
Người dân đến một điểm nhận giải quyết thủ tục hành chính thuộc Bưu điện TP Huế để nộp hồ sơ giải quyết dịch vụ công - Ảnh: NGỌC HIẾU
Việc triển khai tiếp nhận dịch vụ công ở bưu điện thời gian qua tại các địa phương đã giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đơn giản hóa thủ tục, giảm giấy tờ.
Nhận kết quả tại nhà
Tại TP Huế, đầu tháng 7 vừa qua, anh Nguyễn Văn Hoàng (trú phường Hương Trà, TP Huế) đến một trạm bưu điện gần nhà để nộp hồ sơ cấp giấy lý lịch tư pháp. Sau khi tiếp nhận, nhân viên bưu điện tại đây đã báo anh Hoàng về nhà rồi đợi kết quả.
Chỉ ít ngày sau, nhân viên bưu điện đã đưa kết quả giấy lý lịch tư pháp được cấp có thẩm quyền cấp đến tận nhà của anh Hoàng. Đây là một trong những cách giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi hơn ở TP Huế vừa được UBND thành phố phối hợp với Bưu điện Việt Nam triển khai trên địa bàn vào hồi tháng 5 vừa qua.
Ở Huế có 9 điểm hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính và 136 điểm đại lý dịch vụ công trực thuộc Bưu điện thành phố Huế.
Đây là mô hình được thành phố Huế triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Chuyển từ trạng thái "xin - cho" cung cấp dịch vụ công sang trạng thái "chủ động - phục vụ", cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, cũng như thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và cam kết của UBND thành phố lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND TP Huế, cho biết việc triển khai tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bưu điện và trả kết quả tại nhà giúp chính quyền 2 cấp mới "gần dân" hơn. Theo ông Phương, khái niệm "gần dân" ở đây không còn là sự gần gũi địa lý, mà là khả năng tiếp cận, tương tác, được phục vụ một cách nhanh chóng, minh bạch, trách nhiệm bởi chính quyền, dù người dân ở xa trung tâm.
Tại TP.HCM, năm 2024 Bưu điện TP.HCM phối hợp gửi thư kèm kết quả giấy tờ hồ sơ hành chính các loại cho người dân. Cụ thể như cấp đổi, cấp mới căn cước: bưu điện chuyển trả 274.846 căn cước tại địa chỉ cho người dân đăng ký dịch vụ. Riêng cấp giấy đăng ký xe, biển số xe: bưu điện chuyển trả 186 giấy đăng ký xe, biển số xe tại địa chỉ cho người dân đăng ký dịch vụ trong năm 2024.
Về thu hộ phí phạt vi phạm giao thông và chuyển trả giấy tờ tạm giữ: bưu điện thực hiện tiếp nhận đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả tại địa chỉ trên cổng dịch vụ công và tiếp nhận trực tiếp tại một số đơn vị cảnh sát giao thông. Năm 2024 thực hiện được 9.435 trường hợp.
Còn cấp, đổi hộ chiếu: bưu điện TP.HCM thực hiện tiếp nhận đăng ký dịch vụ chuyển trả kết quả tại địa chỉ trên cổng dịch vụ công và tiếp nhận trực tiếp tại phòng nghiệp vụ Công an TP.HCM. Năm 2024, số lượng chuyển trả được 249.670 hộ chiếu.
Nhận thư từ bưu điện, những điều cần lưu ý
Ngày 26-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Viettel Post cho biết hiện đang cung cấp các dịch vụ giao nhận chuyên biệt, chất lượng cao dành riêng cho thủ tục hành chính công, như: thu gom hồ sơ tại nhà theo yêu cầu của người dân, thuận tiện cho các trường hợp không thể đến cơ quan nộp trực tiếp; chuyển phát nhanh, hỏa tốc kết quả thủ tục hành chính từ cơ quan giải quyết đến tận tay người dân.
"Những dịch vụ này đều có thời gian giao siêu nhanh - có thể trong ngày hoặc sáng hôm sau, tùy theo khu vực, phù hợp với các loại giấy tờ quan trọng, cần gấp như: CMND/CCCD, hộ khẩu, giấy phép lái xe, bằng cấp, giấy khai sinh... Dịch vụ này cam kết giao tận tay, có ký nhận và đối chiếu CCCD, đảm bảo tính pháp lý, độ chính xác và bảo mật của hồ sơ", đại diện Viettel Post cho biết.
Để tránh thất lạc hoặc chậm trễ, người dân cần yêu cầu lấy phiếu gửi/biên nhận khi gửi hoặc nhận hồ sơ. Hãy ghi chính xác thông tin người nhận: họ và tên đầy đủ, số điện thoại đang sử dụng, địa chỉ rõ ràng (gồm số nhà, tên đường, phường/xã, tỉnh/thành phố).
Với những giấy tờ quan trọng, người dân nên ưu tiên sử dụng dịch vụ hỏa tốc, giao tận tay đối với hồ sơ có giá trị pháp lý cao hoặc cần xử lý gấp. Đặc biệt, người dân nên để ý mỗi đơn hàng đều có mã vận đơn riêng có thể sử dụng để tra cứu quá trình vận chuyển trực tuyến, giúp xác định thời điểm nhận hàng dễ dàng hơn.
Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dân chỉ nên sử dụng các website chính thức hoặc ứng dụng chính chủ của đơn vị giao nhận để kiểm tra tình trạng đơn hàng, xác thực bưu tá giao hàng và nhận thông báo chính thức từ hệ thống.
Không truy cập các website, đường link lạ hoặc sử dụng ứng dụng không rõ nguồn gốc, nhằm tránh rủi ro bị lừa đảo hoặc đánh cắp thông tin cá nhân.
Đặc biệt, người dân tuyệt đối không nhờ người khác nhận hộ hồ sơ nếu hồ sơ có thông tin cá nhân quan trọng, trừ khi thực sự cần thiết và có sự ủy quyền rõ ràng.
Khi nào người dân được gửi thư kèm trả kết quả giấy tờ hành chính?
Người dân khi thực hiện nộp hồ sơ hành chính trực tuyến toàn trình thì sẽ thực hiện nộp thông qua cổng dịch vụ công (hoặc VNeID) và đóng tiền (phí, lệ phí) online. Người dân sẽ được nhận kết quả (giấy phép, giấy chứng nhận, căn cước...) bản điện tử thông qua địa chỉ mail đăng ký.
Trường hợp người dân muốn nhận kết quả bản giấy thông qua bưu điện chuyển trả tận nhà thì khi nộp hồ sơ (online) phải đăng ký dịch vụ nhận kết quả thông qua bưu điện và đóng thêm phí dịch vụ.
Hiện nay Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 1.267 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình, người dân có thể nộp hồ sơ online.
Một số thủ tục hành chính liên quan nhiều đến người dân như:
+ Đăng ký/tạm ngừng/chấm dứt hộ kinh doanh
+ Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
+ Thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc VNeID người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính với 53 dịch vụ công thiết yếu như cấp, đổi bằng lái xe; đăng ký hộ chiếu; đăng ký khai sinh...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận