Cửa biển Mỹ Á từng có địa thế nhiều bãi đá ngầm nổi hiểm trở - Ảnh: TRẦN MAI
Bên phải là núi Cửa, bên trái là đá tảng, chính giữa là khối đá lớn nhô lên, cảng biển Mỹ Á chỉ chừa một dòng hải lưu vừa đủ cho hai chiếc tàu qua lại. Cửa biển thiên tạo kỳ lạ ấy thử thách bản lĩnh người cầm lái con tàu cũng như tấm lòng sẵn sàng tương trợ, cứu giúp nhau.
Cửa biển hiểm trở
Đi qua nhiều cảng biển khắp cả nước, chúng tôi thấy Mỹ Á là một trong những cảng biển khắc nghiệt bậc nhất nước. Trận đồ đá ngầm, đá tảng từ dưới lòng biển lên trên mặt nước cứ như đội thủy quái sẵn sàng dìm chết bất kỳ tay thuyền trưởng nào dù mới vào nghề hay lão luyện.
3h sáng chừng ba năm trước, chiếc điện thoại reo lên, đầu dây bên kia ông Huỳnh Xuân Bình, phó chủ tịch UBND phường Phổ Quang, giọng hớt hải: "Tàu anh Nguyễn Văn Tư đang vào cảng thì trúng đá mắc cạn, dân làng đang ra cửa biển cứu tàu. Chú vào làm giúp cái tin để sau này xin hỗ trợ".
Tờ mờ sáng, bóng tối chưa kịp tan, hàng trăm người Mỹ Á đã ứng trực, bàn cách cứu tàu anh Tư. Cơn mưa lớn khiến cho việc cứu tàu gặp nhiều khó khăn. Trong khi những trận sóng cứ đẩy dần con tàu QNg 987.83 uềnh lên tảng đá, tiếng va đập của thân tàu vào đá khô khốc. Chiếc tàu trị giá bạc tỉ bỗng chốc mong manh như chiếc lá.
Ông Nguyễn Xết, trưởng vạn chài Hải Tân, lạc giọng chỉ huy: "Tàu kéo đâu, khẩn trương ra kéo, chậm tí nữa tàu phá nước là không kịp cứu bây giờ".
Tiếng người, tiếng máy tàu, tiếng sóng, tiếng mưa cứ rối rít. Những ánh mắt lo lắng trong đêm càng khiến không khí trở nên căng thẳng. Ông Xết vội lên lăng vạn chài thắp nén hương khấn vái thần Nam Hải giúp con tàu tai qua nạn khỏi. Có lẽ tâm linh giúp người đi biển vững vàng hơn.
Ba chiếc tàu rọi đèn lao ra cửa biển. Những ngư dân trẻ khỏe thả chiếc thúng, gồng sức chèo về phía trận đá. Những ngư dân đầu tiên được đưa ra khỏi con tàu rệu rã, chỉ còn thuyền trưởng và các thuyền viên làm nhiệm vụ cứu tàu ở lại.
Chiếc dây thừng được nối dài, cả trăm người bắt đầu kết lại như sợi xích "hai ba, hai ba", tiếng hô vang lên là sợi dây lại căng ra.
Cả ngày vật lộn, chiếc tàu được đưa về cảng Mỹ Á trong niềm vui của cả làng.
Đó là một cuộc giải cứu trong rất nhiều lần giải cứu ở cửa biển hiểm trở này. Ngư dân Nguyễn Dương, người tham gia nhiều cuộc giải cứu tàu gặp nạn, cũng từng là nạn nhân của cửa biển ấy. Năm 2009, chiếc tàu anh dính nạn khi vừa cứu nạn thành công một chiếc tàu trong làng.
Anh Dương vẫn còn ám ảnh khi kể lại chuyện xưa: "Lúc kéo được chiếc thuyền gặp nạn ra, anh em vui mừng thì nghe tiếng đùng. Chiếc tàu của tôi va vào trận đá lủng lỗ như lòng bàn tay, vết nứt chạy dài theo thành tàu. Nước vào rất nhanh, tôi và anh em phát hoảng, ra sức bịt lỗ thủng tát nước ra khỏi tàu".
Từng là cửa biển hàng trăm năm, trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt, thiên tạo lại trớ trêu. Có lẽ những gì trải qua đã khiến làng chài Mỹ Á đoàn kết một lòng sau khi chiến tranh kết thúc. Chưa khi nào tàu va vào trận đá bị bỏ rơi. Từ cái thời ghe nan gặp nạn, cả làng xúm ra vác cuốc đào, dùng trâu kết hợp sức người cứu tàu. Đến bây giờ tinh thần đoàn kết vẫn giữ vẹn nguyên dù qua bao biến cố.
Cái lần tàu anh Dương gặp nạn trong lúc làm việc nghĩa ấy, cả làng lại tốn thêm một ngày trời cứu tàu anh Dương. Hôm cứu tàu ngư dân Bình, anh Dương cũng bỏ chuyến biển, lao về cảng.
Phiên biển ấy lỗ tổn phí hơn 50 triệu đồng, tàu lại hỏng nặng, sửa chữa tốn thêm trăm triệu nữa nhưng anh Dương cười khà khà: "Mất tiền thì cũng tiếc, nhưng chừng đó ăn thua chi với con tàu bạc tỉ của anh Bình".
Mỗi lần tàu ai gặp nạn, người làng chài Mỹ Á đều hết lòng cứu tàu, giúp bạn - Ảnh: TRẦN MAI
Ngày bình yên đã đến
Nhớ lại chuyện xưa, ngư dân Nguyễn Văn Kiểu, người đàn ông có nước da ngăm đen, thân hình như hộ pháp bất chợt rùng mình. Khi tàu va vào đá, anh lo lắng tột cùng bởi trên tàu có mẹ già.
"Lúc đó tôi vừa sửa chữa xong con tàu QNg 4459 ở Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) về tới cảng thì gặp nạn. Nói thật, nếu lúc đó không có anh Dương đến kịp thời thì tình hình không biết thế nào. Mất tàu thì làm lại được, chứ mất mẹ tôi không dám nghĩ đến" - anh Kiểu tâm sự.
Anh Kiểu giờ đã sắm cho mình con tàu mới công suất trăm mã lực thay cho con tàu năm xưa. Nhưng những ân tình ngày đó anh vẫn luôn đeo mang. Lời cảm ơn với người làng là khách sáo, họ chỉ cần một bữa rượu, ngồi cạnh nhau chuyện trò sau khi cùng nhau vượt qua vận nạn.
Anh Kiểu bảo rằng trước khi hoàn thành sứ mệnh biển khơi, con tàu QNg 4459 cũng kịp cứu một vài chiếc thuyền nhỏ dính nạn nơi cửa biển Mỹ Á. Đó là cách anh Kiểu trả tấm chân tình người làng đã tương trợ ngày nào.
Những trận sóng, bãi đá có thể phá nát tàu nhưng chưa khi nào đánh tan tấm lòng ngư dân sẵn sàng tương trợ nhau ở xứ này. Người Mỹ Á vẫn neo mình vào nhau, tạo thành một khối vững vàng như những tổ đội ra khơi mỗi ngày. Cuộc chiến với trận địa đá đã lùi vào dĩ vãng.
Hôm nay, cảng Mỹ Á mới khang trang, "bàn chông" giữa lòng nước đã được phá bỏ, việc nạo vét mở rộng luồng lạch đã hoàn thành. Người Mỹ Á an tâm ra khơi vào cảng. Ông Xết chứng kiến hết mọi việc mở cửa biển này. Vậy nên ông bảo cảng mới giống như ngày mới tươi sáng với người Mỹ Á.
"Cảng đưa vào sử dụng hơn một năm, chẳng có chiếc tàu nào gặp nạn nữa" - ông Xết nói.
Đứng trên dinh thờ thần Nam Hải nhìn về phía cảng mới thấy hết sự đồ sộ của công trình được đầu tư gần 200 tỉ đồng, bờ đê chắn sóng, chắn cát bồi lấp ở phía biển, trong bờ âu tàu rộng lớn đủ sức cho cả trăm con tàu neo đậu, tránh trú bão mỗi mùa sóng gió tìm về.
Nghe đủ đầy chuyện về Mỹ Á ngày nào, chúng tôi thấy vui khi bây giờ cảng biển mới giúp những chiếc thuyền lao thẳng ra khơi như ngựa chiến thỏa sức tung vó trên thảo nguyên. Những hải trình đã dễ dàng hơn xưa và cảng biển Mỹ Á đón những con tàu bình yên như mẹ đón con trở về.
Cảng mới hình thành, những con tàu ra khơi, về cảng không còn chằng chịt những vết thương va đập vào đá như thuở nào. Ngày mới lại đến, mặt trời lập lờ nhô qua triền sóng, ánh sáng đỏ lừ khởi đầu cho những điều tươi vui thay cho ngày cũ...
Đem niềm vui của người Mỹ Á kể với ông Dương Văn Tô, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Ngãi, ông Tô bảo: "Đó là trách nhiệm của tỉnh Quảng Ngãi với người dân. Chính quyền cũng rất vui khi cảng đã hoạt động hết công năng, phát huy tối đa tác dụng".
Mới đây, khi vào nghiệm thu giai đoạn hai của công trình, người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã bàn thảo với người Mỹ Á những câu chuyện xa hơn cho cảng biển này như mở rộng vũng neo đậu, tổ chức lại điểm thu mua hải sản và cung ứng nhu yếu phẩm cho mỗi chuyến ra khơi.
Từ lãnh đạo đến người dân đều rất vui, họ đã sẵn sàng cho cuộc hội nhập mới của ngành thủy sản.
*********
Văn hóa làng chài Mỹ Á vẫn còn giữ cách đánh bắt và tấm tình cổ xưa. Mỗi bạn thuyền đều bỏ tiền góp lưới để ăn chia. Người nghèo khó cũng được hỗ trợ góp lưới để có một chân trên tàu ra khơi đánh bắt.
>> Kỳ tới: Góp lưới, dưỡng biển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận