21/12/2021 12:44 GMT+7

Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ cuối: Biển cá sinh sôi, làng chài mới ấm no

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Người Mỹ Á có thể không có thuyền to máy nghìn mã lực như những làng chài khác, nhưng họ có niềm tự hào khi bao đời nay nói không với giã cào. Họ vẫn 'chung thủy' với lưới vây, lưới cảng, lưới rút để bảo vệ biển, giữ gìn cho đàn cá sinh sôi...

Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ cuối: Biển cá sinh sôi, làng chài mới ấm no - Ảnh 1.

Bao đời ngư dân Mỹ Á vẫn giữ lời thề không bắt cá con - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Nguyễn Xết, vạn trưởng làng Hải Tân (phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), bảo rằng làng không giàu sụ nhưng cuộc sống vẫn no đủ từ biển.

"Cái nghề ngư dân Mỹ Á đang làm không tận diệt thủy sản. Chúng tôi chỉ đánh bắt những đàn cá lớn. Cá nhỏ chúng tôi không bắt" - ông Xết tự hào.

Manh lưới tổ tiên truyền đời

Từng ra khơi đánh bắt trên con tàu của ngư dân Mỹ Á, chúng tôi thấy rõ họ sống hòa hợp với thiên nhiên như thế nào. 

Hôm đó, tàu cá QNg 989.36 của thuyền trưởng Lê Tấn Công đánh bắt cá cơm, trong đàn cá dính lưới ấy có những con cá hố nhỏ. Khi xúc lên tàu, lập tức những ngư dân nhẹ nhàng thả chúng lại biển. Với thuyền trưởng Công, đó là trách nhiệm của bất cứ tàu thuyền nào ở Mỹ Á khi ra khơi. 

"Mấy ông không để ý chứ ở cảng Mỹ Á này không bao giờ có những con cá nhỏ bán buôn. Tàu nào mang cá đó về lập tức bị tẩy chay. Người làng sẽ không cho dự lễ tế thần Nam Hải" - thuyền trưởng Công nói.

Lệ làng như lời thề khắc sâu trong cộng đồng. Hết đời này đến lớp ngư dân nọ cứ bảo ban nhau về những quy định ấy. Những người già nhất ở Mỹ Á cũng không thể nhớ được quy định ấy có từ bao giờ. Họ chỉ biết rằng từ cái thời cơ hàn, đi chiếc thuyền nan, vật lộn kiếm vài con cá cũng chẳng ai dám đánh bắt cá nhỏ. 

Với người Mỹ Á, làm như vậy là có lỗi với biển mẹ, có lỗi với tiền hiền, tổ tiên làng chài can trường này.

Ra khơi bỏ qua luồng cá nhỏ, đến mùa cá sinh sản, những chiếc tàu đánh bắt ở vùng lộng (đánh bắt gần bờ) neo mình nơi bến cảng ba tháng. Ông Xết bảo rằng đó là tập tục thành truyền thống ở vùng biển này. Trong bài tế thần Nam Hải hằng năm, người Mỹ Á cũng khấn nguyện thần bảo hộ những đàn cá sinh sôi. 

"Biển cá có sinh sôi thì làng chài mới ấm no được" - ông Xết nói. Lời người trưởng vạn là đại diện cho tất cả những mong muốn của ngư dân làng chài. Họ đoàn kết trên biển, đoàn kết cả trong suy nghĩ.

Hôm mờ sáng, trở về cửa biển Mỹ Á, trên bến dưới thuyền quả thật không có lấy một con cá nhỏ, bán giá bèo bọt để... cho heo ăn như chúng tôi từng thấy ở các vùng biển đánh lưới giã cào. Manh lưới rút của làng chài Hải Tân chỉ thâu tóm những con cá lớn đi theo đàn. Nếu chẳng may đánh trúng đàn cá "thiếu nhi" người Mỹ Á sẵn sàng mở đáy cho cá thoát đi. 

Chính hôm đi trên tàu thuyền trưởng Công, chúng tôi cũng thấy một lần anh ra lệnh thu lưới khi phát hiện đấy là đàn cá sòng nhỏ.

Với ông Xết hay bất kỳ ngư dân nào ở Mỹ Á, sống chết gì cũng giữ tâm đức nghề truyền thống đã bao đời nuôi sống làng chài. Cái ngày những chiếc thuyền nan dọc ngang biển khơi, khổ cực hơn bây giờ nhiều. Nhưng rồi cứ ra biển với manh lưới rút, lưới cảng vẫn đủ ăn đủ mặc, nuôi được gia đình. 

Lão ngư Đặng Bài (74 tuổi) đã nghỉ biển gần 20 năm, chiếc tàu ngày nào của ông giờ cũng đã được cải hoán lớn hơn trước rất nhiều. Ông lão bảo thắt lưng buộc bụng lắm mới "cơi nới" sản nghiệp nhưng tuyệt nhiên không đổi nghề. 

"Lúc đó cũng có nhiều người bàn đổi sang tàu giã cào, con trai tôi về hỏi, tôi la cho một trận. Tôi không muốn nó vì hám lợi mà ra khơi tàn sát biển cả. Nó nghe lời nên giữ nguyên tàu lưới rút".

Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ cuối: Biển cá sinh sôi, làng chài mới ấm no - Ảnh 2.

Manh lưới rút vẫn được người Mỹ Á sử dụng trong đánh bắt để bảo vệ thủy sản - Ảnh: TRẦN MAI

Biển không phụ người biết giữ gìn

Bao thế hệ người Mỹ Á cứ thế mà gìn giữ nghề xưa như một sứ mệnh mà tổ tiên đã ủy thác. Ông Bài sáng nào cũng ôm radio ngồi trên bến cảng theo dõi thông tin trong và ngoài nước. 

Hôm ấy, đang trò chuyện thì đài phát chuyện thẻ vàng thủy sản của EU. Ông Bài cùng mấy ông bạn già lập tức dừng cuộc trò chuyện, chăm chú nghe. Đài chuyển sang câu chuyện khác, giọng bàn thảo bắt đầu rôm rả. 

"Chắc cũng giống như đá banh, rút thẻ vàng là cảnh cáo lỗi vi phạm. Nếu còn phạm lỗi sẽ bị thẻ đỏ là coi như nghỉ đá", ông Bài bảoMấy ông lão khác gật gù bởi cách lý giải đơn giản của bạn mình. 

Thế rồi họ trở về làng chài mình. Cả năm qua, khi Nhà nước tuyên truyền khai báo nguồn gốc thủy sản, cả làng đồng ý ngay. 

Chỉ tay về cuối cảng, nơi có kho xăng dầu và hệ thống cân thủy sản hiện đại, ông Bài tâm sự: "Ở đây bao đời buôn bán không dùng cân. Nay Nhà nước có quy định mới, tàu đi đánh bắt xa bờ về phải vào khai báo, đối chiếu với lịch trình khai thác do biên phòng nắm rồi cân bán cá. Cứ theo pháp luật mà làm. Vàng thật không sợ lửa, chỉ có mờ ám mới sợ thôi".

Chuyện những ông già Mỹ Á quan tâm đến thẻ vàng thủy sản khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi biết cả làng chài ai cũng biết chuyện đó. Họ có những trăn trở với thời cuộc. Như ông Xết đại diện làng chài tham gia cuộc họp với Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi bàn giải pháp khắc phục thẻ vàng thủy sản đã thẳng thắn nói về việc tận diệt thủy sản, ngư dân không ý thức trong việc đánh bắt. 

Trong cuộc họp, ông nói: "Lo nhất là ý thức của ngư dân. Chỉ khi nào ngư dân tự biết biển là nồi cơm thì sẽ không còn thẻ vàng nào cả".

Nhớ lại chuyện này, ông Phùng Đình Toàn, phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, tâm tình: "Phải nói Mỹ Á là cửa biển mà ngư dân nào cũng có ý thức. Bao đời nay, họ vẫn sống với biển một cách hài hòa. Làng chài nào cũng tâm huyết với biển như Mỹ Á thì tôi nghĩ EU sẽ không bao giờ rút thẻ vàng thủy sản với Việt Nam".

Mỹ Á, cảng biển hàng trăm năm ở xứ Quảng không trù phú với nhà cao tầng khắp làng. Những ngôi nhà ba gian lẩn khuất dưới tán dừa. Từ sau chiến cuộc, trở về khai khẩn lập làng đến tận ngày nay, biển khơi là nơi nuôi sống dân làng. Và dân làng lại dưỡng biển như trả lại ân tình. Manh lưới cảng khơi xa hay manh lưới rút gần bờ đều cùng chung mục đích mưu sinh và bảo vệ cá tôm.

Chúng tôi đem chuyện một làng chài tỉ phú vừa chứng kiến trận vỡ nợ chưa từng có: cả trăm gia đình rơi cảnh khốn khó, những con tàu nghìn mã lực hành nghề giã cào neo bờ, hàng loạt căn nhà khóa trái cửa, chủ nhân là những thuyền trưởng tỉ phú giờ lang bạt mưu sinh, kể cho người Mỹ Á nghe. 

Nhưng từ những lão ngư đến thuyền trưởng đương thời ở Mỹ Á đều không quá bất ngờ. Với họ, đó là sự giận dữ của biển mẹ, khi đàn con đã tàn phá biển khơi.

"Biển đã cạn kiệt rồi, tàu giã cào công suất lớn, chi phí cao, ra khơi không đánh bắt nhiều như trước thì vỡ nợ là tất yếu. Chính tàu giã cào tàn phá biển, giàu lên nhanh thì cũng nghèo đi chóng vánh. Biển mẹ trừng phạt người phá hoại và không phụ người biết giữ gìn bao giờ" - ông Xết hào sảng tâm sự.

Người Mỹ Á tự hào với nghề lưới rút, lưới cảng truyền thống của mình. Trong buổi chiều đầy gió, những chiếc thuyền lần lượt rời bến ra khơi. Họ mang theo những tấm lưới truyền đời thẳng về phía biển...

Làng chài này ở phường Phổ Quang hiện có 202 tàu cá với tổng công suất hơn 90.000 CV cùng gần 1.900 ngư dân đánh bắt trên biển. Sản lượng hải sản khai thác hằng năm trên 12.000 tấn, doanh thu khoảng 360 tỉ đồng.

Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ 4: Trên con tàu Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ 4: Trên con tàu 'vô địch làng chài'

TTO - 'Cá cá cá... nhanh nhanh bây ơi, bủa lưới, bủa lưới' - tiếng hét của thuyền trưởng tàu cá QNg 989.36, Lê Tấn Công (thôn Hải Tân, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), át cả tiếng sóng. Hàng chục ngư dân vui mừng lao về phía mũi tàu.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên