29/08/2024 09:20 GMT+7

Mọi hoạt động hành chính ở TP.HCM vận hành trên nền tảng số vào 2025

"Đến năm 2025, mọi hoạt động hành chính phải được vận hành trên nền tảng số", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từng quyết tâm như thế khi nói về việc xây dựng nền hành chính điện tử.

Mọi hoạt động hành chính ở TP.HCM vận hành trên nền tảng số vào 2025 - Ảnh 1.

Công chức Trương Nhật Minh hướng dẫn người dân làm thủ tục trên Cổng thông tin điện tử quốc gia tại UBND phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM ngày 28-8 - Ảnh: T.T.D.

Có thể thấy TP.HCM đang nỗ lực rất lớn trên hành trình "số hóa" nền hành chính và ngay bây giờ phải có sự tập trung cao để phát triển các dịch vụ công, giúp TP đặt mục tiêu chỉ số cải cách hành chính (PARI) vào top 15 trong năm 2024 (năm 2023 xếp hạng TP đạt 33/64 tỉnh thành).

Tập trung cao phát triển dịch vụ công trực tuyến

Tại địa phương, nhiều nơi xem công tác giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là triển khai hướng dẫn nhân dân về các dịch vụ công trực tuyến như một "ngày hội". Chẳng hạn phường Hiệp Bình Chánh, phường đông dân nhất TP Thủ Đức, thời gian qua đã phát động ngày hội "Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày".

Ngay ở cửa ra vào được bố trí bàn hướng dẫn người dân đăng ký và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Chị Tâm Anh (ngụ phường Hiệp Bình Chánh) đến phường xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục mua bán nhà đất. Thông thường trước đây phải viết và nộp giấy, chờ qua ngày mới có kết quả. Nhưng giờ đây chị được hướng dẫn tạo tài khoản dịch vụ công trên cổng thông tin điện tử quốc gia để thực hiện trực tuyến, nhận kết quả ngay trong ngày.

"Các thủ tục về sau mình chỉ cần ở nhà đăng ký trực tuyến là được", chị Tâm Anh nói.

Ông Thi Văn Ngọc Tuấn, phó chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, nói việc đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến như thế này giúp người dân giảm thời gian đi lại, cán bộ, công chức cũng có thể xử lý hồ sơ ngoài giờ hành chính, không bị quá tải công việc.

Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, tính đến tháng 7-2024, chủ tịch UBND TP đã ban hành 7 quyết định phê duyệt danh mục 966 dịch vụ công trực tuyến, trong đó: 611 dịch vụ toàn trình, 355 dịch vụ công một phần.

Đã có 1.874 thủ tục hành chính được công khai trên hệ thống. Hệ thống này xử lý khoảng 10.000 hồ sơ/ngày, 100% thủ tục hành chính được UBND TP phê duyệt đã được thiết lập tiếp nhận và xử lý, 354 cơ quan, đơn vị tham gia với 10.000 tài khoản cán bộ công chức, hơn 200.000 tài khoản công dân.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan triển khai cấp chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đã triển khai cấp 1.594.644/5.889.162 chữ ký số (đạt 27% tỉ lệ người trưởng thành có chữ ký số).

Ngoài ra, TP đã triển khai nhiều ứng dụng để cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến các tiện ích cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp như cổng dịch vụ công TP, hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai, cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin (1022), cổng thông tin giao thông, giáo dục, thoát nước, quy hoạch; các ứng dụng tương tác trực tuyến giữa người dân và UBND các quận, huyện.

Mọi hoạt động hành chính ở TP.HCM vận hành trên nền tảng số vào 2025 - Ảnh 2.

Cán bộ phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến chiều 28-8 - Ảnh: T.T.D.

Số hóa văn bản, hồ sơ, nhận gửi qua môi trường điện tử

Ngay từ năm 2023, UBND TP là cơ quan đi đầu trong việc số hóa hồ sơ, văn bản và những công tác chỉ đạo, điều hành cũng dần được thực hiện trên nền tảng số.

Đến trụ sở UBND TP.HCM những ngày cuối tháng 8 này không còn hình ảnh những chồng hồ sơ, văn bản đầy ắp bàn làm việc của chuyên viên như trước đây.

Từ 1-8, hơn 70% lượng hồ sơ, văn bản giấy đã được tiếp nhận trên môi trường điện tử (trừ 4 loại hồ sơ bắt buộc vẫn nhận giấy).

Ông Phạm Phương Vinh - phòng hành chính tổ chức (UBND TP.HCM) - cho biết trước đây đầu mối văn bản giấy tới UBND TP thì bộ phận của phòng hành chính sẽ tiếp nhận, phân loại và trình cho lãnh đạo từng lĩnh vực. Sau đó, chuyên viên lấy về và chuyển đến các phòng xử lý, xử lý xong trình cho lãnh đạo duyệt, duyệt xong lại trình lên thường trực ủy ban.

Chưa kể trong giai đoạn đó có nhiều chỉnh sửa hoặc thất lạc văn bản do số lượng hồ sơ giấy quá nhiều phải di chuyển tới lui các phòng. Phức tạp hơn khi lãnh đạo UBND TP đi công tác nước ngoài, phải đợi lãnh đạo về hoặc người đó phải ký ủy quyền lại cho lãnh đạo còn lại xử lý các văn bản giấy.

"Trước đây với văn bản giấy, chuyên viên phải vào trụ sở và tương tác trong văn bản giấy mới làm được khiến lượng hồ sơ tồn khá lớn.

Hiện nay chuyên viên chỉ cần một laptop và chữ ký số được xác thực và ở bất kỳ vị trí nào cũng có thể xử lý được hồ sơ. Chuyên viên có thể theo dõi ai đã nhận hồ sơ, ai chưa xem hồ sơ, ai chưa xử lý... tất cả đều được quản lý qua hệ thống", ông Vinh nói.

Việc nhận gửi văn bản điện tử còn giúp tiết kiệm được kinh phí bởi trước đó với hồ sơ giấy việc gửi nhận thông qua đường bưu điện cơ quan nhà nước chi phí rất cao.

Thời gian tới trong khâu tiếp nhận văn bản, hồ sơ điện tử dự kiến sẽ mở rộng kết nối từ phần mềm một cửa liên thông gồm 136 thủ tục hành chính tích hợp vào hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại văn phòng UBND TP. Đồng thời sẽ mở rộng việc gửi nhận văn bản điện tử đến các tổng công ty và các công ty trực thuộc UBND TP.

Thông qua hệ thống này các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp vào trang web của văn phòng UBND TP theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ của chính mình.

Việc gửi nhận văn bản điện tử góp phần hỗ trợ thay đổi tác phong làm việc từ nền hành chính dựa trên giấy tờ sang nền hành chính điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Ngoài "vật lực" thì cần hướng tới "nhân lực"

Mọi hoạt động hành chính ở TP.HCM vận hành trên nền tảng số vào 2025 - Ảnh 4.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường đại học Luật TP.HCM, chia sẻ để đạt được kết quả 100% số hóa vào năm 2025 như TP mong muốn thì cần nhiều hơn nữa về nguồn lực, trong đó nhân lực chuyên môn hành chính và chuyên môn kỹ thuật là quan trọng. Sự phối hợp cao độ, chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, đơn vị. Đặc biệt phải gắn với mục tiêu nâng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công của người dân dần dần, đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng mô hình dịch vụ công trực tuyến, từ đó hình thành thói quen sử dụng dịch vụ trên môi trường số.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - cho rằng định hướng chuyển dịch hệ thống hành chính công lên môi trường số của TP.HCM là hướng đi đúng nhằm khai thác sức mạnh của công nghệ để tạo đột phá về hiệu quả cung cấp dịch vụ hành chính công; hiệu quả quản trị đô thị và quản trị nội bộ. Trong những năm vừa rồi, TP đã tạo lập được các nền tảng tốt bước đầu cả về kỹ thuật và thể chế.

Trên nền tảng đó, ngay trong ngắn hạn, 1-2 năm tới TP.HCM sẽ tạo được đột phá trên 2 công việc cụ thể: thứ nhất, cung cấp tiện ích làm giấy tờ hành chính cho người dân ngay trên ứng dụng Công dân số TP.HCM.

Đồng thời, lãnh đạo TP hằng ngày mở điện thoại thông minh của mình sẽ có được báo cáo kết quả công việc chính cập nhật hằng giờ; hằng ngày công việc của công chức, sở ngành.

"Đã đến lúc người dân, doanh nghiệp ở TP cần được thụ hưởng kết quả trực tiếp từ đầu tư cho chuyển đổi số, thông qua những tiện ích nhỏ nhưng trực tiếp trong đời sống, công việc hằng ngày" - ông Đồng nói.

5 công trình phục vụ nền hành chính điện tử tại UBND TP.HCM

UBND TP.HCM đã xây dựng 5 công trình chung tay vào chặng đường xây dựng nền hành chính điện tử hướng đến chính quyền số, xây dựng TP thông minh, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, nơi đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. 5 công trình gồm:

Tính năng đăng ký, tổng hợp lịch công tác của Thường trực UBND TP, gửi thư mời họp trên môi trường mạng; Triển khai chữ ký số trong xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; Giải pháp và thiết bị gửi nhận văn bản mã hóa (loại văn bản mật) trên môi trường mạng cho 117 đơn vị trên địa bàn TP bằng thiết bị và giải pháp Ngành Cơ yếu; Triển khai thực hiện "tính năng lấy ý kiến các thành viên UBND TP trên môi trường mạng"; Bổ sung các tính năng, tiện ích phần mềm "theo dõi chỉ đạo điều hành của Thường trực UBND TP".

Cố gắng đầu năm 2025 không còn lệ thuộc vào điểm tiếp nhận cố định

Từ một địa phương có chỉ số cải cách hành chính (PARI) đứng vị trí cuối bảng trong số 22 đơn vị cấp huyện, TP Thủ Đức đưa vào vận hành trung tâm hành chính công đầu tiên của TP.HCM và đạt được những tín hiệu tích cực bước đầu.

Trung tâm này có chức năng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý của UBND. Đồng thời, tham mưu công tác cải cách hành chính, thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hành chính...

Đánh giá về mô hình Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng đây là mô hình mẫu để TP.HCM nghiên cứu xây dựng Trung tâm hành chính công TP.HCM thời gian tới.

"TP.HCM hướng đến việc xây dựng mô hình theo tinh thần chung là toàn bộ hồ sơ, những vấn đề có liên quan đến thủ tục hành chính đều được nhận ở tất cả các điểm tiếp nhận, người dân không lệ thuộc vào điểm tiếp nhận cố định nào. Nếu là trường hợp đặc biệt thì chuyển hồ sơ cho địa phương gần nhất để giải quyết cho người dân", ông Hoan nói.

Trung tâm hành chính công TP.HCM dự định sẽ có một chi nhánh trung tâm và 22 chi nhánh địa phương (trong đó có TP Thủ Đức), 312 chi nhánh phường, xã. Về lâu dài, TP.HCM hướng đến xây dựng một chi nhánh trung tâm quản lý tất cả hồ sơ của các sở. Khi đó, các sở trực thuộc UBND TP.HCM sẽ không còn các bộ phận tiếp nhận như hiện nay. Với trung tâm này, TP.HCM đã có đề án và trong quá trình báo cáo Thành ủy, Chính phủ, trên cơ sở đồng thuận sẽ triển khai trong tháng 9 và cố gắng vận hành vào đầu năm 2025.

Đã có 4.496 thủ tục cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia

TP.HCM nỗ lực xây dựng nền hành chính số - Ảnh 3.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh- Ảnh: NAM TRẦN

Bao gồm 2.623 thủ tục của người dân, 2.396 thủ tục của doanh nghiệp, trong đó có nhiều dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: đăng ký thường trú; cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước; cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam...

Theo thống kê, đã có gần 330 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái và có hơn 46 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Văn phòng Chính phủ đã thành lập tổ biên tập xây dựng tài liệu về mô hình mẫu bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp.

Đánh giá về việc cải cách thủ tục hành chính, Bộ Nội vụ cho hay từ đầu năm đến nay Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Chính phủ đã ban hành nghị định số 63 quy định việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.

4 địa phương thí điểm trung tâm một cấp trực thuộc UBND tỉnh

Tại Hà Nội, việc thực hiện số hóa được triển khai 100% với các thủ tục hành chính được thực hiện từ đầu năm nay. Cùng với đó, từ 1-6 tất cả bộ phận một cửa tại Hà Nội áp dụng giải pháp thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt với các hồ sơ thủ tục hành chính. TP cũng yêu cầu các cơ quan bố trí lực lượng hỗ trợ tại bộ phận một cửa để hỗ trợ các trường hợp người dân chưa có tài khoản hoặc thiết bị để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ, theo yêu cầu của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và 4 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Quảng Ninh xây dựng tài liệu hướng dẫn mô hình bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp cung cấp dịch vụ hành chính công của các đơn vị hành chính các cấp và thực hiện thí điểm từ tháng 9-2024 đến tháng 12-2025. Sau đó tổ chức sơ kết, nhân rộng toàn quốc.

Văn phòng Chính phủ cho rằng 4 địa phương này cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ trong việc tổ chức triển khai thí điểm. Các bộ ngành, địa phương rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp các nhóm dịch vụ công liên thông, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; kịp thời tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định, thủ tục hành chính bảo đảm chất lượng, hiệu quả...

Theo đánh giá, việc thí điểm mô hình trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại 4 địa phương dự kiến sẽ giảm 896 bộ phận một cửa, giảm 3.892 cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, tương ứng tiết kiệm hơn 352 tỉ đồng/năm chi phí đầu tư, duy trì, vận hành và chi tiền lương, tiền công...

Hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì ở mức cao

Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính có tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tiếp tục duy trì ở mức cao, bình quân cả nước đạt 99,16%. Trong đó, tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các bộ, cơ quan trung ương đạt 99,80%; tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đạt 98,56%; tỉ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của UBND cấp huyện đạt 98,77% và cấp xã đạt 99,53%.

TP.HCM nỗ lực xây dựng nền hành chính số - Ảnh 5.Ưu tiên mở rộng thanh toán số khi sử dụng dịch vụ hành chính công

Kể từ tháng 4, người dân tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM đã dần được làm quen với hình thức quét mã VNPAY-QR để thanh toán cho các dịch vụ công tại UBND xã.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên