25/09/2013 08:59 GMT+7

Một năm tăng giá viện phí: Dân kêu, bệnh viện cũng kêu

T.LŨY - TẤN THÁI - KHOA NAM - Đ.VỊNH
T.LŨY - TẤN THÁI - KHOA NAM - Đ.VỊNH

TT - Trước khi thực hiện tăng viện phí, ngành y hứa hẹn sẽ cố gắng tăng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Một năm qua đi, người dân vẫn cho rằng giá tăng nhưng mọi chuyện chưa chuyển biến nhiều.

Hà Nội tăng viện phí lên gấp đôi mức hiện hànhHà Nội tăng viện phí gấp đôiKhai mạc kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM: chưa đề xuất tăng viện phí

aNIIymqu.jpgPhóng to
Tiếp nhận thông tin bệnh nhân của Bệnh viện Sản - nhi Cà Mau được đặt ở khu vực hành lang - Ảnh: T.Thái

Trong khi đó các bệnh viện lại than về chuyện phải chi vượt quỹ bảo hiểm y tế, thậm chí còn “bị lỗ”.

Hầu hết các bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long đều bắt đầu tăng viện phí từ tháng 8 hoặc tháng 9-2012. Đến nay, đa số bệnh viện đều khẳng định có những thay đổi đáng kể sau khi tăng viện phí, nhưng người dân thì cho rằng cơ sở vật chất vẫn còn yếu kém, trong đó thái độ phục vụ là một trong những vấn đề bị than phiền nhiều nhất.

Chất lượng tăng chưa tương xứng

"Trước đây thu thế nào tôi không rõ, hiện bệnh viện thu như vậy tôi thấy vừa phải, không quá cao. Tôi chỉ băn khoăn một điều là chất lượng phục vụ của nhân viên y tế vẫn chưa được tốt, còn thiếu ân cần, nhã nhặn với bệnh nhân"

Một bệnh nhân

Tìm hiểu thực tế tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho thấy tình trạng xuống cấp và quá tải chưa được khắc phục ở một số khoa phòng.

Chị Nguyễn Thanh Mai (ở quận Cái Răng) nuôi người nhà tại khoa sản của bệnh viện cho biết mặc dù tiền khám bệnh, tiền giường, tiền mổ tăng nhiều so với trước nhưng phòng ốc còn dơ quá, có chỗ bị ngập nước, nhà vệ sinh hôi hám, phòng bệnh thì chật chội.

“Ở đây chỉ có phòng dịch vụ khoa sản là sạch sẽ thôi, nhưng đắt tiền, không mấy ai dám nằm ở đó”. Khi được hỏi về thái độ của bác sĩ và nhân viên phục vụ, không ít bệnh nhân e dè trả lời rằng có thắc mắc gì cũng không dám hỏi vì bác sĩ ít khi trả lời, có khi còn bị mấy cô y tá la rầy về “tội” hỏi nhiều.

Tại một bệnh viện lớn khác của TP Cần Thơ là Bệnh viện Nhi Đồng, tăng viện phí không làm cho tình hình chất lượng phục vụ được cải thiện nhiều hơn.

“Ở đây cơ sở quá xuống cấp, chật hẹp, ngay cả việc xây dựng nhà vệ sinh hay đặt thêm thùng rác cũng không có chỗ” - bác sĩ Lê Hoàng Sơn, giám đốc bệnh viện, nói. Việc tăng viện phí có tăng nguồn thu cho bệnh viện thêm gần 20%, phần trích ra 45% để tăng thu nhập cho nhân viên, chỉ còn lại 25% đầu tư phát triển.

Tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, theo bác sĩ Đặng Quang Tâm - giám đốc bệnh viện - cho biết cơ sở vật chất của bệnh viện khá khang trang, sạch sẽ nhưng một số người dân vẫn tỏ thái độ chưa hài lòng.

Trong khi đó, anh Trần Văn Tèo (huyện Bình Tây, tỉnh Vĩnh Long) lại nói: “Mẹ tui nằm ở khoa hồi sức, mỗi ngày cả tiền phòng, tiền máy thở, tiền thuốc tốn hơn 1 triệu đồng. Nhưng nhà vệ sinh hư hỏng không ai sửa chữa, chỗ ngồi cho người nuôi bệnh không đủ, chúng tôi trải chiếu ngồi ngoài sân thì bị y tá kêu bảo vệ đuổi, rất khổ sở”.

Theo Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Cà Mau, sau khi áp dụng viện phí mới, nguồn thu của các bệnh viện tăng lên đáng kể (gần 50 tỉ đồng so với trước).

Tuy nhiên, vẫn còn một số bệnh viện chưa có sự chuyển biến tích cực hoặc thay đổi chưa rõ nét về chất lượng khám chữa bệnh. “Việc khám chữa bệnh không thể thay đổi trong một thời gian ngắn được. Nhiều khi có thay đổi như thái độ phục vụ thì người dân nhận ra, có người lại chưa thấy thay đổi” - ông Huỳnh Quốc Việt, giám đốc Sở Y tế Cà Mau, giải thích.

Cũng theo ông Việt, công tác khám và chữa bệnh theo bảo hiểm y tế (BHYT) đang gặp nhiều khó khăn, một số bệnh viện như Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, Bệnh viện khu vực Cái Nước... phải chi vượt quỹ, nên không đủ thanh toán tiền thuốc cho các công ty dược.

Bác sĩ Bùi Văn Te - giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang - cho biết nhờ khoản tăng thêm này mà bệnh viện bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng và bố trí lại khu vực phòng khám, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận bệnh nhân, đồng thời mạnh dạn đầu tư tiếp nhận kỹ thuật điều trị mới chuyển giao từ tuyến trung ương.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân cho rằng tình trạng quá tải vẫn còn, đặc biệt là thái độ phục vụ, tiếp xúc bệnh nhân của nhân viên y tế thì không tiến bộ hơn trước.

i7c4qmof.jpg
Phòng điều trị chật chội, người nhà bệnh nhi Bệnh viện Nhi Đồng TP Cần Thơ đã phải thuê võng cho bệnh nhi nằm - Ảnh: C.Quốc

Quỹ BHYT bội chi

Theo Bảo hiểm xã hội Cần Thơ, trong năm 2012 số tiền vượt quỹ BHYT của thành phố là gần 89 tỉ đồng, sáu tháng đầu năm nay tình trạng vượt quỹ tiếp tục diễn ra tại các bệnh viện. Một trong các nguyên nhân vượt quỹ BHYT là do lượng bệnh nhân khám trái tuyến, vượt tuyến quá nhiều.

Cụ thể, tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, Bệnh viện quận Ô Môn, Thốt Nốt có số người bệnh khám vượt tuyến lên TP.HCM khá cao, gây ra tình trạng chi vượt quỹ. Bác sĩ Lê Quang Võ - giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ - nói trong năm 2012 bệnh viện phải thanh toán số tiền trên 35 tỉ đồng cho bệnh nhân BHYT đi khám chữa bệnh vượt tuyến.

Lãnh đạo các bệnh viện quận Ô Môn và Thốt Nốt cũng cho biết số bệnh nhân BHYT của đơn vị mình đi khám chữa bệnh vượt tuyến khá đông, dù họ chỉ được thanh toán có 30% chi phí, bù lại là tuyến trên thường cho toa thuốc “mạnh tay”, nên số tiền điều trị rất cao.

Từ thực tế này, có bệnh viện đề nghị “siết” không thanh toán BHYT cho bệnh nhân tự ý đi khám ngoại trú vượt tuyến.

Theo bác sĩ Võ Hồng Sở - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, từ lúc tăng tiền viện phí đến nay, nguồn thu bệnh viện cũng tăng được khoảng 10%. Dù tăng như vậy nhưng thực tế một số dịch vụ kỹ thuật vẫn bị “lỗ vốn”, như bó bột, chạy thận nhân tạo. Về cơ sở vật chất thì xuống cấp, chật hẹp, bệnh viện phải kê thêm giường để tránh việc bệnh nhân phải nằm ghép, nhưng vẫn còn quá tải cục bộ ở một số khoa.

Trong cuộc họp chấn chỉnh về những sai sót chuyên môn, y đức cho tất cả bệnh viện trực thuộc tại Sở Y tế Cần Thơ mới đây, lãnh đạo nhiều bệnh viện cũng “kêu” rằng bệnh viện đang rất khó khăn vì lượng bệnh nhân có thẻ BHYT đăng ký tại bệnh viện nhưng đi khám vượt tuyến lên TP.HCM quá nhiều. Do vậy bệnh viện phải ứng tiền trước trả cho tuyến trên nhưng cơ quan bảo hiểm chậm thanh toán, gây khó khăn...

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang - cho biết từ khi áp dụng mức thu viện phí mới vào cuối tháng 9-2012 tới nay, dù ít nghe bệnh nhân trực tiếp than phiền nhưng các khoa lại báo cáo số bệnh nhân trốn viện tăng đáng kể. Ước tính hiện nay mỗi tháng số tiền viện phí do bệnh nhân bỏ trốn cũng lên tới vài trăm triệu đồng.

Bác sĩ Huỳnh Hải Đăng - trưởng khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang - cho rằng thật ra mức điều chỉnh viện phí theo thông tư mới của liên bộ Y tế - Tài chính không quá cao, thậm chí có một số loại dịch vụ y tế còn giảm giá. Việc tăng viện phí không gây áp lực quá lớn cho bệnh nhân, mà gánh nặng thật sự lại đổ lên quỹ BHYT.

Theo ông Thái Văn Tính - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang, cuối năm 2011 quỹ BHYT của tỉnh bội chi hơn 1 tỉ đồng, đến cuối năm 2012 mức chi vượt trần, vượt quỹ lên tới trên 66,7 tỉ đồng. Từ đầu năm 2013 tới nay, quỹ BHYT tiếp tục âm trên 40,37 tỉ đồng.

Giải thích nguyên nhân bội chi quỹ BHYT do tăng viện phí, ông Thái Văn Tính cho rằng hiện tại Bảo hiểm xã hội VN phân bổ định suất BHYT theo đầu thẻ, mức thu BHYT cũng chưa điều chỉnh tăng, trong khi mức thu viện phí và nhiều loại dịch vụ y tế đã tăng trước. “Nếu các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục lạm dụng thuốc ngoại và kỹ thuật phức tạp sẽ làm tăng mức bội chi, thậm chí sẽ bị xuất toán” - ông Tính nói.

Hài lòng với bệnh viện mới

Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Bình (tỉnh Vĩnh Long) mới được đưa vào hoạt động từ đầu năm đến nay. Cách đây một năm bệnh viện rất tệ, người bệnh khi biết phải điều trị nội trú đều ngán ngẩm. Bà Nguyễn Ngọc Thắm (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình), nuôi mẹ bị bệnh ở đây suốt cả tuần nay, nói: “Trước đây mẹ tui có nằm ở bệnh viện cũ. Cả chục người chen chúc trong cái phòng chật cứng, nóng nực không thở được. Nay bệnh viện mới thấy khỏe hơn nhiều”.

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, cho biết thời gian qua nhờ tăng giá viện phí, bệnh viện tự chủ được một phần kinh phí nên đầu tư, sửa chữa, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị và đồ dùng cần thiết. Bà Yến dẫn chứng: “Ở khu khám bảo hiểm y tế chúng tôi đã trang bị hệ thống rút số tự động để người bệnh bốc số nhanh hơn, không phải ngồi chờ đợi nhân viên phát số. Hồi trước mơ chứ không có tiền mua”.

Theo bà Yến, hiện nay khu nội trú của bệnh viện được xem là ổn định, khang trang hơn cả. Bệnh viện vừa trang bị thêm 100 giường inox và 250 nệm cho bệnh nhân. “Hiện nay không có tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường. Thỉnh thoảng vào ngày thứ hai có xuất hiện tình trạng quá tải, lúc đó bệnh viện tăng cường ghế bố cho bệnh nhân”. Về tinh thần, thái độ phục vụ, bà Yến nói cũng có nghe phản ảnh của người bệnh nhưng mật độ đang giảm dần. Hằng tháng bệnh viện có tổ chức họp hội đồng bệnh nhân để nghe người bệnh và người nuôi bệnh có thắc mắc gì và giải đáp ngay.

THÚY HẰNG - NGỌC TÀI

T.LŨY - TẤN THÁI - KHOA NAM - Đ.VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên