
Tọa đàm Chuyển đổi số - Cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền địa phương - Ảnh: VGP
Ông Phan Trung Tuấn - vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) - cho hay sau hơn 20 ngày, bước đầu triển khai chính quyền địa phương hai cấp đã có những kết quả tích cực khi bộ máy vận hành tương đối trơn tru, hiệu quả, liên thông, thông suốt, không làm gián đoạn khi chuyển đổi từ mô hình ba cấp sang hai cấp.
Vận hành cơ bản trơn tru, thông suốt
Đặc biệt với cấp xã đã vận hành và hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ quan chuyên môn, Trung tâm phục vụ hành chính công, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia với lượng giải quyết hồ sơ trực tuyến tăng dần theo từng ngày với số lượng lớn.
Từ thực tiễn triển khai tại Hà Nội, bà Trịnh Ngọc Trâm, phó chủ tịch UBND phường Cửa Nam, cho hay phường đã vận hành thử nghiệm 10 ngày, đặt ra nhiều tình huống, nhận diện các tồn tại, khó khăn, ứng dụng robot AI để phục vụ dịch vụ, tạo sự gần gũi, gần dân, thân thiện.
Tuy nhiên, bà Trâm cho rằng khó khăn đặt ra là áp lực với cán bộ công chức, bởi sau sắp xếp sáp nhập, khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi cán bộ, công chức tiếp tục rèn luyện và nâng cao, sẵn sàng đối mặt vướng mắc của công việc mới.
Nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho hay bộ đã thành lập tổ liên ngành đi xuống 4 địa phương và khảo sát 11 xã phường, nhận diện 25 vấn đề tồn tại gắn với trách nhiệm bộ ngành, địa phương.
Đơn cử như về cấu hình thủ tục hành chính chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã còn bất cập, phân cấp phân quyền, có địa phương cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Một số cán bộ với năng lực, kỹ năng còn hạn chế, việc kết nối dữ liệu chưa đồng bộ, liên thông; hệ thống chữ ký số chưa đầy đủ.
Sẽ hoàn thiện chính sách biên chế, xác định vị trí việc làm
Chia sẻ về những áp lực của cán bộ công chức, ông Tuấn cho rằng để đảm bảo bộ máy đủ năng lực, chuyển từ nền hành chính thông thường sang hành chính phục vụ thì cách thức vận hành bộ máy phải khác trước. Tức là thay vì chờ người dân đến làm dịch vụ thì phải trực tiếp tới cơ sở, lắng nghe người dân.
Vì vậy, mỗi cán bộ công chức phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm để tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực phục vụ; chính quyền địa phương các cấp tăng cường hỗ trợ, tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. Đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, vận hành hệ thống như áp dụng công nghệ, sử dụng AI, robot công nghệ...
“Trong bối cảnh áp lực khi khối lượng công việc quá lớn, một số cán bộ công chức cấp xã có dấu hiệu, tư tưởng xin nghỉ việc. Vì vậy cần có chính sách hỗ trợ, quan tâm đội ngũ, gắn với cơ chế sàng lọc, giữ lại người tốt, người tài.
Cùng đó, cần đầu tư nâng cao hạ tầng, bởi có thực tế như ở thủ đô có sóng tốt, công nghệ top đầu, dùng smartphone tốt, nhưng có lúc thực hiện dịch vụ công trên môi trường điện tử, người dân phản ánh mất 15-30 phút mới vào được, chứ chưa nói vùng sâu vùng xa chưa có điện, chưa có sóng” - ông Tuấn nói.
Về giải pháp, Bộ Nội vụ sẽ cập nhật thường xuyên khó khăn, vướng mắc, chia sẻ với các bộ ngành để giải quyết kịp thời. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và phối hợp các tỉnh, thành để tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức.
Với các vấn đề vượt thẩm quyền sẽ kịp thời báo cáo với Thủ tướng, Chính phủ. Trong đó, vấn đề được địa phương quan tâm là quy định liên quan tới biên chế cán bộ công chức. Trước mắt cơ bản giữ nguyên đội ngũ cán bộ công chức, chuyển về cấp xã để đáp ứng yêu cầu công việc lớn.
Song tới đây bộ sẽ tham mưu các cấp xây dựng quy định xác định vị trí việc làm gắn khối lượng công việc, tiêu chí tiêu chuẩn, định biên phù hợp với nhu cầu thực tiễn và bố trí biên chế cho địa phương.
Kết nối đồng bộ dữ liệu, giảm áp lực cho cán bộ công chức
Ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam, cho rằng với các thông tin hành chính công, vai trò dữ liệu rất quan trọng để thực hiện thủ tục phi địa giới hành chính.
Vì vậy, chất lượng dữ liệu phải đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống", kết nối được và có tính toàn diện.
Theo bà Trâm, việc xây dựng dữ liệu đồng bộ để quản lý mọi mặt là rất cần thiết, nên cần phải thực hiện ngay. Gắn với đó, cần tăng phân cấp, phân quyền, điều khiển dữ liệu theo phân cấp, theo hệ thống trung tâm điều hành.
Việc triển khai sớm với cấp cơ sở sẽ giúp giảm gánh nặng cho cán bộ trong trung tâm điều hành hành chính công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận