22/03/2020 09:09 GMT+7

Mùa dịch ở nhà suốt ngày, tha hồ giải trí: Đọc sách, nghe nhạc, xem phim, nấu ăn

MI LY - TIẾN VŨ
MI LY - TIẾN VŨ

TTO - Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng khiến cuộc sống của người Việt đã có nhiều thay đổi. Người dân bắt đầu tổ chức cuộc sống tại nhà, làm việc, mua sắm và giải trí trực tuyến.

Mùa dịch ở nhà suốt ngày, tha hồ giải trí: Đọc sách, nghe nhạc, xem phim, nấu ăn - Ảnh 1.

Ca sĩ Hoàng Bách cùng êkip tụ tập ở nhà anh thực hiện sản phẩm âm nhạc mới. Sau khi chụp ảnh xong, cả nhóm mang lại khẩu trang và tiếp tục làm việc - Ảnh: THANH THẢO

Trước khuyến cáo "ai ở đâu thì ở yên đó" và quyết định tạm đóng các điểm vui chơi ở những thành phố lớn, nhu cầu giải trí trực tuyến sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Nhu cầu giải trí trực tuyến cao

Đinh Duy Vũ (25 tuổi) là quản lý truyền thông một công ty công nghệ và là khán giả của truyền hình OTT (trên nền tảng mạng).

Anh đang sử dụng các dịch vụ trực tuyến gồm: Spotify, Netflix và YouTube. Trong đó, Spotify và Netflix là dịch vụ trả phí.

Hôm 20-3, Duy Vũ bày tỏ ý định mua smart TV để phục vụ nhu cầu giải trí tại nhà vì muốn đầu tư thêm thiết bị nghe nhìn ngoài laptop và điện thoại như trước.

"Dịch vụ trực tuyến bây giờ đã trở thành một đế chế của nền giải trí" - Duy Vũ nhận xét. Nó gắn với sự phát triển của công nghệ và những phát minh mới mà không phụ thuộc vào những yếu tố truyền thống như địa lý, phân phối, tiếp thị, trao đổi hàng hóa.

Theo anh Phan Lê Trung Tín - đại diện truyền thông FPT Play (đơn vị có lượng người xem truyền hình trực tuyến tại VN cao - theo số liệu của Q&Me) - lượng người xem dịch vụ này trong tháng 2 tăng 40% so với tháng 1. Dự kiến, mức tăng sẽ là 60% vào tháng 3.

DANET, nhà cung cấp VOD do Hãng BHD (VN) điều hành, cũng tìm cơ hội phát triển giữa lúc nhà rạp BHD chịu thiệt hại nặng nề vì COVID-19. Theo anh Hoàng Đình Vũ, người phụ trách nội dung DANET, lượng người xem dịch vụ này tăng 20% so với trước dịch bệnh.

Người lớn, trẻ nhỏ đều có phần

Lợi thế của giải trí trực tuyến là cá nhân hóa khách hàng theo độ tuổi và gu thưởng thức. Gần đây, người Việt quan tâm đến dịch bệnh nên ngoài phim bộ, phim VOD (video theo yêu cầu) thì các bản tin thời sự cũng rất hút người xem.

Trên FPT Play, các phim về dịch bệnh được xem nhiều là phim tài liệu Tâm chấn: 24 giờ ở Vũ Hán, Chuyến tàu sinh tử...

Ngoài ra, nữ giới từ 18-25 tuổi thích phim bộ Trung Quốc và Hàn Quốc, nam giới thiên về phim bộ hành động Âu - Mỹ, phim điện ảnh bom tấn; hoạt hình Nhật, Mỹ hoặc học tập trực tuyến cũng tăng lượt xem vì trẻ em đang ở nhà tránh dịch.

Truyền hình OTT (trên nền tảng Internet) đang là xu hướng và cạnh tranh rất gay gắt. Tại VN, khán giả có thể lựa chọn giữa FPT Play, Netflix, K+, VTV Cab On, Zing TV, Fim+, DANET... sắp tới là Disney+.

Giới kinh doanh dịch vụ này đánh giá đây là "thách thức vô cùng lớn nhưng cũng là cơ hội thú vị cho các đơn vị dịch vụ truyền hình OTT có động lực phát triển, từ đó sẽ có nhiều nội dung hấp dẫn".

Một điều đáng quan tâm khác là nhu cầu xem phim online của khán giả tăng mạnh cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị chiếu phim online có thể gặp phải các sự cố nghẽn mạch, thậm chí là quá tải.

Do đó, vấn đề phải đảm bảo cho chất lượng đường truyền, truy cập hay hệ thống lưu trữ đang được các nền tảng này quan tâm hàng đầu. Ông Phan Đỗ Trí Dũng - CEO Fim+ - cho biết:

"Chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giải trí online của khán giả: đầu tư thêm hệ thống server mới, đảm bảo đường truyền tín hiệu ổn định giữa Fim+ và các thiết bị sử dụng của khách hàng, tối ưu hóa mã nguồn (source code), giúp tăng tốc độ xử lý, giảm độ trễ phản hồi trên thiết bị người dùng khi truy cập ứng dụng để xem phim".

Tạo năng lượng tích cực

Các bạn trẻ hay nói đùa với nhau: COVID-19 không lây qua mạng, nên nơi đó an toàn. Chị Thanh Huyền - một nhân viên văn phòng tại TP.HCM - cho biết từ khi làm việc ở nhà, quỹ thời gian một ngày của chị phần lớn là ngồi trước máy tính và sống trên mạng.

"Tôi và nhiều bạn bè của tôi cũng hạn chế đi quán xá ăn uống, thay vào đó chúng tôi đặt đồ ăn giao tới tận nhà. Điều này giúp tôi cảm thấy an toàn, tuy đôi lúc hơi chán nhưng phải làm quen dần với nó" - chị Huyền nói.

Theo diễn viên Trang Hí, khi ở nhà và có nhiều thời gian rảnh, nếu không có những yếu tố giải trí bù đắp vào thì rất dễ bị bản thân có những suy nghĩ tiêu cực. Do đó, nhu cầu kết nối, chia sẻ trên mạng xã hội cũng tăng mạnh trong thời gian này.

Có người luôn cập nhật tin tức, số liệu về dịch bệnh cho bạn bè cùng biết, nhưng cũng có người chỉ thầm lặng nắm bắt và bình tĩnh trước những thông tin mới để tránh gây nhiễu cho cộng đồng. Cũng không ít người tranh thủ thời gian này để chăm sóc, yêu thương bản thân nhiều hơn như đọc sách, nghe nhạc, xem phim hay nấu ăn.

Anh Tuấn Tú - một nhân viên làm trong ngành marketing - cho biết anh có cơ hội dành thời gian cho bản thân hơn, xem những bộ phim hay nhưng chưa có điều kiện theo dõi trước đây, nấu ăn cho gia đình và việc này giúp anh cảm thấy mình điềm tĩnh hơn.

"Tôi chụp lại các món ăn và đăng lên Facebook, nhiều bạn bè thấy đẹp mắt và họ cũng bắt đầu nấu ăn nhiều hơn như tôi" - Tuấn Tú khoe.

Trong thời gian cách ly tại TP.HCM, Thùy Dung - một du học sinh trở về từ Hàn Quốc, luôn có những chia sẻ về cuộc sống trong khu cách ly, mang lại năng lượng tích cực đến mọi người.

Sau khi kết thúc việc cách ly, cô viết: "Sống luôn biết ơn từ những điều nhỏ bé, tinh thần lạc quan, nếu có thể thì chia sẻ với mọi người xung quanh. Hãy sống kiên định như vậy dù có dịch hay là không có dịch, lan tỏa sự tích cực đi khắp mọi nơi thì lúc nào bạn cũng sẽ thấy yêu đời và hạnh phúc".

Trực tuyến là miễn phí?

Tại VN, vẫn còn nhiều người mặc định "trực tuyến" là "miễn phí", dẫn đến sự khác biệt trong hành vi tiêu dùng giữa trực tuyến và thực tế. Người ta bỏ tiền mua vé xem phim rạp nhưng về nhà lại thích xem lậu phim.

Đó là thách thức cho dịch vụ giải trí trực tuyến ở VN. Họ phải cạnh tranh với những trang web phim, nhạc lậu và chứng minh với người tiêu dùng rằng dịch vụ của họ có chất lượng cao không kém các dịch vụ offline.

Nhạc trực tuyến "nóng" không kém phim ảnh

playlist covid-19 (read-only)

Không chỉ phim ảnh mà nhu cầu nghe nhạc cũng tăng mạnh những ngày gần đây. Các trang nghe nhạc trực tuyến như Spotify, NhacCuaTui, Zing MP3 đều có những chuyên mục âm nhạc tuyển chọn các ca khúc sôi động, mang lại năng lượng tích cực cho người nghe.

Ông Nguyễn Thanh Quang - trưởng phòng nội dung NhacCuaTui - cho biết đơn vị đã chuẩn bị sẵn nhiều nội dung, playlist cho khán giả.

Đối với nghệ sĩ, trong lúc hạn chế biểu diễn thì kênh nhạc số giúp họ giải tỏa được tình yêu âm nhạc. Các bài hát mang nội dung truyền cảm hứng và cổ động trong mùa dịch luôn được chúng tôi quan tâm và hỗ trợ hết mình.

Đời sống giải trí đìu hiu vì dịch COVID-19: Phim thất thu, nghệ sĩ chơi dài Đời sống giải trí đìu hiu vì dịch COVID-19: Phim thất thu, nghệ sĩ chơi dài

TTO - Do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều sự kiện văn hóa - giải trí phải hoãn tổ chức. Rạp phim vắng dẫn đến doanh thu giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giới nghệ sĩ hi vọng đời sống giải trí sẽ khởi sắc hơn vào tháng 3.

MI LY - TIẾN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên