01/02/2022 07:52 GMT+7

Mỹ, Anh và Canada bổ sung biện pháp trừng phạt với nhiều cá nhân ở Myanmar

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Một năm sau ngày quân đội thâu tóm quyền lực ở Myanmar khiến quốc gia Đông Nam Á rơi vào hỗn loạn, Mỹ, Anh và Canada đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt với bổ sung với một số quan chức Myanmar.

Mỹ, Anh và Canada bổ sung biện pháp trừng phạt với nhiều cá nhân ở Myanmar - Ảnh 1.

Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing - Ảnh: REUTERS

Trước đó, các nước đã đưa ra biện pháp trừng phạt với Thống tướng Min Aung Hlaing và nhiều quan chức tư pháp liên quan đến các vụ truy tố chống lại bà Aung San Suu Kyi.

Theo quyết định mới nhất, Bộ Tài chính Mỹ đã thêm tổng cộng bảy cá nhân và hai thực thể vào danh sách trừng phạt của nước này.

Trong số các cá nhân bị Mỹ liệt vào danh sách trừng phạt có chánh án Tòa án tối cao Myanmar, chủ tịch Ủy ban chống tham nhũng, những người bị cho là liên quan đến việc truy tố bà Suu Kyi và các nhà lãnh đạo đảng của bà.

Ngoài ra, còn có Tay Za, một người bị xem là nhà buôn vũ khí và hai con trai của ông này và Jonathan Myo Kyaw Thaung, giám đốc Công ty dịch vụ hậu cần KT Services & Logistics Company Ltd, công ty được cho là cung cấp hỗ trợ tài chính cho quân đội.

Cùng với quyết định này, Mỹ sẽ đóng băng bất kỳ tài sản nào liên quan đến danh sách bị trừng phạt và thường cấm người Mỹ giao dịch với các thực thể và cá nhân này.

Quân đội Myanmar đã bắt giữ bà Suu Kyi và các thành viên của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà kể từ ngày 1-2-2021.

Quân đội lấy lý do đã có gian lận trong cuộc bầu cử vào tháng 11-2020 trong đó NLD giành chiến thắng lớn mặc dù các quan sát viên cho biết cuộc bỏ phiếu phản ánh ý chí của người dân Myanmar.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hành động phối hợp của ba nước Mỹ, Anh, Canada thể hiện sự ủng hộ của quốc tế với người dân Myanmar và sẽ "thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm giải trình với cuộc đảo chính và bạo lực do quân đội cầm quyền gây ra".

Cho đến nay, có gần 1.500 người thiệt mạng và 10.000 người bị quân đội bắt giữ. Ngày 31-1, một nhóm điều tra viên của Cơ quan Điều tra độc lập về Myanmar của Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang chuẩn bị các hồ sơ để có thể tạo điều kiện cho việc truy tố những người chịu trách nhiệm cho những hành vi tàn bạo trong năm qua ở Myanmar

Bà Suu Kyi đang bị xét xử với nhiều tội danh và cho đến nay đã bị tuyên án 6 năm tù dù bà phủ nhận các cáo buộc.

Trong tuyên bố ngày 31-1 với nội dung lên án các lãnh đạo quân sự của Myanmar, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Chừng nào chế độ cầm quyền ở Myanmar tiếp tục phủ nhận tiếng nói dân chủ của người dân, chúng tôi sẽ tiếp tục gây thêm tốn kém cho quân đội và những người ủng hộ họ".

Canada thông báo họ đã thêm ba quan chức tư pháp vào danh sách trừng phạt của mình. Anh trừng phạt tổng chưởng lý quân đội và chủ tịch ủy ban chống tham nhũng và chủ tịch ủy ban bầu cử của Myanmar.

Myanmar trải thảm đỏ đón ông Hun Sen Myanmar trải thảm đỏ đón ông Hun Sen

TTO - Thủ tướng Campuchia Hun Sen là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến Myanmar kể từ sau cuộc chính biến đầu năm ngoái.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên