18/06/2024 12:21 GMT+7

Mục tiêu tự chủ lương thực gặp khó, Singapore làm gì?

Mục tiêu tự chủ 30% lương thực trước năm 2030 của Singapore đứng trước nguy cơ thất bại khi sản lượng lương thực tự sản xuất trong năm 2023 giảm mạnh.

Trang trại Green Harvest đạt một số thành tựu trong việc xây dựng hệ vi khí hậu tự điều hành trong nhà kính - Ảnh: STRAITS TIMES

Trang trại Green Harvest đạt một số thành tựu trong việc xây dựng hệ vi khí hậu tự điều hành trong nhà kính - Ảnh: STRAITS TIMES

Hơn thế nữa, trong vài tháng qua, lần lượt các trang trại công nghệ cao ở Singapore đều đóng cửa, ngưng xây dựng hoặc giảm quy mô hoạt động.

Báo động sản lượng lương thực năm 2023

Theo một báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp trực thuộc Liên Hiệp Quốc, vào năm 2050, điều kiện tự nhiên được dự đoán sẽ khắc nghiệt hơn với diện tích đất màu mỡ suy giảm, hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra phức tạp, đe dọa an ninh lương thực.

Nếu không có biện pháp đối phó, một quốc đảo phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu đến 90% lượng tiêu thụ như Singapore sẽ chịu những tổn thất không thể lường trước.

Nhận thấy sự cấp bách đó, năm 2019 đảo quốc sư tử công bố mục tiêu tự chủ 30% nhu cầu dinh dưỡng trong nước trước năm 2030 - gọi tắt là mục tiêu 30x30. Mục tiêu này bao gồm ba trọng tâm: nông sản, thủy sản và trứng. Để tiến tới mục tiêu này, chính quyền Singapore đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tài chính, chính sách cho các đơn vị nông nghiệp.

Sau 5 năm triển khai kế hoạch, đến nay chỉ có trứng là đã về đích. Sản lượng trứng của Singapore đạt 31,9% nhu cầu tiêu thụ hằng ngày. Con số này có thể tăng trong tương lai sau khi các nhà máy trứng đang được triển khai đi vào hoạt động.

Trái với trứng, con đường của nông sản và thủy sản đều khó như "đường lên trời". Các cơ sở nuôi trồng thủy sản của Singapore đều nằm ở Eo Johor - vùng nước ngăn giữa Singapore và Malaysia. Các cơ sở này mới chỉ cung cấp 7,3% nhu cầu tiêu thụ cả nước.

Đối với nông sản, từ năm 2021 đến nay, sản lượng nông sản chỉ loanh quanh dưới 5% tổng tiêu thụ. Báo động hơn, theo số liệu chính thức được Cơ quan lương thực Singapore (SFA) công bố, sản lượng nông sản năm 2023 còn giảm đến 15% so với năm trước và chỉ có thể đáp ứng 3,2% nhu cầu thị trường.

Cần cách tiếp cận liên ngành

SFA lý giải mức giảm trên đến từ những khó khăn trong quá trình xây dựng trang trại do đại dịch COVID-19, áp lực lạm phát, giá năng lượng và giá thuê nhân công tăng.

Thời gian qua, nhiều trang trại đã đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động. Mới đây nhất, trang trại rau củ trong nhà I.F.F.I vừa tuyên bố đóng cửa hồi cuối tháng 5. Trước đó, trang trại này có thể cho ra thị trường 300 tấn rau củ mỗi năm.

Ngoài ra, kế hoạch xây dựng VertiVegies - trang trại trong nhà lớn bậc nhất Singapore - cũng đã bị hủy do mâu thuẫn với nhà đầu tư. Nếu được xây dựng, trang trại này có thể tăng năng suất trong nước lên đến 10%.

Báo Straits Times khẳng định bất chấp đã đi vào hoạt động nhiều năm, hầu hết các trang trại đều chưa thể tạo ra nguồn lợi nhuận dương đều đặn. Điều này do vốn dĩ biên lợi nhuận với mặt hàng rau củ đã không cao mà chi phí sản xuất ở Singapore lại vô cùng lớn.

Với diện tích nhỏ bé, Singapore buộc phải triển khai các mô hình canh tác giá thể trong nhà hoặc nhà kính. Lượng điện năng hoạt động này tiêu tốn là vô cùng lớn khi phải bật đèn LED và hệ thống điều hòa liên tục.

Cũng như lương thực, điện cũng là mặt hàng Singapore phải nhập khẩu với mức giá đắt đỏ và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá năng lượng thế giới tăng đáng kể. Ông Lee Yuan Hao, quản lý trang trại GKE Agritech, cho biết chi phí năng lượng của cơ sở này vào giai đoạn COVID-19 đạt đỉnh đã tăng tới ba và bốn lần.

Strait Times khẳng định thành bại của mục tiêu 30x30 dựa vào cách tiếp cận liên ngành bao gồm công nghệ, chính sách và tác động cộng đồng. Singapore cần tạo một hệ sinh thái nơi có sự hợp tác hài hòa của chính sách hỗ trợ từ chính phủ, nỗ lực doanh nghiệp, đổi mới hàn lâm và nhận thức của người tiêu dùng.

Trước tiên, người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng qua việc ưu tiên sử dụng thực phẩm sản xuất trong nước. Một bộ phận người tiêu dùng Singapore hiện chưa hiểu hết ưu thế của hình thức canh tác giá thể và những bộ tiêu chuẩn đối với nông sản của SFA nên chưa tin dùng sản phẩm này.

Các nhà phân phối lớn có thể hỗ trợ những trang trại địa phương bằng cách thu mua sản phẩm với giá cao hơn. Trong khi đó, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục cần tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo "nông dân đô thị" và chuyên viên nông nghiệp công nghệ. Điều này góp phần đảm bảo nguồn nhân lực giàu kiến thức có thể hoàn thành cuộc chuyển đổi nông nghiệp ở Singapore.

Cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách cần thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo tại các trang trại đô thị cũng như cung cấp thêm nguồn lực cho công tác nghiên cứu phương án giảm chi phí sản xuất đối với công nghệ nông nghiệp.

Nguồn: Cơ quan lương thực Signapore, Straits Times - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Cơ quan lương thực Signapore, Straits Times - Dữ liệu: NGỌC ĐỨC - Đồ họa: T.ĐẠT

Công nghệ là chìa khóa vấn đề

Bất chấp những khó khăn trên, Singapore vẫn còn một số mô hình nông trại đang gặt hái ít nhiều thành công, trong đó có mô hình trang trại nhà kính Green Harvest. Trang trại này triển khai thành công một vùng vi khí hậu tự điều hành bên trong khuôn viên nhằm tối ưu hóa các điều kiện phát triển của hoa màu. Nhờ đó, Green Harvest đã nhận được khoản tài trợ 30x30 của chính phủ.

GK Agritech của ông Lee là mô hình tiêu biểu trong việc tích hợp điện năng lượng mặt trời vào hoạt động, góp phần giảm chi phí sản xuất. Khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ, Singrow chọn sử dụng hệ thống robot đặc dụng để tự động khai thác và thụ phấn, góp phần giảm chi phí nhân công lâu dài.

Tầm nhìn quản lý nước của SingaporeTầm nhìn quản lý nước của Singapore

Singapore đã đạt được thành công trong việc đảm bảo nguồn cung cấp nước nhờ tầm nhìn dài hạn, sử dụng các công nghệ tiên tiến và nỗ lực hợp tác với các bên liên quan.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên