19/12/2021 12:17 GMT+7

Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ 3: Người Mỹ Á làm 'nhà' cho cá ở giữa biển

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Làng chài Mỹ Á vẫn còn giữ cách đánh bắt nghĩa tình cổ xưa. Mỗi bạn thuyền đều bỏ tiền góp lưới để ăn chia. Người nghèo khó cũng được hỗ trợ góp lưới để có một chân trên tàu ra khơi đánh bắt.

Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ 3: Người Mỹ Á làm nhà cho cá ở giữa biển - Ảnh 1.

Bữa cơm ấm áp tình bạn bè trên tàu cá của ngư dân Mỹ Á - Ảnh: TRẦN MAI

Nhờ đó mà người Mỹ Á không bao giờ sợ thiếu lao động bởi con tàu đó là của chung, mỗi ngư dân có một phần trách nhiệm và quyền lợi.

Bí quyết dụ cá của tổ tiên

Chúng tôi xin lên tàu cá QNg 985.30 do ngư dân Nguyễn Thành Phúc (35 tuổi, phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) rẽ sóng ra khơi để tận mắt xem cách ngư dân Mỹ Á "làm nhà cho cá ngụ" nổi tiếng xứ này. Tàu rời khỏi cảng, thuyền trưởng Phúc bấm tọa độ, tàu lao trên triền sóng. Đi chừng 10 hải lý, thuyền trưởng Phúc hạ ga, chiếc tàu chao đảo trên nền sóng khiến "lính mới" say đừ, cơn buồn nôn đến nhanh chóng, còn thuyền trưởng Phúc chỉ tay xuống mặt biển, bảo "Nhà của cá ở dưới đó".

Cố giằng cơn say sóng, tôi bước ra mạn tàu cố nhìn về hướng thuyền trưởng Phúc chỉ. Nhìn một hồi chẳng thấy tăm hơi gì, bất ngờ sóng ngụp xuống, lộ ra một thân tre, cắm sâu xuống lòng biển. Phút giây tích tắc ấy cũng cho chúng tôi một trải nghiệm thú vị về cách làm nhà cho cá ngụ. Người Mỹ Á gọi đó là chà, họ tạo ra giữa biển để cá về sinh sống. Sau khi cho chúng tôi quan sát kỹ, thuyền trưởng Phúc bắt đầu kể về "ngôi nhà của cá" đầy thú vị.

Cả một trời xưa cũ hiện về qua lời kể của người thuyền trưởng trẻ tuổi. Thuở xưa, cụ cố của thuyền trưởng Phúc cùng nhiều người làng lội bộ hơn 10km đến thôn Nho Lâm (xã Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ) tìm mua tre đằng ngà mang về làng. Rồi trai tráng Mỹ Á lại lội bộ 20km lên tận núi Eo Gió (xã Phổ Nhơn, thị xã Đức Phổ) cắt những nhánh cây chà là và đồng đình, rồi gánh oằn vai về lại Mỹ Á. Rồi họ lại vượt sông Thoa, sang núi Cửa cạy những tảng đá lớn, cùng nhau hợp sức khiêng xuống thuyền chở về Mỹ Á.

"Tôi nghe cha tôi kể, thời cụ cố, người Mỹ Á đã biết làm nhà cho cá ngụ rồi. Họ đục lỗ hai đầu thân tre, dùng tre chẻ lạt bện thành dây thừng. Sau đó buộc chà là, đồng đình dọc theo thân tre, đầu còn lại của thân tre được đục lỗ sẽ buộc lá. Những ngày yên sóng, cả làng chèo thuyền đến những vùng biển có rạn để hạ ba thân tre với đá tảng cố định dưới biển. Cá thấy bóng mát đến trú ngụ, sinh sản", ngư dân Phúc kể.

Cách đánh bắt ấy qua ngót trăm năm, nó giúp cho làng chài no ấm qua bao mùa nắng mưa. Bây giờ tàu to, máy tầm ngư giúp việc đánh bắt hiệu quả hơn xưa, nhưng ngư dân Mỹ Á vẫn giữ cách thức làm nhà cho cá ngụ ấy. Chỉ là việc dựng chà không còn vất vả như trước. Núi đồi ngày trước giờ phủ kín keo lai, bạch đàn nên ngư dân phải dùng bao nilông màu xanh thay cho thân và lá cây chà là, đồng đình. Thừng tre cũng được thay bằng dây thừng công nghiệp.

Chiếc tàu thẳng tiến ra khơi, dò tìm đàn cá, thuyền trưởng Phúc tiếp tục kể chuyện nhà cá giữa đại dương thẳm xanh, câu chuyện hấp dẫn khiến chúng tôi quên đi cảm giác say sóng. Đêm tối xuống nhanh, anh dừng tàu, thả neo. Những đèn pha công suất lớn được bật lên. Đàn cá thấy ánh sáng tụ lại trình diễn vũ điệu biển khơi. Ngư dân chờ đợi cá về và bắt đầu thả lưới. Thuyền trưởng Phúc nói: "Cá trong chà ra đấy. Dưới đáy biển có bốn ngôi nhà lận". Hơn hai tạ cá được vây bắt là thành quả của công trình dưới đáy biển, bí quyết truyền đời của tổ tiên để lại.

Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ 3: Người Mỹ Á làm nhà cho cá ở giữa biển - Ảnh 2.

Bà con Mỹ Á vui vẻ đón tàu cá về bến để cùng sẻ chia - Ảnh: TRẦN MAI

Góp lưới, hợp lòng

Hợp lòng, chung sức của người Mỹ Á còn tự nguyện đóng góp kinh phí vào quỹ "hỗ trợ ngư dân" giúp đỡ cho những chủ tàu bị hư hại và gia đình bạn chài tử vong trên biển. Với chủ tàu khó khăn, không thể sửa chữa, họ chung tay giúp đỡ hàng chục triệu đồng để tàu tiếp tục ra khơi. 

Anh Nguyễn Vũ xúc động khi nhận 35 triệu đồng từ sự giúp đỡ của ngư dân vạn chài: "Bà con làm ra đồng tiền cực khổ và nguy hiểm nhưng họ sẵn lòng giúp đỡ khiến tôi cảm động lắm. Nhờ có khoản tiền ấy cùng những lời động viên nên tôi vội sửa chữa tàu để tiếp tục bám biển".

Mỹ Á cũng không như những vùng biển khác phải chạy vạy tìm kiếm ngư dân mỗi mùa đánh bắt. Ở đây, cả làng cùng góp lưới tựa như đóng cổ phần. Những con tàu vươn khơi buông lưới, trên tàu có bao nhiêu bạn thuyền thì chừng ấy người là "cổ đông" cùng lênh đênh trên sóng nước. "Ở đây, ngư dân khá giả chỉ việc đóng tàu, bạn thuyền sẽ góp vốn mua lưới cùng ra khơi. Tàu tôi cũng không ngoại lệ" - thuyền trưởng Phúc chia sẻ.

Lòng tương trợ thấy rõ trong cách thức làm ăn của người Mỹ Á. Trên tàu có người khá giả, nhưng cũng có ngư dân khó khăn, thế là chủ tàu cho mượn vài chục triệu đồng để góp lưới cùng nhau mưu sinh. Trên tàu thuyền trưởng Phúc có ngư dân Nguyễn Em từng một thời khốn khó không có số tiền góp lưới. Thế là thuyền trưởng Phúc cho mượn 30 triệu đồng góp lưới. Sau nhiều năm đi biển, giờ anh Em không chỉ trả tiền góp lưới mà còn dựng cho mình một căn nhà mới tươm tất. "Cảm ơn anh em lắm, nhờ sự giúp đỡ ban đầu mà giờ gia đình tôi thoát khỏi cảnh khó khăn" - ngư dân Em tâm sự.

Người Mỹ Á cũng rất ấm áp trong cách ăn chia sau mỗi phiên biển. Không như một số vùng biển khác chia làm 10 phần, chủ tàu lấy 5 phần, 5 phần còn lại chia cho bạn chài. Người Mỹ Á chia làm 14 phần, mỗi chuyến tàu trở về, sau khi trừ chi phí, họ dành 4 phần tiền lãi khấu hao và sửa chữa tàu, 10 phần còn lại chia đều cho chủ tàu và thuyền viên. 

Ngư dân Nguyễn Thanh Tòng từng đi biển cho nhiều tàu cá ở nơi khác bảo rằng: "Chủ tàu nơi khác rủ bạn đi và chịu hoàn toàn trách nhiệm lời lỗ nên ép bạn chài đánh bắt liên tục. Còn ở đây, chúng tôi góp lưới, anh em luôn sẻ chia mọi công việc nặng nhọc, nương tựa lẫn nhau cố đánh bắt nhiều cho chính mình nên rất thoải mái. Việc góp lưới cũng giúp chúng tôi quan tâm chăm sóc nhau. Ai đau ốm không thể ra khơi một hai phiên biển cũng được chia phần như có đi".

Những con tàu lướt trên sóng, máy tầm ngư truy tìm đàn cá, những gương mặt rạng ngời niềm vui khi trúng lưới. Gặp những đàn cá lớn, họ liền thông báo cho ngư dân khác đến vây bắt. Người Mỹ Á tự hào khi luôn tựa vào nhau mà sống. 

"Chúng tôi đánh bắt theo tổ trên biển sẵn sàng ứng cứu khi gặp nạn và cũng sẻ chia được luồng cá. Bao đời giờ vẫn vậy. Nếu gặp đàn cá lớn mà im lặng để bắt một mình thì bị mọi người trong làng coi thường" - thuyền trưởng Phúc tâm sự.

Lý giải chuyện ấm áp này, các cụ bô lão gọi là truyền thống, niềm tin dành cho nhau. Người Mỹ Á có những cách sống rất lạ so với những vùng biển khác và lý giải vì sao xứ biển này vượt qua được nhiều khó khăn...

Bán cá không cần cân

Cũng thật kỳ lạ khi người Mỹ Á không bán cá bằng cân ký mà tính theo rổ. Họ tự mặc định mỗi rổ cá tương đương 10kg và tùy theo ngư dân "gạn tay" có thể nhiều hoặc ít hơn 10kg. Mọi người ở đây đặt niềm tin tuyệt đối vào cách bán buôn không cần cân đo chi li này.

********

"Cá cá cá... nhanh nhanh bây ơi, bủa lưới, bủa lưới" - tiếng hét của thuyền trưởng át cả tiếng sóng, hàng chục ngư dân vui vẻ lao về phía mũi tàu.

>> Kỳ tới: Trên con tàu vô địch làng chài

Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ 2: Cuộc chiến với đá và tấm lòng ngư dân nơi cửa biển Mỹ Á - cửa ngõ tiến ra đại dương - Kỳ 2: Cuộc chiến với đá và tấm lòng ngư dân nơi cửa biển

TTO - Bên phải là núi Cửa, bên trái là đá tảng, chính giữa là khối đá lớn nhô lên, cảng biển Mỹ Á chỉ chừa một dòng hải lưu vừa đủ cho hai chiếc tàu qua lại. Cửa biển thiên tạo kỳ lạ ấy thử thách bản lĩnh người cầm lái con tàu cũng như tấm lòng sẵn s

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên