29/11/2015 08:48 GMT+7

Mong ngày mai sẽ khá hơn...

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Nhiều hộ nông dân ở tỉnh Hải Dương dù nghèo khó, vất vả sớm khuya nhưng không bao giờ đành lòng cho con cái bỏ học.

Niềm mong mỏi của chị Vũ Thị Hồng là đàn heo luôn khỏe mạnh để có tiền cho con yên tâm đi học - Ảnh: V.V.Tuân
Niềm mong mỏi của chị Vũ Thị Hồng là đàn heo luôn khỏe mạnh để có tiền cho con yên tâm đi học - Ảnh: V.V.Tuân

* Học bổng “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tỉnh Hải Dương 
* Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn Hải Dương và Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam 
* Tài trợ: Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam

Nhưng họ đang đứng trước vô vàn gian khó và mong ước có cơ hội để thay đổi cuộc sống.

Vươn lên thoát nghèo

Gia đình chị Vũ Thị Hồng (thôn Cam Đông, xã Việt Hưng, huyện Kim Thành) gồm hai mẹ con thuộc hộ cận nghèo. Sau khi chồng mất, chị thường đi làm thuê ở trại gà với mức lương 2 triệu đồng/tháng nhưng gần một năm nay, sau khi phải phẫu thuật khối u thanh quản, chị không thể đi làm thuê ở đó được nữa. Vậy là chị ở nhà, một mình nuôi bốn con heo nái, lại trồng thêm 2 sào cây ớt, 5 sào hành, tỏi để kịp bán vụ Tết Nguyên đán.

“Một năm tôi được hai lứa heo con, nếu may mắn không bị dịch bệnh thì lãi khoảng 5-6 triệu đồng/lứa. Có khi để heo con lại chăm, được trả 1 triệu đồng/con nhưng tôi chưa bán vì muốn nuôi lớn hơn nhưng đùng một cái, dịch bệnh ập đến, mất cả tiền vốn lẫn tiền mua cám. Nếu có vốn, tôi sẽ đầu tư thêm mua cám. Một bao cám bây giờ, nếu mua trả tiền ngay sẽ tiết kiệm được 25.000 đồng. Vì thế, nếu có thêm vốn “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, tôi sẽ tiết kiệm được nhiều hơn” - chị Hồng chia sẻ.

Gia đình chị Trần Thị Xim (thôn An Lão, xã Thanh Khê, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) trước khi tham gia chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” đã thuộc hộ nghèo, chồng mất sớm, một mình chị nuôi bốn con nhỏ, cả nhà chỉ có mình chị là lao động chính với trên 3 sào ruộng và chăn nuôi heo nhỏ lẻ, cuộc sống rất khổ cực.

Từ khi được hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, gia đình đã đầu tư và dần dần mở rộng quy mô nuôi heo thịt, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 70 triệu đồng, vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, bốn người con của chị yên tâm học hành, đến nay hai con lớn của chị đã ra trường, đi làm, lập gia đình.

Chị Xim kể sau khi được vay vốn, chị đầu tư xây thêm được ba gian chuồng nuôi heo, đồng thời tận dụng đất vườn trồng vải, trồng gấc. Hiện đàn heo của chị có khoảng 50 con và vườn vải, gấc mỗi năm đem về cho gia đình chị 20 - 30 triệu đồng. Đến tháng 12-2014, chị không những đã trả hết vốn cho chương trình mà còn xây được ngôi nhà mới khang trang.

Không để con bỏ học

Hoàn cảnh gia đình anh Nhữ Văn Thủy (thôn Nhữ Thị, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang) cũng ngập tràn khó khăn. Gia đình anh có bốn người con, con lớn nhất đang học lớp 12, con út mới học mẫu giáo. Việc học của các con anh gặp nhiều khó khăn vì thu nhập chủ yếu dựa vào trồng lúa. Trong khi đó vào năm 2006, vợ anh bị viêm quai hàm và từ đó thường xuyên đau ốm, phải đi viện, uống thuốc luôn. Mọi việc trong nhà đều do một mình anh cáng đáng.

Hiện anh thường nuôi vịt, gà thả ngoài đồng (khi xong vụ lúa). Vì thế, bất kể mưa gió, rét buốt, tối nào anh cũng phải ngủ lều bạt ngoài đồng trông vịt. Nhưng mỗi lứa vịt khoảng hai tháng mới xuất chuồng được, nếu may mắn không có dịch bệnh thì gia đình mới có chút lãi, còn gặp dịch bệnh, vịt gà chết nhiều thì chỉ hòa vốn, công sức bỏ ra không tính.

“Một năm 12 tháng thì có đến 6 - 7 tháng tôi ngủ ngoài đồng trông vịt, gà” - anh Thủy nói. Hiện căn nhà gia đình anh ở đã dột nhiều chỗ, trời mưa thì phải thay nhau hứng nước mưa trong nhà, nhưng anh vẫn phải để dành tiền làm một khu nuôi heo mới để lấy thêm tiền cho con ăn học.

Nhiều lúc thấy gia đình khó khăn quá, các con xin nghỉ học để ở nhà đỡ đần bố nhưng anh không nỡ cho con nghỉ học nên lại động viên các con đến lớp. Không phụ công anh, các con anh năm nào cũng được giấy khen của trường, của huyện vì đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Từng tờ giấy khen của các con, vợ chồng anh cất trong tủ, giữ gìn cẩn thận như những món quà mà các con đền đáp.

“Thấy các con cố gắng học, đứa nào cũng ngoan ngoãn, học giỏi, đó là động lực rất lớn để tôi cố gắng làm việc, quên đi những mệt mỏi, lo toan thường ngày. Khi nhận được tiền “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, tôi sẽ đầu tư chăn nuôi heo để có thêm thu nhập cho gia đình” - anh Thủy mong muốn.

“Tiếp sức” 60 hộ nông dân tỉnh Hải Dương

Sáng 29-11, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam, Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Hải Dương tổ chức lễ trao vốn chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” cho 60 hộ nông dân huyện Kim Thành (hai xã Việt Hưng, Tuấn Hưng) và huyện Bình Giang (hai xã Thái Hòa, Thái Dương), tỉnh Hải Dương. Dịp này, ban tổ chức cũng trao thưởng cho 60 học sinh vượt khó học giỏi là con của 60 hộ nông dân tham gia chương trình.

Đây là lần thứ hai chương trình đến với tỉnh Hải Dương. Trong đợt trao vốn 2012 - 2014, hầu hết 60 hộ tham gia chương trình đều hoàn trả vốn và có thêm điều kiện lo cho con học tập. Tổng kinh phí đợt trao vốn này trị giá hơn 1 tỉ đồng do Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam tài trợ. Mỗi hộ nông dân sẽ được nhận vốn 15 triệu đồng tiền mặt và thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng trong vòng hai năm để đầu tư chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình, lo cho con cái ăn học.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên