Sáng 10-5, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị phân tích kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và chỉ số khảo sát hài lòng (SIPAS).
Theo công bố của Bộ Nội vụ, năm 2023 TP.HCM đạt 86,97 điểm chỉ số cải cách hành chính, xếp hạng 33/63 tỉnh thành; tăng 3 bậc so với năm 2022 và 10 bậc so với năm 2021.
So với năm 2022, kết quả chỉ số cải cách hành chính của TP.HCM cải thiện ở 2/8 nội dung đạt thấp nhiều năm liền.
Trong đó lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy có chuyển biến tích cực, đạt 9,32/10,5 điểm, tăng 7 bậc so với năm 2022.
Cải cách chế độ công vụ có cải thiện, vươn lên hạng 35/63, tăng 17 bậc so với năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của TP.HCM những năm qua cải thiện chậm, thuộc nhóm dưới trong số 63 tỉnh thành, chưa xứng với nỗ lực của TP trong thời gian qua.
Trên cơ sở đó, ông Mãi đặt chỉ tiêu năm 2024, TP.HCM nằm trong nhóm 10-15 tỉnh thành đứng đầu về các chỉ số cải cách hành chính và yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có kế hoạch cụ thể triển khai trong thời gian tới.
Còn hạn chế
Những hạn chế khiến TP.HCM bị trừ điểm chỉ số cải cách hành chính là chưa hoàn thành đầy đủ, đúng hạn các nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng giao năm 2023, nên bị trừ 0,18/9,5 điểm.
Cải cách thể chế bị trừ 1,66/10 điểm, giảm 3 bậc với năm 2022, xếp hạng 63/63. Trong đó, tiêu chí "xử lý văn bản trái pháp luật do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kiến nghị" chưa khắc phục được, việc xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái quy định vẫn còn chậm...
Tiêu chí cải cách thủ tục hành chính, TP.HCM bị trừ 1,93/13 điểm, chỉ xếp hạng 60/63. Cải cách tài chính công bị trừ 1,64 điểm, xếp thứ 31/63, giảm đến 10 bậc so với năm 2022.
Xây dựng chính quyền điện tử đạt 11,81/13,5 điểm, xếp hạng 12/63, tăng 7 bậc so với năm 2022 nhưng bị trừ điểm vì hệ thống giải quyết thủ tục hành chính đã vận hành năm 2023 nhưng hiệu quả thấp so với các địa phương khác.
Ngoài ra, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đạt 81,78%, xếp hạng 36/63, tăng 7 hạng so với năm 2022. Kết quả điểm khảo sát điều tra xã hội học năm 2023 của TP.HCM đạt 16,89/22 điểm, xếp hạng 59/63 tỉnh thành vì vẫn còn việc thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong việc khảo sát.
Trao đổi tại hội nghị, ông Phạm Minh Hùng - vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ - cho rằng 3 năm gần đây, TP.HCM có tăng trưởng về thứ hạng chỉ số kết quả hành chính nhưng kết quả giá trị tuyệt đối cơ bản không tăng. Kết quả chưa có sự ổn định.
Theo ông Hùng, không phải TP.HCM không nỗ lực, mà đã nỗ lực rất nhiều. Ông cũng trăn trở tại sao TP có những quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, những giải pháp đột phá tạo được sự lan tỏa, nhân rộng trên cả nước trước đây lại không mang lại kết quả tích cực trong đánh giá chỉ số cải cách hành chính hằng năm.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính cho rằng TP.HCM cần phân tích những rào cản trong cải cách hành chính.
"Chính TP.HCM chưa hài lòng với kết quả đạt được, chưa hài lòng với sự phối hợp giữa các đơn vị trong nội bộ. Hay việc đơn vị hành chính nội bộ còn rườm rà phức tạp?Có việc sở ngành này cản trở sở ngành kia trong quá trình thực thi nhiệm vụ hay không? Hay các địa phương được phân cấp nhưng khi thực hiện có dễ dàng hơn không?", ông Hùng đặt vấn đề.
Áp dụng cơ chế đặc thù "xóa" rào cản cải cách hành chính
Ông Phạm Minh Hùng - vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ - cho rằng rào cản trong cải cách hành chính còn có nguyên nhân tình trạng quá tải của cán bộ công chức.
Như vừa qua khi đi khảo sát tại phường 100.000 dân, cán bộ nói làm việc ngày đêm không có ngày nghỉ. Các công chức gặp áp lực lớn trong giải quyết công việc và áp lực với các chỉ số đánh giá cải cách hành chính.
Trung ương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để TP tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự thông thoáng, tự chủ cho nền kinh tế mang tính chất đầu tàu của cả nước.
Ông Hùng hy vọng những cơ chế chính sách này sẽ tháo gỡ những rào cản, khó khăn vướng mắc trong vận hành bộ máy hành chính cho TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận