Phóng to |
Tổ ấm này luôn làm người khác ấm lây - Ảnh: Nguyễn Á |
Câu chuyện về cách giữ lửa tổ ấm của một phụ nữ tự nhận mình là bình thường như bao nhiêu người khác, chỉ khác là làm nghệ sĩ đã bắt đầu như thế với bức ảnh gia đình chị do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á chụp.
* Tôi muốn bắt đầu câu chuyện với lời chia sẻ của anh Nguyễn Á rằng anh rất thích chụp ảnh gia đình chị vì “khi tôi chụp, tôi thấy rõ tình yêu thương của họ và tự nhiên tôi thấy ấm áp lây”. Chị đã làm thế nào để các thành viên trong gia đình kết nối với nhau chặt chẽ và có một tổ ấm làm người khác thấy “ấm lây” khi tiếp xúc như vậy?
Gia đình hạnh phúc là một gia đình có sự thấu hiểu và chia sẻ với nhau cả ngọt ngào lẫn cay đắng, cả thành công lẫn thất bại. Gia đình đó cũng là một quần đảo với những cá thể xúm xít bên nhau, có kết nối với nhau chứ không phải là tập hợp của những ốc đảo cô đơn, mạnh ai nấy rút vào vỏ ốc của mình, mạnh ai nấy sống dù vẫn chung một mái nhà nhưng chẳng mấy khi gặp mặt và trò chuyện với nhau. |
- Không phải chỉ riêng mình tôi mà cả gia đình cùng chung sức đó chứ! Lửa một người không thể sưởi ấm cả gia đình. Chìa khóa kết nối các thành viên gia đình với nhau gồm có: bữa cơm - một bí quyết cũ nhưng luôn hiệu quả, những buổi đi uống cà phê với nhau và các chuyến du lịch. Dành thời gian cho nhau luôn là ưu tiên hàng đầu của mọi thành viên trong gia đình tôi. Khi ăn cơm, khi đi chơi với nhau, mỗi người gác những ưu tư của mình, dành thời gian lắng nghe nhau, chia sẻ nỗi niềm của người khác.
* Chị đã giữ gìn hạnh phúc như thế nào khi một mình “đóng” quá nhiều vai trò: người mẹ, người vợ, nghệ sĩ, thậm chí cả người làm kinh doanh gián tiếp?
- Tôi cân đối thời gian và những mối quan tâm của mình. Luôn có kế hoạch quản lý thời gian cụ thể. Giờ nào có mặt ở nhà thì làm việc gì và giờ nào việc đó. Tôi không thể chu toàn theo kiểu cái gì mình cũng làm như quét dọn, giặt giũ, nhưng chắc chắn tôi phải biết bữa nay nhà mình ăn gì và các con đang vui buồn thế nào, có vấn đề gì không. Tôi luôn nắm rõ nhịp sống của gia đình mình. Ðồng thời tôi thúc đẩy và có phương pháp để cả nhà cùng xúm tay vào chăm lo: cha mẹ làm gì, con làm gì. Cả nhà cùng xúm vào giữ hơi thở gia đình mình.
* Chị rất quan tâm đến việc kết nối và làm cả nhà chung sức. Ðó là điều ai cũng muốn nhưng không phải ai cũng làm được, nhất là khi các con luôn cảm thấy xa cách với cha mẹ. Chị làm sao để làm bạn với con?
- Thật ra làm bạn với con là điều rất khó vì khoảng cách thế hệ là thực tế không thể phủ nhận. Tôi chỉ cố gắng làm cho con thương mình, quý mình như một người bạn lớn đáng kính trọng nhưng cũng đủ gần gũi để chia sẻ, không giấu giếm mình bất cứ chuyện gì. Thứ tự giao tiếp giữa tôi với con là lắng nghe - chia sẻ để thấu hiểu - sau đó khuyên nhủ rồi nhắc nhở, nếu có vấn đề nghiêm trọng hơn nữa thì khiển trách. Trước mỗi vấn đề tôi và con thảo luận với nhau, con có thể phản biện nếu tôi sai và khi sai tôi cũng nhận lỗi. Tôi cũng có đánh đòn các con nhưng mỗi khi đánh đều yêu cầu con nằm xuống, mẹ nhịp roi và mỗi roi đánh xuống đều kèm giải thích rõ ràng là tại sao mẹ đánh. Mẹ đánh là do con phạm lỗi như thế nào chứ không bao giờ đánh con vì sự nóng giận của mình.
* Theo chị, sự thành công, thất bại của những đứa con phụ thuộc vào sự giáo dục của cha mẹ ở mức độ nào?
- Sự phụ thuộc ấy rất cao, gần như hoàn toàn. Ngay từ nhỏ, nề nếp gia phong của gia đình đã ảnh hưởng đến trẻ trong vô thức. Cha mẹ nào gieo mầm thiện cho con từ nhỏ thì cây thiện sẽ lớn lên cùng con theo thời gian. Tấm gương dù thành công hay thất bại của cha mẹ đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến con cái. Ứng xử của cha mẹ trong sóng gió, khó khăn của đời sống sẽ ảnh hưởng đến con cái một cách vô thức trong quyết định của chúng về sau này.
* Xin cảm ơn và kính chúc gia đình chị luôn hạnh phúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận