Bệnh viện Đa khoa huyện Tịnh Biên |
Cuộc sống của mỗi người là thiêng liêng, chả thế mà hàng trăm ngàn người đã rơi nước mắt xúc động theo từng diễn biến của mẹ con chị Đậu Thị Huyền Trâm, bà mẹ bị ung thư đã quyết định hoãn điều trị để giữ con, rồi qua đời chỉ 17 ngày sau khi sinh non bé trai Trần Gấu.
Cũng vì quyền thiêng liêng ấy đã khiến nhiều người lại buồn giận, đau xót khi một bé trai 11 tháng tuổi vừa tử vong ở Tịnh Biên (An Giang), mà trước khi bé qua đời có chuyện chậm được cấp cứu do chưa hoàn tất thủ tục hành chính cho bệnh viện.
Bé trai 11 tháng tuổi cũng như tất cả các em bé dưới 6 tuổi khác vốn được Nhà nước cấp bảo hiểm y tế miễn phí.
Với trẻ dưới 6 tuổi, chính sách hiện có là miễn 100% chi phí điều trị, ngoại trừ trường hợp sử dụng kỹ thuật cao, chi phí lớn chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Nhưng ở bệnh viện tuyến huyện chắc chắn không có loại dịch vụ kỹ thuật cao đến mức này.
Có nghĩa là khi một em bé dưới 6 tuổi nhập viện, em phải được ưu tiên chữa bệnh trước khi bệnh viện tính toán chi phí với gia đình hay yêu cầu nộp thẻ bảo hiểm y tế và giấy khai sinh, chứng sinh chứng minh bé dưới 6 tuổi.
Ở giữa lằn ranh sống chết, nhưng những thủ tục lạnh lùng ấy đã khiến cháu bé mất khoảng 20 phút quý giá để được cấp cứu.
Đành rằng có thể cháu được gia đình đưa đến bệnh viện khá muộn, bệnh nặng và nhiều lý do nữa dẫn đến tử vong, nhưng 20 phút quý giá ấy chính là giọt nước tràn ly làm người ta bức xúc với những thủ tục cứng nhắc và vô cảm.
Những chính sách tưởng như rất rõ ràng là miễn 100% phí khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi lại là chuyện khó đối với nhóm trẻ có cha mẹ di cư hoặc nghèo khó, dễ tổn thương.
Đồng thời, dư luận cũng không khỏi bức xúc với những người thầy thuốc thiếu vắng sự tận tụy phục vụ khách hàng, nhất là khách hàng cần quan tâm đặc biệt như bệnh nhi.
Thật khó hiểu khi bệnh viện, vốn vẫn được người dân gọi là “nhà thương”, lại xảy ra những chuyện làm người ta không tưởng tượng nổi.
Ở Bệnh viện Nhi trung ương hôm đầu tháng 7 đã xảy ra chuyện nhiều bảo vệ cự cãi để “hỏi giấy tờ” chiếc xe cứu thương đang đưa một đứa trẻ hấp hối về lại quê nhà. Việc hỏi giấy tờ này kéo dài tới mức khiến đứa bé đã mất trước khi rời bệnh viện.
Ở một bệnh viện khác, hồi tháng 6 vừa qua cũng đã có một người nhà bệnh nhân khiếu nại tới tận bộ trưởng Bộ Y tế về chuyện khi người nhà anh này bị tai nạn giao thông đến cấp cứu thì có tới ba người đến hỏi “bị làm sao?”, chỉ định lòng vòng hai lượt X-quang và CT riêng rẽ làm người bệnh chờ mỗi dịch vụ khoảng hai giờ trong đêm rồi bức xúc ra về trước khi được bó bột như chỉ định của bác sĩ...
Ở đâu người ta cũng lấy lý do là bệnh nhân đông và viện phí thấp để giải thích cho những bất cập, mà ở bệnh viện thì những bất cập ấy lại liên quan đến tính mạng con người.
Có thể được cấp cứu đúng thời điểm nhập viện, tức hơn 20 phút so với thực tế, thì em bé 11 tháng tuổi ấy cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng ở lằn ranh sống chết, 1 phút vốn quý như vàng.
Trên những trang báo mấy ngày qua, bệnh viện giải thích lý do tử vong là do em bé ấy đã đến bệnh viện muộn, người mẹ mới từ Campuchia về nước sinh sống chưa có đủ các thủ tục...
Nhưng thủ tục nào cũng không thể bỏ qua tính mạng con người, mệnh lệnh nào bằng mệnh lệnh của trái tim và sự sống?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận