15/09/2017 12:15 GMT+7

Mỹ trả đũa Nga bằng cấm cửa Kaspersky

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Chính quyền Mỹ ngày 13-9 yêu cầu các cơ quan chính phủ gỡ bỏ tất cả phần mềm của Công ty an ninh mạng Kaspersky (Nga) vì lo ngại ảnh hưởng của Matxcơva.

Mỹ trả đũa Nga bằng cấm cửa Kaspersky - Ảnh 1.

Chính phủ Mỹ từ lâu đã lo ngại về Kaspersky - Ảnh: Reuters

Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) cho biết các cơ quan chính phủ liên bang có 30 ngày để rà soát và 90 ngày để gỡ bỏ và thay thế toàn bộ phần mềm của Kaspersky. 

Lệnh cấm chỉ áp dụng đối với các mạng chính phủ dân sự Mỹ bởi Bộ Quốc phòng, bao gồm Cơ quan An ninh quốc gia, trước đó đã không được phép xài Kaspersky. 

Đây là phản ứng cứng rắn mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump đáp trả các nguy cơ mạng từ Nga, dù các lo ngại đã âm ỉ trong Chính phủ Mỹ từ lâu.

Chống virút hay tình báo

"DHS quan ngại về mối quan hệ giữa một số quan chức Kaspersky với tình báo Nga và các cơ quan chính phủ khác, trong khi đó luật pháp Nga cho phép các cơ quan tình báo yêu cầu hoặc bắt buộc Kaspersky hỗ trợ, can thiệp vào các hệ thống mạng" - Reuters dẫn tuyên bố của DHS giải thích về quyết định. 

Theo Bộ trưởng DHS Elaine Duke, Chính phủ Nga, dù tự mình hành động hay phối hợp với Kaspersky, có thể thông qua các sản phẩm của Kaspersky xâm nhập các hệ thống thông tin, trực tiếp tác động đến an ninh quốc gia Mỹ.

Động thái của DHS diễn ra hai tháng sau khi Cơ quan dịch vụ công của Mỹ, cơ quan phụ trách thu mua của chính phủ, loại Kaspersky khỏi danh sách nhà cung cấp vì sợ công ty này có thể tạo ra cửa hậu để Nga xâm nhập hệ thống của Mỹ. 

Trước đó, các quan chức hành pháp liên bang Mỹ từ năm 2015 đã cảnh báo các nhân viên quốc hội không tiếp xúc với nhân viên Kaspersky vì sợ bị theo dõi. 

Kaspersky là công ty đa quốc gia cung cấp giải pháp an ninh mạng từ bảo mật Internet đến chống virút, quản lý mật khẩu, thành lập từ năm 1997.

Dù là một công ty Nga có trụ sở tại Matxcơva, 80% doanh thu của công ty là từ các thị trường ngoài Nga.

Sau giai đoạn bùng nổ 2005-2010, Kaspersky trở thành một trong những công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực an ninh mạng với doanh thu 700 triệu USD vào năm 2014 và có hơn 400 triệu người sử dụng tính đến năm 2016.

Tuần trước, nhà bán lẻ điện tử hàng đầu của Mỹ Best Buy cũng tuyên bố tẩy chay Kaspersky.

Điều đó lý giải vì sao Kaspersky là một trong những công ty an ninh mạng lớn và lâu đời nhất thế giới, cung cấp giải pháp an ninh cho hơn 400 triệu khách hàng toàn cầu, tuy nhiên lại chưa bao giờ là khách hàng lớn của Chính phủ Mỹ.

Ngay lập tức, công ty công nghệ Nga bác bỏ các cáo buộc "sai trái và không chính xác" bởi "chưa từng có bằng chứng đáng tin cậy nào được công khai từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào" về việc này. Kaspersky cũng khẳng định không có liên hệ với bất cứ chính phủ nào. 

Dù vậy, lời thanh minh khó thuyết phục được Washington khi mà nhà sáng lập công ty, Eugene Kaspersky, tốt nghiệp từ một trường đào tạo mật mã do Cơ quan tình báo KGB, tiền thân của FSB, bảo trợ và từng làm việc trong tình báo quân sự Nga.

Bước đi cứng rắn

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga gia tăng do những cáo buộc Matxcơva can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. 

Đáp trả động thái của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 14-9 nhắc nhở Washington về các nguyên tắc cạnh tranh công bằng.

"DHS nói rằng các sản phẩm của Kaspersky đe dọa an ninh. (Nhưng) tất cả chỉ là về cạnh tranh công bằng, không gì hơn", tờ Tass dẫn lời bà Zakharova. 

Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Mỹ chỉ trích việc cấm cửa Kaspersky chỉ thêm cản trở việc khôi phục quan hệ song phương. "Các bước này chỉ gây hối tiếc" - tuyên bố của Đại sứ quán Nga viết.

Một số chuyên gia lo ngại việc Washington đưa Kaspersky vào danh sách đen có thể dẫn đến trả đũa từ Matxcơva. 

Tuy nhiên, điều phối viên an ninh Nhà Trắng Rob Joyce khẳng định cần có các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chính phủ, cho rằng việc bị Nga thu thập thông tin là "nguy cơ không thể chấp nhận được". 

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen cũng cho rằng mối liên hệ giữa Kaspersky và Điện Kremlin rất đáng báo động. 

Bà là người đã đề xuất sửa đổi đạo luật ủy nhiệm quốc phòng 2018 nhằm cấm sử dụng sản phẩm của Kaspersky trong Bộ Quốc phòng và toàn bộ chính phủ.

Nạn nhân?

Bloomberg hồi tháng 7-2017 đưa tin đã nhìn thấy các bức thư điện tử giữa nhà lãnh đạo Eugene Kaspersky và thành viên cấp cao của công ty vạch ra một dự án an ninh bí mật theo yêu cầu của Cơ quan tình báo Nga FSB.

Các công cụ này được cho là không chỉ chống các vụ tấn công mạng, mà còn thu thập thông tin của các tin tặc và chuyển về cho tình báo Nga, theo BBC.

Kaspersky khi đó cho rằng thông tin đã bị bóp méo và khẳng định mình là nạn nhân trong trò chơi chính trị giữa Nga và Mỹ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên