17/12/2021 09:23 GMT+7

Mỹ Á - một cửa ngõ tiến ra đại dương của người Việt - Kỳ 1: Dấu xưa Mỹ Á và tro bụi chiến tranh

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Cảng Mỹ Á (phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) ngày biển lặng, những chiếc tàu nối nhau ra khơi. Đi dọc theo bờ kè cảng biển sóng vỗ nhẹ bình yên. Những cụ già thư thả chờ con cháu trở về.

Mỹ Á - một cửa ngõ tiến ra đại dương của người Việt - Kỳ 1: Dấu xưa Mỹ Á và tro bụi chiến tranh - Ảnh 1.

Lăng thờ thần Nam Hải, nơi những người cao tuổi từng thấy nền móng công trình hải cảng xưa - Ảnh: TRẦN MAI

Trong sách Phủ biên tạp lục, cái tên Cảng Mỹ Á đã được nhắc đến như một cửa biển giao thương sầm uất trải qua nhiều thế kỷ. Lịch sử người Việt quả cảm đi biển nơi này từng bị chìm khuất vì chiến tranh, nhưng thế hệ con cháu của họ là các ngư dân can trường thời nay đã tiếp nối tiến ra đại dương…

Ông nội tôi kể cho các cháu nghe rằng từ thời ông nội của ông tôi, những vị trí nhô cao có gạch đá xếp ngay thẳng ở Mỹ Á là đồn binh và nơi đặt cân thu thuế với thương lái vào mua sản vật từ vùng núi Ba Tơ, Kon Tum mang xuống.

Ông LÊ KIỂM

Thương cảng cổ xưa

Nhắc đến vùng đất này, người đời nay chẳng ai biết gốc tích hình thành và cái tên Mỹ Á cũng không ai tường nghĩa. Tất cả là những câu chuyện rời rạc được chắp vá và truyền đời như ngoại sử. Một vài ông cụ tuổi gần 90 có một vài ký ức. Đó là những mảnh vỡ của quá khứ với khối gạch, đá như phế tích còn sót lại.

Tôi đem chuyện hỏi tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi: "Cảng Mỹ Á có từ bao giờ?". Bắt đầu lục mở những nghiên cứu về Quảng Ngãi, ông Vũ bảo từng có một thời gian ông cũng tìm hiểu về vùng đất này. 

"Tiếc là quá ít tài liệu còn lại. Đó là cảng biển có nhiều nét riêng, có những cách đánh bắt xa xưa như thả chà, vây lộng..." - tiến sĩ Vũ chia sẻ.

Nhiều năm nghiên cứu, ông Vũ bảo một vài tài liệu nói về các thương cảng ở xứ Quảng xưa (từ Đà Nẵng đến Phú Yên ngày nay) có nhắc đến cảng biển này. Trong Phủ biên tạp lục do Lê Quý Đôn viết lúc được chúa Trịnh cử vào giữ chức hiệp trấn Thuận Hóa là ghi chép rõ ràng nhất về cảng biển này. 

"Có thể nói Phủ biên tạp lục gợi mở cho chúng ta về cảng biển Mỹ Á, nhất là nhìn nhận vai trò khá quan trọng trong kinh tế thời phong kiến của nước ta thời bấy giờ" - tiến sĩ Vũ chia sẻ.

Dẫn chứng rõ nét hơn, tiến sĩ Vũ bảo rằng nhà bác học họ Lê đã ghi chép phủ Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay) rất giàu có về lúa gạo và các sản vật. Thương nhân vào buôn bán không biết bao nhiêu mà kể. Dựa vào những cứ liệu sử sách, Mỹ Á kết hợp với ba thương cảng khác tại Quảng Ngãi là Thu Xà, Sa Kỳ, Sa Cần tạo thành vệt buôn bán trên biển. 

"Lê Quý Đôn không nói rõ Mỹ Á có sản vật gì nhưng thông qua việc thu thuế 37 quan 5 tiền với thuyền buôn vào neo trú, trao đổi hàng hóa, chắc chắn nơi này có những sản vật mà các nơi khác, cảng biển khác không có, hoặc không nhiều như ở Mỹ Á" - tiến sĩ Vũ nhận định.

Khác với những thương cảng khác ở miền Trung vẫn còn nhiều dấu tích chứng minh một thời giao thương, cảng Mỹ Á không còn mấy dấu tích gì liên quan đến quá khứ vàng son. Lý giải việc này, ông Lê Kiểm (85 tuổi, thôn Hải Tân, phường Phổ Quang) bảo rằng "từng có". 

Thời ông Kiểm còn nhỏ, vẫn nhặt nhạnh được một số gạch, đá liên quan đến người xưa. Vài nền móng của công trình còn sót lại dọc cửa biển như gạch, đá vuông vức xếp thành bậc nhô cao hơn so với khu vực đất lân cận.

Mỹ Á - một cửa ngõ tiến ra đại dương của người Việt - Kỳ 1: Dấu xưa Mỹ Á và tro bụi chiến tranh - Ảnh 3.

Một góc cảng biển Mỹ Á hôm nay - Ảnh: TRẦN MAI

Chiến tranh tàn phá tan hoang

Lịch sử như lặng im theo thời gian. Để tìm thấy một thương cảng Mỹ Á thuở nào thì cần có các chuyên gia thực hiện những cuộc khai quật lòng đất. Còn bây giờ, chỉ nghe tiếng thở của Mỹ Á qua những cụ già đã sắp kết thúc hành trình trần thế. Mà câu chuyện của họ đầy sự tàn phá của chiến tranh. 

Những trận pháo kích từ biển vào, từ trên không giội xuống đã xóa sạch quá khứ của Mỹ Á. Và đỉnh điểm là cuộc san ủi, dồn dân lập ấp chiến lược trước năm 1975.

Những người tham gia cuộc chiến ở Mỹ Á giờ cũng hiếm. Phần lớn đã qua đời, hoặc trí nhớ không còn minh mẫn. Những người dân thường không liên quan đến chiến cuộc thời điểm đó rời khỏi vùng đất đi tản cư mãi đến hòa bình mới về. 

Trên bến cảng, chúng tôi may mắn gặp ông Đặng Bài (74 tuổi), một du kích năm xưa. Tự hào về vùng đất, ông tặng chúng tôi bài thơ mà chính ông cũng không biết ai viết. 

Nhưng với ông đó là bài thơ hay nhất đời mình: 

"Ai về Phổ Quang Đức Phổ
Nghe rì rầm tiếng sóng vỗ vùng Đông
Quê ta gan thép dạ đồng
Nuôi anh dũng sĩ Hồ Nông trưởng thành
Trên đường chiến đấu giành dân
Anh vào bộ đội quyết tâm giữ làng
Đẹp sao mảnh đất Phổ Quang
Mái chèo bên chiếc thuyền nan vững vàng
Người con đất mẹ ngoan cường
Dưới tầm đại bác ngẩng đầu đứng lên
...".

Bài thơ hãy còn dài, thể hiện đủ đầy ý chí con người nơi đây. Ông Bài nhớ lại thời Mỹ Á hứng chịu những loạt đạn liên tục từ pháo hạm vào, bom từ trên không thả xuống. 

"Lúc đó làng trở thành bình địa, đối phương đem máy ủi san phẳng tất cả. Người dân, số tản cư đi nơi khác, số bị dồn vào ấp chiến lược. Những người du kích như tôi đêm mò về đánh tỉa rồi rút đi. Mục đích chính là giằng co, không cho đối phương lấn rộng vùng kiểm soát" - ông Bài kể.

Đó cũng chính là thời điểm đã xóa sạch dấu tích lịch sử của vùng đất này. Ngược lên UBND phường Phổ Quang, anh cán bộ phường đưa cho chúng tôi cuốn Lịch sử Đảng bộ phường Phổ Quang. Những năm tháng khắc nghiệt của chiến cuộc được ghi chép tường tận. 

Tháng 9-1969, đối phương tập trung 3 tiểu đoàn bộ binh, 21 xe bọc thép, 25 xe ủi kéo về Phổ Quang thực hiện ý đồ san ủi làng mạc thành bình địa. Những trận đánh đầu tiên đầy quả cảm của quân và dân Phổ Quang ngăn chặn việc san ủi, dồn dân...

Cuộc chiến trường kỳ đâu thể kết thúc sau một hai trận chiến. Thế trận bước vào giai đoạn giằng co, từng tấc đất được hai phía tranh nhau. Những năm 1970 đối phương tiến hành đồn trú ở Mỹ Á, đồng thời tập trung san ủi, dồn dân. 

"Đó là thời điểm chỉ còn lực lượng du kích bám trụ, còn người dân tản cư đi nơi khác. Ban ngày chúng tôi lấy thuyền nan đi đánh cá, ban đêm cầm súng. Tất cả đều bí mật ngay trong khu vực đối phương đồn trú" - ông Bài kể.

Sau ngày đất nước thống nhất, người Mỹ Á lần lượt trở về cố xứ. Ông Kiểm bảo: "Không có lấy một nóc nhà nào còn sót lại. Làng mạc, ruộng vườn thành bình địa. Chúng tôi đêm đánh cá, ngày dựng lều, cuốc đất trồng khoai. Vừa cuốc vừa run vì bom mìn còn nhiều.

 Phải đến 20 năm, làng mạc mới dần hình thành trở lại. Mọi thứ được xây mới toàn bộ. Đến lăng thờ thần Nam Hải cũng bị san phẳng thì nói gì dấu tích cảng biển của tổ tiên năm xưa" - ông Kiểm tâm sự.

-------------------------------

"Bên phải là núi Cửa, bên trái là đá tảng, chính giữa là khối đá lớn nhô lên, cảng biển Mỹ Á chỉ chừa dòng lưu vừa đủ cho hai chiếc tàu qua lại với thiên tạo kỳ lạ vừa kín kẽ vừa hiểm nguy.

Kỳ tới: Cuộc chiến với đá

Đắk Lắk sẽ bỏ dần Đắk Lắk sẽ bỏ dần 'du lịch cưỡi voi', thay bằng tổ chức... ngắm voi

TTO - Bị vắt kiệt sức cho du lịch, thiếu 'không gian yêu'... là những nguyên nhân khiến đàn voi nhà Đắk Lắk bị suy giảm dần số lượng, nguy cơ tuyệt chủng.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên