Hiện nay, bệnh tim mạch khiến 17,3 triệu người chết hằng năm, và các chuyên gia dự đoán sẽ tăng đến 23 triệu người vào năm 2030.
Có ba yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch được thừa nhận là: hút thuốc lá, ăn uống quá nhiều và lười tập thể dục. Gần đây, các chuyên gia cho thấy chính môi trường sinh sống, làm việc và vui chơi cũng có ảnh hưởng rất lớn đến “sức khỏe tim mạch”, đặc biệt là trong điều kiện đô thị hóa ngày càng nhiều thì ít được quan tâm, lưu ý.
Môi trường sống tốt đẹp là một nhu cầu không phải ai cũng có thể lựa chọn trong tình trạng đô thị hóa hiện nay.
Hầu như tất cả người thành phố đang “mắc kẹt” trong ba nguy cơ: (1) tình trạng thiếu không gian xanh, (2) ăn uống không lành mạnh: thức ăn nhanh, thức ăn giàu năng lượng, nước uống có gas có cồn... và (3) môi trường sống bị ô nhiễm: tiếng ồn, khói xe, bụi bặm, khói thuốc lá...
Ngày tim mạch thế giới 29-9 năm nay có chủ đề là tạo ra “Môi trường lành mạnh cho quả tim”. Với chủ đề này, Liên đoàn Tim mạch và Tổ chức Y tế thế giới muốn nhấn mạnh, cổ xúy việc cải tạo, xây dựng một môi trường tốt nơi con người sống, làm việc và vui chơi.
Để phòng tránh bệnh tim mạch cụ thể gồm bốn công việc sau: (1) tạo không gian xanh, không ô nhiễm, (2) không có khói thuốc lá, (3) chế độ ăn uống hợp lý, ít muối, giảm béo, giảm cồn, gas... và (4) tăng cường vận động thể lực.
Trong các bệnh mãn tính, dự phòng và điều trị thường cần hội đủ ba yếu tố như cái “kiềng ba chân” theo thứ tự mức độ quan trọng là: chế độ ăn uống, chế độ vận động và thuốc men. Thiếu một trong ba yếu tố trên “kiềng” sẽ ngã đổ.
Các chuyên gia lại gom chế độ ăn uống và chế độ vận động thành lối sống. Lối sống đúng đắn, hợp khoa học giúp con người phòng bệnh tim mạch nói riêng và các bệnh mãn tính nói chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận