ giúp xây dựng hệ thống năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp những trang thiết bị và công nghệ nông nghiệp hiện đại nhất cho Triều Tiên để "người Triều Tiên có thể ăn thịt và có cuộc sống khỏe mạnh".
Bình Nhưỡng không quan tâm đến sự giúp đỡ của Mỹ
Theo chính sách "gây áp lực tối đa" của Trump, các cấm vận của quốc tế lên Triều Tiên là nặng nề hơn bao giờ hết. Việc dỡ bỏ cấm vận sẽ mở ra cánh cửa cho Triều Tiên có nhiều hoạt động thương mại hơn với Trung Quốc, Hàn Quốc, và có thể là Nga và mở ra sự kết nối với các định chế tài chính toàn cầu.
Dù có nhu cầu thật sự thu hút đầu tư nước ngoài, chế độ của ông Kim có lý do lo sợ về viện trợ kinh tế nói chung. Mở cửa viện trợ nghĩa là ở một mức độ nào đó gia tăng sự liên hệ với những kẻ gây rối bên ngoài, những lời kêu gọi thay đổi, đánh mất sự kiểm soát. Tất cả những điều này đều được xem là sự đe dọa đối với sự cầm quyền gần như tuyệt đối của ông Kim.
Và thông điệp của Triều Tiên rất rõ ràng về vấn đề này. Hầu như ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Pompeo bắt đầu nói về kế hoạch tái xây dựng nền kinh tế Triều Tiên, ông Kim Kye Kwan, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên, đã đáp lời bằng cách khẳng định Bình Nhưỡng không quan tâm đến sự giúp đỡ trên của Mỹ.
"Chúng tôi không bao giờ mong đợi Mỹ sẽ giúp thực hiện xây dựng nền kinh tế của chúng tôi và chúng tôi sẽ không có bất cứ thỏa thuận nào như vậy trong tương lai," ông Kim Kye Kwan nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận