Theo tính toán của UBND TP, từ ngày 1-8 mức giá các dịch vụ khám chữa bệnh tăng bình quân khoảng hai lần so với mức giá đang áp dụng tại các bệnh viện công của Hà Nội.
Ở lĩnh vực giáo dục, mức thu tối đa với trường mầm non và tiểu học công lập chất lượng cao là 2,9 triệu đồng/tháng/học sinh năm học 2013-2014, năm 2014-2015 là 3,2 triệu đồng; Trường THCS, THPT công lập thu tối đa 3 triệu đồng/tháng/học sinh năm học 2013-2014 và tối đa 3,4 triệu đồng năm học 2014-2015.
Chiều 6-7, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đọc tờ trình về “chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thủ đô; danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản phi vật thể trên địa bàn thủ đô”.
Tờ trình này vấp phải nhiều ý kiến phản biện của các đại biểu. “Tôi cho rằng việc chuẩn bị của UBND TP là chưa đến nơi đến chốn và chưa đủ. Không thể nói lý do là không có nhiều thời gian. Riêng danh mục biệt thự từ năm 2008 HĐND TP đã có nghị quyết rồi, không thể nói là chúng ta không nắm được và không phân nhóm được. Nếu hôm nay UBND TP đưa số biệt thự như vậy, chưa phân nhóm bảo tồn loại I, bảo tồn loại II, bảo tồn loại III thì chúng tôi không thông qua được” - đại biểu Nguyễn Hoài Nam, trưởng Ban pháp chế HĐND TP, lên tiếng.
Còn đại biểu Chu Sơn Hà, phó Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, cho rằng giải trình của UBND TP hình như là cố “gọt chân cho vừa giày”. “Chúng tôi đề nghị nên dừng lại không thông qua nghị quyết này để UBND TP chuẩn bị lại kỹ càng hơn. Đây không phải là vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, không cấp bách, vì vậy cần lùi lại để nghị quyết thông qua đảm bảo chất lượng, đảm bảo uy tín của HĐND TP” - ông Hà nhấn mạnh.
Trước nhiều ý kiến trái chiều, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đăng đàn xin rút toàn bộ “danh mục các công trình phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu...” để giao các ngành chuẩn bị lại.
Lên trường chất lượng cao, con em nghèo học ở đâu? Thảo luận về cơ chế tài chính áp dụng với trường công lập chất lượng cao trong năm học 2013-2014, 2014-2015, ông Lê Văn Hoạt, phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội, băn khoăn việc những con em nghèo đang học ở trường công lập bình thường khi chuyển sang trường công chất lượng cao. “Tôi ví dụ các em đang học từ lớp 6 đến lớp 9 ở trường công bình thường. Giờ đã học được hai năm rồi nhưng trường chuyển sang mô hình chất lượng cao, chẳng lẽ chúng ta nói em nào tiếp tục theo học chất lượng cao thì học, em nào có tiền nộp vào đây, em nào không có tiền thì đi học trường khác. Sự thật có phải vậy không?” - ông Hoạt hỏi. Phúc đáp băn khoăn của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết toàn TP hiện đang có 18 trường thí điểm mô hình chất lượng cao, trong đó đã có 13 trường chất lượng cao toàn phần, còn 5 trường đang thí điểm chất lượng cao từng phần. “Hiện nay TP đã thống nhất nguyên tắc chỉ những trường nào đạt được các tiêu chí của trường chất lượng cao mới được vận dụng cơ chế tài chính này” - bà Ngọc nói. Việc chuyển tiếp sẽ chỉ diễn ra ở năm trường đang thí điểm chất lượng cao từng phần, bà Ngọc khẳng định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận