25/12/2023 17:02 GMT+7

Mùa lạnh, chế độ dinh dưỡng nào để trẻ tăng cường khả năng chịu lạnh?

Vào mùa đông, nhu cầu năng lượng của trẻ em sẽ cao hơn nhiều vì một phần năng lượng bị tiêu hao để giữ ấm cho cơ thể. Chế độ dinh dưỡng như thế nào để nâng cao khả năng chịu lạnh và sức đề kháng của trẻ khi nhiệt độ không khí giảm thấp?

Cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ khi thời tiết lạnh - Ảnh minh họa: D.LIỄU

Cha mẹ cần chú ý chăm sóc trẻ khi thời tiết lạnh - Ảnh minh họa: D.LIỄU

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Phan Bích Nga, trưởng khoa khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em - Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay thời điểm giao mùa, không khí chuyển lạnh là điều kiện thích hợp sản sinh các mầm bệnh và khiến trẻ dễ nhiễm bệnh, diễn biến bệnh nặng thêm.

Việc chủ động phòng bệnh là hết sức cần thiết. Một chế độ dinh dưỡng thích hợp kết hợp lối sống lành mạnh là chìa khóa giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm và những rối loạn trong cơ thể.

"Đặc biệt vào mùa đông, nhu cầu năng lượng của trẻ em sẽ cao hơn nhiều vì một phần năng lượng bị tiêu hao để giữ ấm cho cơ thể. Vì vậy, trong thời gian này, cha mẹ nên lưu ý cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Đồng thời, tăng cường ngũ cốc giúp cung cấp năng lượng lâu dài, các loại đạm từ thịt, cá, trứng, sữa,... các loại chất béo từ dầu thực vật và mỡ động vật giúp trẻ không bị đói và mất sức.

Cha mẹ có thể cung cấp thêm năng lượng cho trẻ bằng bữa phụ với các món ấm nóng như canh bổ dưỡng, các loại bánh hấp, chiên.

Tăng cường rau xanh, quả chín là những thực phẩm giàu vitamin E, C nhằm hỗ trợ cải thiện khả năng thích ứng của cơ thể trẻ nhỏ khi tiết trời trở lạnh, giúp nâng cao khả năng chịu lạnh và sức đề kháng của trẻ với nhiệt độ thấp", bác sĩ Nga khuyến cáo.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nga cũng chia sẻ những nguyên tắc dinh dưỡng trong thời điểm chuyển lạnh giúp duy trì và nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho trẻ.

Uống đủ nước

Uống đủ nước, thường xuyên và đều đặn mỗi ngày giúp quá trình trao đổi chất diễn ra nhịp nhàng. Đặc biệt, thông qua quá trình toát mồ hôi và loại bỏ các chất dư thừa qua đường tiêu hóa, nước giúp cơ thể thải độc tố và những chất dư thừa.

Khi đã bị viêm hô hấp, uống đủ nước còn giúp làm giảm các triệu chứng ho, làm loãng chất nhầy, giảm ứ đọng, thúc đẩy dịch đờm thoát ra ngoài dễ dàng, làm sạch họng…

Lượng nước cần cho trẻ khỏe mạnh uống mỗi ngày được ước lượng 100ml nước/kg cân nặng; ví dụ, trẻ 10kg thì cần uống 1.000ml nước mỗi ngày.

Trẻ từ 11-20kg thì nên dùng 1.000ml nước/10kg đầu + 50ml/kg cân nặng tăng thêm. Lượng nước này bao gồm cả nước sữa, nước lọc, nước trong bữa ăn của trẻ.

Khẩu phần ăn lành mạnh, cân bằng chất dinh dưỡng

Ăn đủ các bữa trong ngày gồm 3 bữa chính và có thể thêm từ 1 đến 2 bữa phụ. Kết hợp đa dạng giữa các loại thực phẩm và trong một bữa nên có từ 10 -12 loại. Đặc biệt, nên ưu tiên cung cấp đủ các dưỡng chất quan trọng, hỗ trợ hệ miễn dịch như chất đạm, sắt, kẽm, selen và vitamin A, C, E, D.

Với nhóm chất đạm, đây là nguyên liệu thiết yếu hỗ trợ chức năng của hệ miễn dịch. Do đó, nên chọn những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, dễ hấp thu và kết hợp cả đạm động vật (trứng, sữa, thịt, tôm, cá...) và đạm thực vật (các loại đậu đỗ...). Trung bình, trẻ cần được bổ sung khoảng 2g chất đạm/kg cân nặng mỗi ngày.

Trẻ em cũng cần được cho ăn rau quả, tùy vào độ tuổi của trẻ sẽ cần tiêu thụ lượng rau củ quả khác nhau từ 100g đến 300g, với cách chế biến phù hợp.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin A bao gồm các loại rau xanh lá (rau chân vịt, cải xanh, rau ngót, cải ngọt...), trái cây củ quả có màu vàng cam (cà rốt, ớt chuông, bí ngô, cà chua...). Ngoài ra, cần chú trọng tới các thực phẩm cung cấp vitamin C (ổi, bưởi, cam, quýt...), vitamin D (trứng, bơ, sữa, gan động vật, nấm,... để xây dựng hệ miễn dịch cho trẻ khỏe mạnh.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Các vi sinh vật có nguồn gốc từ thực phẩm cũng là một trong số những yếu tố nguy cơ gây bệnh, đặc biệt trong thời điểm giao mùa. Vì vậy, nên ưu tiên "mùa nào thức đấy", chỉ chọn những thực phẩm tươi sạch, rõ nguồn gốc.

Sơ chế và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh và thực hiện ăn chín uống sôi. Sau chế biến, nên che đậy và bảo quản đồ ăn cẩn thận, không ăn những thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, ôi thiu.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý giữ ấm cơ thể cho trẻ, mặc đủ ấm, sử dụng khăn choàng cổ, vùng mũi, họng, ngực.

Cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em từ bữa sáng đủ chấtCải thiện dinh dưỡng cho trẻ em từ bữa sáng đủ chất

Theo khảo sát dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS II) do FrieslandCampina khởi xướng và công bố trong năm 2022, 90% trẻ em Việt Nam ăn sáng nhưng hơn 50% trẻ chưa được đáp ứng đủ nhu cầu vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển, trong đó đáng kể là thiếu đạm, vitamin D và canxi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên